Xây dựng Thương hiệu Quốc gia ngành Cơ khí, đưa sản phẩm Việt tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Ngành Cơ khí Việt Nam hướng tới mục tiêu được phát triển với đa số chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong thị trường thế giới.
"Xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm cơ khí" là chủ đề Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống các cơ quan Thương vụ tại nước ngoài mới nhất (8/2023) do Bộ Công Thương tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 tỉnh thành và các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.
Động lực dẫn dắt tăng trưởng nền kinh tế quốc dân
Trong nền kinh tế hiện đại, hội nhập mạnh mẽ và không ngừng phát triển như hiện nay, hàng hóa, thương hiệu quốc gia nào chiếm lĩnh thị trường quốc tế càng rộng lớn thì kinh tế quốc gia đó càng hùng mạnh. Có thể nói, thương hiệu của sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia có mối quan hệ rất chặt chẽ và mang tính tác động qua lại, ảnh hưởng trực tiếp lẫn nhau.
Cơ khí là một trong những ngành công nghiệp có lịch sử lâu đời và được Đảng và Nhà nước xác định là ngành công nghiệp mang tính “xương sống”, đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân, mở rộng sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là một số nhóm ngành như cơ khí khuôn mẫu, cơ khí công nghệ cao, máy móc thiết bị, phụ tùng…
Phát biểu tại Hội nghị "Xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm cơ khí", Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú đánh giá, ngành Cơ khí đã có bước tăng trưởng vượt bậc, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp và kinh tế phát triển. Qua đó, trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động.
Tuy nhiên, theo đánh giá, dù chỉ số cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam ngày càng được thu hẹp, đứng thứ 44 trên thế giới. Tuy nhiên, con số nêu trên là bao gồm các sản phẩm công nghiệp do doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nắm giữ, còn doanh nghiệp cơ khí, chế biến, chế tạo của Việt Nam đang thấp hơn nhiều.
Đồng thời, tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp cũng rất thấp so với các nước trong khu vực; công nghệ chậm đổi mới, phần lớn tụt hậu so mức trung bình của thế giới; nguồn nhân lực chất lượng cao, có tay nghề trong công nghiệp còn thiếu. Mặt khác, chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chậm, chủ yếu hoạt động gia công, lắp ráp ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam chưa chủ động được nguồn đầu vào cho sản xuất, khi phải nhập khẩu tới 91,2% tư liệu sản xuất, dẫn đến tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng trong nước đạt thấp. Nhiều sản phẩm của ngành Cơ khí Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh, một phần quan trọng vì thiếu sản phẩm có "tên tuổi".
Tuy nhiên, thực tế, dù không nhiều thương hiệu "tên tuổi" nhưng ngành Cơ khí Việt Nam cũng đã đóng góp những thương hiệu tiêu biểu, đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường thế giới, như Hòa Phát, Vinfast, Thành Công, Thaco... Công nghiệp cơ khí trong nước cũng đã chế tạo được một số phân ngành sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trong nội địa và khu vực, như các phân ngành sản phẩm chế tạo kết cấu thép, sản xuất hàng phi tiêu chuẩn, chế tạo một số máy, thiết bị, phụ tùng phục vụ nhu cầu ngành điện lực, dầu khí, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế tạo một số máy canh tác, chế biến, bảo quản nông lâm hải sản, lắp ráp ô-tô, đóng tàu viễn dương, tàu chở khách và vận tải thủy...
Theo dữ liệu đánh giá của Brand Finance, thương hiệu Hòa Phát được định giá 620 triệu USD và là doanh nghiệp ngành Cơ khí - sản xuất thép duy nhất trong Top 16 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2023.
Hòa Phát hiện giữ thị phần số 1 Việt Nam ở các lĩnh vực thép xây dựng, ống thép, Top 5 doanh nghiệp sản xuất tôn mạ lớn nhất. Trên thị trường quốc tế, sản phẩm và thương hiệu của Hòa Phát đã hiện diện tại 30 quốc gia, vùng lãnh thổ khắp 5 châu lục và được bảo hộ tại nhiều quốc gia lớn. Nhiều năm liên tục, thương hiệu Hòa Phát được lựa chọn là Thương hiệu Quốc gia, Top Thương hiệu mạnh nhất Việt Nam.
