Xây dựng thương hiệu du lịch MICE Việt Nam
Sự kiện kết nối kinh doanh du lịch MICE 2024 (MICE Expo 2024) sẽ diễn ra vào ngày 27-9 tới, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội) với quy mô 500 doanh nghiệp, 800 đại biểu tham dự là cơ hội cho các doanh nghiệp xây dựng, định vị thương hiệu du lịch MICE Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
Để phát triển du lịch MICE tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, Việt Nam cần phải có những chiến lược tổng thể trong xúc tiến, quảng bá, chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực...
Điểm đến du lịch MICE
Du lịch MICE là hoạt động du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo, sự kiện, khen thưởng đang phát triển và phổ biến trên thế giới vì có thể thu hút dòng khách chi tiêu cao. Cuối tháng 8 vừa qua, hơn 4.500 du khách của một công ty dược phẩm Ấn Độ đến Việt Nam được xem là một trong những sự kiện đáng chú ý của du lịch MICE Việt Nam.
Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Quốc Trí nhận định, Ấn Độ là thị trường mới, nhiều tiềm năng nhưng cũng đòi hỏi khắt khe về dịch vụ. Vì thế, việc có thể đáp ứng một đoàn khách lớn đến từ Ấn Độ đã khẳng định Việt Nam có thể phục vụ những đoàn khách chất lượng cao, có số lượng đông.
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhiều năm nay, hoạt động du lịch MICE đã phát triển mạnh, đặc biệt ở những trung tâm du lịch như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa... Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2024, thành phố đã đón 42 đoàn khách MICE nội địa và quốc tế với hơn 12.600 lượt khách, trong đó có 13 đoàn nội địa và 29 đoàn quốc tế đến từ các thị trường như: Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia... Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đón hàng chục đoàn khách MICE đến từ nhiều thị trường.
Ở phía Bắc, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội là những địa phương liên tiếp đón các đoàn khách MICE. Trước khi cơn bão Yagi đổ bộ, tỉnh Quảng Ninh đón đoàn khách MICE nội địa với số lượng 1.000 người vui chơi tại thành phố Hạ Long trong dịp nghỉ lễ 2-9. Còn Thủ đô Hà Nội liên tục khẳng định là trung tâm du lịch MICE của cả nước. Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, Hà Nội là trung tâm của cả nước, thường xuyên tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao mang tầm quốc tế nên đã đón rất nhiều đoàn khách MICE.
Định vị thương hiệu “điểm đến xanh”
Du lịch MICE tại Việt Nam đang có sự khởi sắc nhưng vẫn đang ở hình thái “tìm đường”, chưa trở thành sản phẩm thường xuyên. Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Quốc Trí thừa nhận, dù du lịch MICE đã phát triển hơn 10 năm nay nhưng vẫn chưa có thống kê, tính toán chi tiết về hiệu quả, chất lượng, nguồn thu của du lịch MICE trong tổng doanh thu của du lịch Việt Nam. Vì thế, việc định hướng chiến lược phát triển du lịch MICE vẫn còn mang tính tự phát.
Nhận thấy tiềm lực lớn của du lịch MICE, năm 2020, Hiệp hội Du lịch Việt Nam thành lập Câu lạc bộ du lịch MICE Việt Nam để vạch ra đường hướng phát triển cho loại hình du lịch này. Các sự kiện MICE Expo được tổ chức để kết nối doanh nghiệp du lịch MICE trong và ngoài nước, bước đầu giúp ngành Du lịch định hình hướng phát triển cho du lịch MICE Việt Nam.
Đáng chú ý, năm nay, MICE Expo 2024 tổ chức vào ngày 27-9, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội) với quy mô 500 doanh nghiệp, 800 đại biểu tham dự, trong đó có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Singapore… Sự kiện gồm nhiều hoạt động với quy mô tăng gấp 4 lần, thời lượng tăng gấp đôi so với năm 2023, nổi bật là: Hoạt động xúc tiến thương mại giữa các doanh nghiệp du lịch; Diễn đàn phát triển du lịch MICE Việt Nam do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển du lịch tổ chức với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến xanh của du lịch MICE”;...
Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch MICE Việt Nam Nguyễn Đức Anh chia sẻ, MICE là hoạt động du lịch đón những đoàn khách đông, đòi hỏi các đơn vị cung ứng dịch vụ tốt cả về chất lượng và số lượng. Bên cạnh đó, việc tổ chức đoàn khách đông lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người đặt ra bài toán về nguồn nhân sự, bảo đảm vệ sinh, môi trường tại điểm đến. Năm nay, Việt Nam muốn đẩy mạnh thương hiệu “điểm đến xanh” cho các đối tác, đồng thời truyền tải thông điệp kêu gọi cộng đồng du lịch, du khách khi đến Việt Nam cùng góp sức giữ gìn môi trường, không gian xanh cho du lịch Việt Nam.
