Xây dựng thương hiệu du lịch vùng với giá trị cốt lõi: đa dạng, độc đáo, hài hòa, bền vững
Xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ trở thành thành phố văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Me Kong là chủ trương xuyên suốt được lãnh đạo thành phố xác định. Để hiện thực hóa chủ trương đó, thành phố chú trọng phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ NGUYỄN MINH TUẤN về vấn đề này.
- Thưa ông, sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 29.12.2021, của Thành ủy Cần Thơ “Về việc đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới”, đặc biệt là từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, du lịch Cần Thơ đã có bước phát triển như thế nào? Đâu là những dấu ấn nổi bật và nguyên nhân?
- Qua 2 năm chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, du lịch TP. Cần Thơ đã có sự phục hồi mạnh mẽ, khách du lịch nội địa và quốc tế đến thành phố đã có sự tăng trưởng đáng kể, tổng thu từ du lịch tăng cao so với cùng kỳ. Năm 2022, thành phố Cần Thơ đón hơn 5,1 triệu lượt khách tham quan, tăng 142% so với cùng kỳ, đạt 128% kế hoạch năm. Các doanh nghiệp lưu trú phục vụ hơn 2,5 triệu lượt, tăng 179% so với cùng kỳ, đạt 125% kế hoạch năm. Tổng doanh thu du lịch đạt 4.117 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của thành phố.
Thời gian qua, TP. Cần Thơ đã tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội nhằm quảng bá và phát huy giá trị ẩm thực địa phương gắn với phát triển du lịch. Trong đó, hoạt động nổi bật được tổ chức hàng năm là Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam nói chung, giá trị bánh dân gian Nam Bộ nói riêng; góp phần quảng bá ẩm thực Nam Bộ đến du khách; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nghệ nhân làm bánh dân gian liên kết, hợp tác, xúc tiến đầu tư, phát triển bánh dân gian trở thành thương hiệu quốc gia, tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài.
Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch tổ chức xúc tiến, quảng bá du lịch đến các thị trường tiềm năng trong và ngoài nước, phù hợp với định hướng phát triển du lịch thành phố. Đồng thời, tham gia quảng bá, xúc tiến du lịch tại các sự kiện, hoạt động du lịch trong và ngoài thành phố chung với các địa phương đã ký kết thỏa thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch như: Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long; cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Tây ĐBSCL… Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch Cần Thơ trên các phương tiện thông tin truyền thông: ấn phẩm, tạp chí, báo, đài chuyên đề về du lịch, các trang mạng xã hội…
- Những năm gần đây, ngành du lịch Cần Thơ đã thực hiện vai trò đầu mối, trung tâm vùng ĐBSCL trong liên kết với các địa phương trong vùng và TP. Hồ Chí Minh để phát triển du lịch như thế nào?
- Cần Thơ liên kết hợp tác với Cụm các tỉnh phía Tây ĐBSCL bao gồm 7 địa phương: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang theo nguyên tắc thống nhất chung, vai trò Cụm trưởng, Cụm phó được đảm nhiệm luân phiên theo từng năm; liên kết phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL là một trong những kết nối quan trọng để hình thành và định vị thương hiệu du lịch phía Nam. Các liên kết này ngày càng đi vào thực chất khi tập trung thông tin về tình hình phát triển, đầu tư du lịch, quảng bá xúc tiến, phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là xây dựng sản phẩm du lịch. Các doanh nghiệp lữ hành của TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng hơn 50 chương trình du lịch kích cầu từ TP. Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành ÐBSCL. Trên cơ sở định hướng 3 tuyến điểm mới là Non nước hữu tình, Những nẻo đường phù sa, Sắc màu vùng biên; các doanh nghiệp du lịch đã khảo sát hàng trăm tuyến điểm, khách sạn, resort, homestay, farmstay để nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch; đồng thời xác định xây dựng thương hiệu du lịch vùng với giá trị cốt lõi là đa dạng, độc đáo, hài hòa, bền vững, trong đó giá trị bản sắc thương hiệu: an toàn, thân thiện, mến khách, văn minh, sắc màu, sống động.
- Những khó khăn, vướng mắc trong phát triển du lịch mà thành phố đã và đang đối diện là gì, thưa ông?