Hay thương hiệu THACO, tuy không nằm trong Top đầu, nhưng lần thứ sáu liên tiếp được vinh danh Thương hiệu Quốc gia Việt Nam. THACO là tập đoàn công nghiệp đa ngành, trong đó ô tô đóng vai trò chủ lực, tạo ra các giá trị bền vững. Hiện THACO phân phối đầy đủ chủng loại: xe du lịch, xe bus, xe tải, xe chuyên dụng đến từ các thương hiệu ô tô quốc tế (KIA, Mazda, Peugeot, BMW; Foton, Mitsubishi Fuso). Đến nay, tỷ lệ nội địa hóa các dòng xe do THACO AUTO sản xuất đạt từ 20 - 60% (cao nhất Việt Nam hiện nay); đồng thời tạo cơ hội để phát triển các lĩnh vực như cơ khí, nông nghiệp và các ngành nghề khác, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư, đóng góp tiến bộ cho nền kinh tế đất nước.
Có thể nói, để xây dựng, phát triển công nghiệp cơ khí của quốc gia là việc rất khó, nhưng không thể không làm. Khi quốc gia có nền sản xuất cơ khí mạnh, không thua kém các nước khác mới có thể tự chủ, bảo đảm quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong tình hình thế giới đầy biến động như hiện nay. Do vậy, Nhà nước cần có những chính sách đặc thù để đầu tư phát triển công nghiệp cơ khí với những thương hiệu mạnh.
Đưa sản phẩm cơ khí tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Theo số liệu sơ bộ, nhiều năm qua, nước ta đã nhập khẩu từ nước ngoài khoảng 40 tỷ USD/năm các trang thiết bị, máy, vật tư sản xuất cho toàn ngành kinh tế bao gồm sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng hạ tầng, dịch vụ và quốc phòng - an ninh. Đó là thị trường khá lớn mà nhiều nước muốn có mà không được.
Ông Nguyễn Chỉ Sáng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cho biết, mặc dù hiện nay con số xuất nhập khẩu của ngành cơ khí lớn nhưng hầu hết nằm trong khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), còn tỷ trọng của doanh nghiệp Việt Nam khá khiêm tốn.
Thực tế cho thấy, khách hàng nước ngoài nhận diện nhiều hạn chế của doanh nghiệp cơ khí Việt Nam; trong đó, kỹ năng tìm kiếm khách hàng hạn chế. Hơn nữa, chưa có mặt hàng truyền thống; không có đại diện bán hàng theo khối và không liên kết chặt chẽ trong tìm kiếm khách hàng; ngại thay đổi quy mô sản xuất và hạn chế trong sử dụng thương mại điện tử phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Cùng đó, doanh nghiệp cạnh tranh chủ yếu bằng giá nhân công, vật tư phụ thuộc vào Trung Quốc, chưa nắm vững các điều khoản quy định về luật thương mại của một số thị trường như EU, Mỹ, châu Phi… Vì vậy, hiệp hội đề xuất Thương vụ Việt Nam ở thị trường nước ngoài hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp cơ khí trong nước, nhất là về cung cấp thông tin thị trường. Cùng đó, Bộ Công Thương cần hỗ trợ kết nối doanh nghiệp trong ngành với nhà mua hàng nước ngoài. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các kênh thương mại điện tử; hỗ trợ tổng hợp số liệu và nhu cầu thị trường
Theo bà Trương Thị Chí Bình – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), thị trường sản phẩm cơ khí suy giảm khoảng 20% đơn hàng, có doanh nghiệp đơn hàng suy giảm nặng hơn từ 30-40%. Thế nhưng, lĩnh vực cơ khí cũng có thêm nhiều khách hàng mới do sự dịch chuyển về sản xuất. Trong khi đó, năng lực của doanh nghiệp trong nước đã có những chuyển biến tích cực. Cùng với đó, nhiều công đoạn sản xuất doanh nghiệp Việt Nam đủ khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc, Ấn Độ.
