Xây dựng thương hiệu quốc tế cho sâm Việt Nam

Ðể phát triển sâm thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, ngày 01/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 611/QÐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Theo đó, xây dựng định hướng phát triển sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao. Ðây là mục tiêu lớn đặt ra yêu cầu cấp bách cho các địa phương phát triển hiệu quả ngành hàng này, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm lớn trên thế giới…

Lễ hội Sâm Ngọc Linh (Quảng Nam) được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá về cây sâm Ngọc Linh.

Lễ hội Sâm Ngọc Linh (Quảng Nam) được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá về cây sâm Ngọc Linh.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, ngành nông nghiệp và các địa phương đang quy hoạch và thực hiện phát triển các vùng nguyên liệu sâm tập trung, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, để mang lại giá trị kinh tế hiệu quả, bền vững.

Đầu tư nâng cao chất lượng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc nuôi trồng, phát triển sâm, gồm: Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Ðồng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Lào Cai, Lai Châu, Ðiện Biên tập trung đầu tư, phát triển cây sâm, trong đó chú trọng phát triển vùng nguyên liệu sâm Việt Nam quy mô hàng hóa tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu.

Tỉnh Kon Tum hiện có hơn 1.160 hộ gia đình, 30 nhóm hộ, tổ liên kết và các doanh nghiệp sản xuất sâm Ngọc Linh. Tổng diện tích rừng tự nhiên có trồng sâm Ngọc Linh toàn tỉnh là hơn 1.151 ha với khoảng 24,8 triệu cây, sản lượng ước đạt 213 tấn; ngoài ra còn có gần 900 ha rừng có trồng sâm Ngọc Linh dưới tán, dự kiến thu hoạch hạt để sản xuất được 6,2 triệu cây giống mỗi năm. Trong danh mục dự án thu hút đầu tư của tỉnh giai đoạn 2021-2025, có 7 dự án đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh.

Tại tỉnh Quảng Nam, trong những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thực hiện công tác bảo tồn, phát triển để đưa cây sâm Ngọc Linh thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y dược và chăm sóc sức khỏe, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng cho biết, những năm gần đây, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã tập trung phát triển sâm Ngọc Linh trở thành cây trồng chủ lực để thoát nghèo. Hiện các tổ chức, doanh nghiệp, nhóm hộ đã tham gia trồng sâm trên tổng diện tích gần 810 ha, với khoảng hơn 3 triệu cây. Toàn huyện đã thu hút được 20 doanh nghiệp đăng ký trồng sâm và dược liệu dưới tán rừng, với diện tích đăng ký 364 ha. Ngoài Nam Trà My, một số địa phương khác của tỉnh có thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp cũng đang phát triển tốt cây sâm Ngọc Linh. Nhờ trồng sâm và cây dược liệu mà đời sống người dân miền núi tỉnh Quảng Nam cải thiện rõ rệt, diện mạo nông thôn thay đổi đáng kể; nhiều hộ gia đình thu nhập hàng tỷ đồng từ trồng sâm Ngọc Linh.

Cũng như hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, hiện nay, tỉnh Lai Châu nơi có diện tích sâm Lai Châu lớn nhất nước đang tập trung quy hoạch, phát triển sâm trở thành ngành hàng kinh tế mũi nhọn của địa phương. Ở Việt Nam, cây sâm Lai Châu chỉ phân bổ duy nhất trên địa bàn tỉnh Lai Châu và phát triển chủ yếu ở độ cao từ 1.500 m trở lên so với mực nước biển. Theo rà soát của cơ quan chuyên môn, toàn tỉnh có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, độ cao phù hợp trồng sâm được xác định vào khoảng 30.000 ha. Trong đó có 17.000 ha có điều kiện rất thích hợp phát triển sâm, tập trung ở hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Lai Châu hiện có hơn 20 doanh nghiệp, hợp tác xã đang đầu tư trồng, phát triển cây sâm. Ngoài ra có hàng trăm hộ dân ở các địa phương tham gia liên kết hoặc tự trồng với tổng diện tích đã trồng được hơn 35 ha. Xã Pa Vệ Sủ huyện Mường Tè hiện có 5 tổ chức, doanh nghiệp liên kết với người dân phát triển kinh tế dưới tán rừng và triển khai trồng sâm Lai Châu cùng một số cây dược liệu khác. Cây sâm được trồng tập trung tại các bản Sín Chải A, B, C, Chà Gá, Pá Hạ…

Anh Pờ Gạ Hừ, Trưởng bản Sín Chải B cho biết, bản có 52 hộ với 220 nhân khẩu, 100% là người dân tộc La Hủ. Hiện đã có hai doanh nghiệp đến đây để tổ chức liên kết trồng sâm dưới tán rừng. Ðến nay, các doanh nghiệp đã triển khai trồng khoảng 3 ha, trong bản cũng đã có 40 hộ dân tham gia trồng sâm tại vườn nhà hoặc trồng trên nương thảo quả hay ở dưới tán những cánh rừng được Nhà nước giao quản lý, chăm sóc. Bà Lò Phù Mé, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Pa Vệ Sủ cho biết thêm, hiện trên địa bàn xã các tổ chức, doanh nghiệp đã triển khai trồng được hơn 15 ha sâm. Ngoài ra các hộ dân trong xã tự trồng được khoảng 3 ha… Ðến nay, các diện tích trồng sâm của người dân đều phát triển rất tốt, một số chuẩn bị cho thu hoạch…

Phát triển vùng nguyên liệu sâm Việt

Theo chỉ đạo của Chính phủ, ngành nông nghiệp và các địa phương đang quy hoạch và thực hiện phát triển vùng nguyên liệu sâm Việt Nam tập trung. Trong đó, gây trồng, phát triển vùng nguyên liệu sâm với diện tích khoảng 21.000 ha. Vùng nguyên liệu này gồm các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Ðồng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Lào Cai, Lai Châu, Ðiện Biên là những nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với yêu cầu sinh thái của cây sâm.