- Gần đây, tuy khách du lịch đến Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL đã tăng đáng kể nhưng các sản phẩm, dịch vụ du lịch vẫn còn đơn điệu, trùng lặp. Các sản phẩm, dịch vụ về đêm trên địa bàn thành phố chưa đa dạng, hấp dẫn, đa số tập trung tại một số khu vực trung tâm của quận Ninh Kiều. Giá trị về mặt nội dung, hình thức, sự đa dạng của các sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch chưa cao, phong phú để thu hút khách du lịch chi tiêu nhiều hơn, đáp ứng các nhu cầu cao hơn của du khách. Mặc dù có lợi thế rất lớn về phát triển du lịch đường sông, nhưng Cần Thơ chưa có bến tàu, cảng du lịch quy mô, có thể đón được các tàu du lịch, du thuyền quốc tế nên việc thu hút khách du lịch quốc tế đến TP. Cần Thơ bằng đường thủy còn hạn chế. Tỷ lệ ngày lưu trú của khách du lịch đến TP. Cần Thơ vẫn còn khá thấp so với mặt bằng chung của các địa phương trọng điểm về du lịch (quốc tế: 1,8 ngày; nội địa: 1,5 ngày), việc khai thác các đường bay tại Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ vẫn còn hạn chế về công suất.
Năm 2018, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ đầu tư các dự án ngoài ngân sách Nhà nước và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có hỗ trợ lãi suất đối với các dự án thuộc lĩnh vực du lịch cộng đồng; tuy nhiên, phần lớn nhà đầu tư ít quan tâm đến hỗ trợ về lãi suất, đa số mong muốn thành phố có những cơ chế, chính sách hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ vốn trực tiếp, ưu đãi về thuế đất đai… Nhân lực phụ trách công nghệ thông tin còn thiếu và yếu cả về chất lượng, số lượng; hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị để đáp ứng quá trình chuyển đổi số vẫn còn hạn chế.
- Định hướng, giải pháp phát triển ngành du lịch thành phố từ nay đến năm 2030 gắn với Quy hoạch thành phố sắp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt?
- Theo quy hoạch TP. Cần Thơ giai đoạn tới, về du lịch: phát triển Cần Thơ trở thành trung tâm du lịch quốc tế, là cửa ngõ đón khách của toàn vùng; phát triển các khu du lịch, điểm du lịch cấp quốc gia, cấp vùng gắn với việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và bảo tồn các giá trị văn hóa - lịch sử; phát triển các tuyến du lịch kết nối nội vùng, liên vùng, quốc gia, quốc tế. Trong đó, chú trọng vào phát triển Cần Thơ trở thành điểm du lịch sinh thái độc đáo, đồng thời phát triển du lịch MICE, du lịch ngôi nhà thứ hai (2nd home) và bất động sản xanh dọc sông Hậu.
Để phát huy các thế mạnh, tiềm năng du lịch, ngành du lịch thành phố định hướng một số nhiệm vụ, giải pháp để phát triển du lịch trong thời gian tới, cụ thể là sẽ mở hướng đi cho du lịch đường sông, khai thác tiềm năng du lịch đường sông trên cơ sở khai thác thế mạnh về sinh thái miệt vườn.
Bên cạnh loại hình du lịch nông nghiệp truyền thống, Cần Thơ đang phát triển thêm loại hình du lịch nông nghiệp đô thị và du lịch nông nghiệp công nghệ cao, nhằm giữ chân du khách lưu trú lại Cần Thơ. Hai mô hình du lịch nông nghiệp được chọn triển khai theo Đề án “Phát triển du lịch nông nghiệp thành phố Cần Thơ từ 2021 - 2025, tầm nhìn 2030” gồm: mô hình du lịch nông nghiệp dành cho khách tham quan và mô hình du lịch nông nghiệp dành cho khách tham quan và lưu trú.
Để du lịch nông nghiêp phát triển bài bản, bền vững, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND TP. Cần Thơ phê duyệt đề án "Phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030". Mục tiêu của đề án là khai thác có hiệu quả giá trị tài nguyên nông nghiệp, hướng dẫn các hoạt động triển khai cụ thể giúp nâng cao sức cạnh tranh của loại hình du lịch nông nghiệp; từ đó, Cần Thơ đặt mục tiêu phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng sinh thái bền vững, tạo ra chuỗi giá trị gia tăng cho toàn ngành du lịch.
- Xin cảm ơn ông!