Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dưa vàng

Những năm gần đây, cùng với việc duy trì diện tích sản xuất dưa Kim Hoàng Hậu, các huyện như Nga Sơn, Hoằng Hóa, Thọ Xuân... đã khuyến khích người dân đầu tư trồng theo hướng công nghệ cao, đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Đồng thời, xây dựng thương hiệu để các sản phẩm dưa có sức cạnh tranh trên thị trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sản phẩm dưa vàng Vạn Hoa ở xã Nga Thạch (Nga Sơn).

Trên thị trường nông sản Thanh Hóa, thương hiệu dưa vàng Vạn Hoa không còn xa lạ với người tiêu dùng, bởi đây là một trong những sản phẩm dưa Kim Hoàng Hậu đầu tiên trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Thành công là vậy, nhưng ít ai biết anh Nguyễn Văn Nam ở xã Nga Thạch (Nga Sơn) đã trải qua nhiều khó khăn để đưa đến cho người tiêu dùng sản phẩm dưa vàng chất lượng, an toàn.

Đưa chúng tôi đi thăm khu nhà lưới trồng dưa, anh Nam cho biết: Năm 2018 anh đấu thầu 5ha đất để xây dựng nhà lưới trồng dưa vàng và dưa lưới ứng dụng công nghệ cao. Xác định nông nghiệp sạch, công nghệ cao sẽ là hướng đi tất yếu trong tương lai, anh đã mạnh dạn đầu tư nhà lưới để tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời, giảm thiểu tác động của thời tiết và hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ của Israel để sản phẩm đạt độ ngọt và dinh dưỡng ổn định. Bên cạnh đó, sử dụng phân vi sinh hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học để dưa vàng phát triển tốt...

Để sản phẩm được người tiêu dùng biết đến, anh Nam đã chú trọng hoàn thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm và đăng ký tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng trang website nhằm mở rộng quảng bá sản phẩm. Tháng 10/2020, sản phẩm dưa vàng Vạn Hoa đã được Hội đồng OCOP cấp tỉnh chấm điểm công nhận đạt OCOP 4 sao; sản phẩm hiện được tiêu thụ tại nhiều cửa hàng thực phẩm sạch và được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn làm quà tặng.

Thọ Xuân là một trong những địa phương có nhiều sản phẩm dưa vàng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao như: dưa vàng Xuân Hòa, dưa vàng TM-Farm, dưa vàng Điền Trạch... Để xây dựng được “lòng tin” đối với người tiêu dùng, các chủ thể đã đầu tư xây dựng nhà lưới, áp dụng khoa học - kỹ thuật, chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ để cung cấp cho thị trường những quả dưa vàng sạch, độ ngọt đạt tiêu chuẩn. Tại xã Thọ Lâm, từ 1,5ha sản xuất ban đầu, đến nay HTX nông nghiệp công nghệ cao Điền Trạch đã mở rộng quy mô nhà màng, nhà lưới sản xuất các sản phẩm dưa vàng, dưa chuột với diện tích hơn 3,5ha. Sản phẩm dưa vàng được HTX áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel, là thiết bị hiện đại từ van điều khiển tự động, lọc nhiều tầng, vòi phun áp lực thấp để phun mưa loại nhỏ giúp tiết kiệm nước tưới mà vẫn đảm bảo đủ nước tưới cho cây trồng. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với yêu cầu nghiêm ngặt từ khâu chọn giống, vật tư đến thu hoạch, đóng gói, vận chuyển và tiêu thụ. Hiện nay, sản phẩm dưa vàng Điền Trạch không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn có mặt tại nhiều siêu thị ở Hà Nội, một số tỉnh khu vực phía Bắc và miền Trung.

Tại các huyện Hoằng Hóa, Nga Sơn, Thiệu Hóa... đã không ngừng nhân rộng diện tích sản xuất dưa vàng. Bên cạnh đó, tạo mọi điều kiện khuyến khích người dân đầu tư sản xuất quy mô lớn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, bảo đảm các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị. Một số thương hiệu dưa vàng được thị trường ưa chuộng, đạt tiêu chuẩn OCOP 3 - 4 sao như: dưa vàng Vạn Hoa, dưa vàng Thảo Hiền, dưa Kim Hoàng Hậu Thiên Trường 36, dưa vàng Thọ Thanh, dưa vàng Viên Hương, dưa vàng Vạn Hà... Hầu hết, các sản phẩm đã có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh; một số sản phẩm đã đưa vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch...

Tuy nhiên, để xây dựng được thương hiệu trên thị trường, bên cạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, bảo quản, chế biến, các địa phương cần khuyến khích sản xuất theo quy mô lớn, bảo đảm các chứng nhận về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hội nghị kết nối cung cầu để đưa sản phẩm ra thị trường nâng cao giá trị cho sản phẩm. Ngoài ra, để tạo cơ chế thông thoáng cho việc tiêu thụ sản phẩm cần hỗ trợ các đơn vị sản xuất xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm dưa vàng. Để cây dưa vàng phát triển bền vững, các địa phương cũng cần có quy hoạch cụ thể theo nhu cầu thị trường, tránh tình trạng cung vượt cầu, ảnh hưởng đến kinh tế của người sản xuất.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/xay-dung-thuong-hieu-cho-san-pham-dua-vang-32161.htm