So với nhiều nước trên thế giới, du lịch MICE còn khá mới tại Việt Nam. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, quá trình phát triển du lịch MICE không dễ dàng, vì loại hình này đòi hỏi sự đầu tư tổng thể các loại hình dịch vụ, lưu trú, nhân sự. Để phát triển du lịch MICE, Việt Nam cần có cơ chế riêng từ công tác quản lý cho đến các chính sách ưu đãi, đầu tư, xúc tiến, quảng bá và tổ chức sự kiện. Đây sẽ là những vấn đề được đặt ra tại MICE Expo 2024.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Lux Group Phạm Hà:
Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch
Tham dự các hội chợ du lịch quốc tế, chúng tôi nhận thấy du khách chưa biết đến thương hiệu du lịch MICE Việt Nam. Vì thế, họ tỏ ra lưỡng lự khi lựa chọn tổ chức các đoàn khách du lịch MICE đến Việt Nam.
Với cảnh quan thiên nhiên đẹp, có nhiều trung tâm hội nghị quốc tế chất lượng cùng với kinh nghiệm tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn... Việt Nam đã hội đủ điều kiện, tiềm năng để phát triển là điểm đến du lịch MICE của khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ, lữ hành và một số địa phương trong nước đã liên kết tốt để phát triển du lịch MICE. Do đó, chúng ta cần quảng bá, xúc tiến mạnh mẽ du lịch MICE ra thị trường quốc tế, định vị rõ ràng Việt Nam là điểm đến của du lịch MICE. Chúng ta cần học hỏi cách làm của một số nước bạn trong việc phát triển du lịch MICE hiệu quả. Theo tôi, chúng ta cũng nên có những cơ quan xúc tiến chuyên trách cho du lịch MICE để định hướng thị trường, tập trung vào những thị trường trọng điểm khách đông và chất lượng.
Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch MICE Việt Nam Trịnh Lê Anh:
Cần có đào tạo chuyên sâu cho nguồn nhân lực
Thực tế cho thấy, nhu cầu và tiềm năng của du lịch MICE rất lớn nhưng Việt Nam mới khai thác được một phần nhỏ. Chúng ta đã xây dựng và phát triển được hệ thống các dịch vụ tốt nhưng hoạt động liên kết của các đơn vị chưa chuyên nghiệp. Ngoài ra, nguồn nhân lực cho du lịch MICE còn yếu, đặc biệt là nhân sự cho những thị trường ngách đòi hỏi cần phải có nhiều kỹ năng đặc biệt là ngoại ngữ, kiến thức.
Muốn du lịch MICE thực sự trở thành “đặc sản” của du lịch Việt Nam, các địa phương, doanh nghiệp, điểm đến cần tiếp tục đầu tư hạ tầng xứng tầm; triển khai các giải pháp đồng bộ, có sự phối hợp hiệu quả của các ngành, dịch vụ liên quan. Các doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với nhau và với chính quyền địa phương để phát huy thế mạnh từ công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, đến phục vụ lượng khách MICE quy mô lớn; tổ chức đào tạo chuyên sâu cho nguồn nhân lực du lịch MICE các kỹ năng như tổ chức sự kiện, ngoại ngữ, kiến thức văn hóa...
Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Quốc Trí:
Hướng đến các thị trường tiềm năng có chi tiêu cao
So với các quốc gia khác, du lịch MICE tại Việt Nam chưa phát triển. Trong khi đó, Việt Nam lại có đầy đủ ưu thế để phát triển loại hình du lịch này vì hệ thống các cơ sở hạ tầng dịch vụ, trung tâm tổ chức sự kiện, lưu trú, khu vui chơi giải trí... đang ngày càng phát triển.
Để du lịch MICE phát triển, hằng năm cần tổ chức các diễn đàn, tạo cộng đồng kết nối các doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm cũng như có thể tạo cơ hội hợp tác, liên kết xây dựng chuỗi cung ứng bền vững. Ngoài một số thị trường du lịch MICE đang phát triển nhanh tại Việt Nam là Ấn Độ, Trung Quốc... chúng ta nên có các hoạt động xúc tiến, hướng đến các thị trường tiềm năng có chi tiêu cao là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Hiện nay, Câu lạc bộ Du lịch MICE do Hiệp hội Du lịch Việt Nam thành lập đã duy trì được gần 5 năm, bước đầu đã có một số hoạt động kết nối hiệu quả, điển hình là việc tổ chức sự kiện MICE Expo. Thời gian tới, câu lạc bộ cần có sự định hướng, xây dựng thị trường trọng điểm có nguồn khách chi trả cao, bền vững và ổn định.
Hoàng Quyên ghi
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/xay-dung-thuong-hieu-du-lich-mice-viet-nam-679208.html