Bà Trương Thị Chí Bình cũng chỉ ra rằng, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UEA) được coi là thị trường tiềm năng của sản phẩm cơ khí Việt Nam, tuy nhiên, doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thanh toán.
Hoa Kỳ cũng là điểm đến hấp dẫn nhưng đòi hỏi tiêu chuẩn cao. Vì vậy, cần sự hỗ trợ từ Thương vụ để doanh nghiệp có thể nắm bắt cơ hội tiếp cận thị trường, đáp ứng được yêu cầu từ đối tác.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại New York chia sẻ, lĩnh vực cơ khí đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Hoa Kỳ, nhất là sản xuất ô tô. Thời gian tới, trong lĩnh vực cơ khí của Hoa Kỳ tập trung vào xu hướng áp dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất xe điện, sản phẩm bền vững, thân thiện môi trường.
Bên cạnh là nhà sản xuất lớn về cơ khí chế tạo, Hoa Kỳ cũng là nước có nhu cầu nhập khẩu đa dạng, sản phẩm nhập khẩu là máy công nghiệp, máy bay dân dụng, máy tính, phụ kiện bán dẫn, máy móc nông nghiệp, ngành giấy; ô tô, phụ tùng ô tô.
Do đó, còn nhiều dư địa xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp trong nước cần chủ động nguồn hàng, tuân thủ quy định từ thị trường; có chứng chỉ về chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, tùy theo từng ngành, sản phẩm cụ thể.
Là thị trường xuất khẩu truyền thống của sản phẩm cơ khí Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cơ khí đang chiếm tỷ trọng 5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản. Theo ông Tạ Đức Minh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản thông tin, Nhật Bản đang thực hiện chính sách mới nhằm tránh phụ thuộc nguồn cung vào Trung Quốc và mở rộng sang khối các nước ASEAN; trong đó, có Việt Nam.
Mặt khác, doanh nghiệp cơ khí của Nhật Bản chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, lâu đời, chủ của doanh nghiệp này muốn chuyển giao nhưng ở đất nước có tỷ lệ già hóa dân số việc này tương đối khó khăn nên có định hướng sang Việt Nam tìm cơ hội hợp tác sản xuất.
Cơ hội rất nhiều, nhưng ngành cơ khí của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu như thép và nhôm công nghệ cao… là điểm yếu cho phát triển ngành. Vì vậy, Thương vụ kiến nghị doanh nghiệp cơ khí trong nước cần đầu tư thêm chi phí cho mảng nghiên cứu, phát triển sản phẩm và qua đó, có thể tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Ngô Khải Hoàn – Phó Cục trưởng Cục Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, Cục Công nghiệp đã phối hợp triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho ngành cơ khí, nhất là xúc tiến thương mại công nghiệp chế biến, chế tạo. Mặt khác, Cục đã phối hợp triển khai hoạt động nâng cao năng lực của doanh nghiệp như tổ chức hoạt động đào tạo tư vấn viên với mục đích lan tỏa kiến thức này cho các doanh nghiệp trong nước.
Về phía doanh nghiệp FDI, Cục đã phối hợp triển khai 2 chương trình tiêu biểu như đào tạo kỹ sư khuôn mẫu và tham gia kết nối. Liên quan kiến nghị của hiệp hội về việc mở rộng đối tượng, quy mô tham gia hội chợ triển lãm chuyên ngành quan trọng và sẽ nghiên cứu và sẽ có hoạt động triển khai phù hợp trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia của Bộ Công Thương, dù dư địa thị trường của công nghiệp là rất lớn, song việc đa dạng và mở rộng thị trường với doanh nghiệp trong ngành cơ khí vẫn hết sức khó khăn do năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh, chưa xây dựng được thương hiệu và khách hàng tiềm năng biết đến. Bởi vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt, sát sao chỉ đạo các bộ, ngành cùng với các địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước, đa dạng hóa nguồn cung, đối tác, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tiếp tục giữ vững, củng cố vị thế tại các thị trường đã có Hiệp định thương mại tự do; phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại.
Hy vọng trong thời gian tới, ngành Cơ khí Việt Nam sẽ đóng góp thêm nhiều tên tuổi mới trong Danh sách sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, vững vàng tiến ra thế giới.