Quy mô và địa điểm cụ thể được xác định trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng tiềm năng, năng lực đầu tư, quỹ đất, hiệu quả về kinh tế-xã hội, môi trường và nhu cầu thị trường của mỗi địa phương. Ðồng thời, lập hồ sơ quản lý, cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc đối với toàn bộ diện tích sâm của các tổ chức, cá nhân theo tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, Hồ Quang Bửu cho biết, để phát triển sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia và định hướng đến năm 2045 trở thành thương hiệu quốc tế, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với người dân đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, khai thác, chế biến sản phẩm; phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác trong nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm sâm Ngọc Linh.

Tỉnh chỉ đạo các địa phương xác định quy mô vùng trồng sâm để định hướng công tác bảo tồn, phát triển và sản xuất theo hướng hàng hóa mang tính bền vững, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tỉnh Kon Tum đã đề ra mục tiêu phát triển 31.742 ha sâm Ngọc Linh, trong đó, vùng lõi trồng sâm Ngọc Linh có độ cao từ 1.500 m trở lên là 16.988 ha, vùng đệm bảo vệ vùng lõi, bảo vệ môi trường, sinh thái và ổn định khí hậu tạo điều kiện thích nghi để phát triển sâm là 14.754 ha (độ cao từ 1.200 m-1.500 m).

Tỉnh Lai Châu đã ban hành kế hoạch phát triển cây sâm của tỉnh đến 2030 là 100% diện tích cây sâm Lai Châu ngoài tự nhiên được quản lý và bảo tồn; đầu tư phát triển 7 cơ sở sản xuất giống trong đó có 2 trung tâm sản xuất giống công nghệ cao. Dự kiến tỉnh sẽ có khoảng 3.000 ha sâm được trồng và một nhà máy chế biến sâu. Tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh sâm đều được cấp mã số vùng trồng. Ðến năm 2045 toàn tỉnh phấn đấu sẽ phát triển khoảng 10.000 ha sâm và có thêm một nhà máy chế biến sâu. 100% sản phẩm thu hoạch được chế biến, bảo quản theo quy trình, trong đó 30% sản lượng được chế biến chuyên sâu.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị đánh giá, cây sâm thật sự là cây làm giàu, nhất là đối với những người dân sống bằng nghề rừng, đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng xa, vùng sâu. Cùng với việc quy hoạch phát triển các khu vực sản xuất sâm tập trung, quy mô lớn, việc trồng cây sâm dưới tán rừng cũng là hướng phát triển dược liệu bền vững, cần phát huy nhân rộng diện tích.

Sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y dược

Hiện nay, thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát triển cây sâm ổn định và bền vững, các ngành, địa phương đang tập trung đánh giá các loài sâm Việt Nam có phân bố trong rừng tự nhiên về diện tích, trữ lượng và đề xuất vùng trồng thích hợp. Bên cạnh đó, tích cực xây dựng vùng bảo tồn nguyên vị và vườn sưu tập nguồn gien cây sâm Việt Nam tại một số vùng sinh thái điển hình có phân bố tự nhiên, ưu tiên ở các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Lâm Ðồng, Nghệ An, Lai Châu. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về bảo tồn, phát triển nguồn gien các loài sâm và xác định vùng trồng thích hợp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban nhân dân các tỉnh trong phạm vi chương trình triển khai thực hiện, tập trung nghiên cứu, chọn, tạo, sản xuất giống sâm, trong đó tập trung chọn, tạo giống sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu có năng suất, chất lượng cao, chống chịu với sâu, bệnh hại.

Hình thành các cơ sở sản xuất giống hiện đại tại các địa phương trên cơ sở xác định cụ thể về quy mô diện tích vùng trồng sâm Việt Nam phù hợp, bảo đảm hiệu quả, trong đó ưu tiên tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Lai Châu, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa với khả năng cung ứng cây giống cho phát triển vùng nguyên liệu bình quân khoảng 2.000 ha/năm. Hoàn thiện các quy trình sản xuất giống và quy trình canh tác sâm Việt Nam phục vụ gây trồng, phát triển vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất. Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, kiểm soát nguồn gốc giống sâm bảo đảm hợp pháp theo quy định hiện hành.

Với mục tiêu xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y dược và chăm sóc sức khỏe, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm quốc phòng, an ninh, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Theo đó, giai đoạn đến năm 2030, bảo tồn nguồn gien sâm Việt Nam ngoài tự nhiên gắn với bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ sinh thái rừng; phấn đấu diện tích trồng sâm Việt Nam đạt khoảng 21.000 ha, 100% diện tích trồng sâm Việt Nam được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý. Ðịnh hướng đến năm 2045, phát triển sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm lớn trên thế giới…

Nguồn:https://nhandan.vn/xay-dung-thuong-hieu-quoc-te-cho-sam-viet-nam-post766205.html

Theo nhandan.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/602494-xay-dung-thuong-hieu-quoc-te-cho-sam-viet-nam.html