Xây dựng thương hiệu văn hóa đặc trưng của TP HCM
Mỗi năm, TP HCM tổ chức khoảng hơn 50 lễ hội nhưng chưa có lễ hội nào làm nên thương hiệu khiến người dân và du khách nhớ đến
Nhằm lắng nghe ý kiến của cơ quan chuyên môn, hội chuyên ngành, các nhà nghiên cứu, nhà báo về công tác tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa nghệ thuật trong thời gian qua tại TP HCM; đóng góp ý kiến đề xuất lễ hội, sự kiện văn hóa, nghệ thuật mang tính đặc trưng của TP phục vụ người dân và du khách, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM đã tổ chức buổi họp vào chiều 29-7. Các ý kiến nêu ra cũng đã khai mở nhiều điều.
Chưa tạo nên dấu ấn
TP HCM là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa lớn nhất của cả nước; có tài lực, nhân lực vượt trội so với các địa phương khác để phát triển văn hóa nghệ thuật. Con người nơi đây vốn năng động, gắn bó, nghĩa tình. Nghệ sĩ của TP HCM đi đầu trong sáng tạo nghệ thuật. TP HCM cũng là thị trường giải trí lớn nhất cả nước, là trung tâm hoạt động điện ảnh và kịch nghệ, quy tụ gần như nhân tài từ mọi miền của lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Thế nhưng, nhìn lại, TP HCM hôm nay có gì về văn hóa nghệ thuật để mọi người dân và du khách nhớ tới khi nói đến?
Người dân Đà Nẵng tự hào về lễ hội Pháo hoa quốc tế thường niên của thành phố mình. Người dân Quảng Nam tự hào vì Đêm trăng rằm phố cổ Hội An và vở diễn sân khấu thực cảnh "Ký ức Hội An" tầm cỡ quốc tế. Người dân thủ đô cũng có lễ hội Hoa anh đào thường niên đáng nhớ và vở sân khấu thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ" (The Quintessence of Tonkin) ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai được kênh truyền hình CNN bình chọn là "vở diễn nhất định phải xem khi đến Hà Nội".
Theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM, Thường trực Ban Tổ chức lễ TP, mỗi năm TP HCM tổ chức khoảng trên dưới 50 lễ hội, sự kiện chính trị, văn hóa và sự kiện đối ngoại. Trong đó, phần lớn là sự kiện chính trị và đối ngoại, rất ít lễ hội văn hóa: Liên hoan Nghệ thuật dân gian, Liên hoan Múa rối Việt Nam, Ngày hội Văn hóa đọc, Liên hoan Ảo thuật đường phố, Lễ hội Ánh sáng… Những lễ hội văn hóa này cũng diễn ra với tầm vóc, quy mô chưa đủ để làm nên thương hiệu cho TP HCM. Gần đây, TP HCM có thêm Lễ hội áo dài, do Sở Du lịch TP tổ chức. Lễ hội này tuy tạo được dấu ấn nhưng để đạt đến thương hiệu cần phải có thời gian và cách làm sáng tạo hơn nữa.
Ngành văn hóa TP HCM vẫn luôn tự hào là TP đi đầu về xã hội hóa hoạt động sân khấu, xây dựng được hệ thống điểm diễn sân khấu ngoài công lập, tạo nên nét văn hóa thưởng thức kịch đa dạng của người dân. Song, theo NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, thực ra, đó chỉ là những sàn diễn tạm bợ, sản phẩm làm ra vì thế cũng mang tính tạm bợ, chạy theo thời vụ để bảo đảm doanh thu, hiếm hoi những tác phẩm đầu tư lớn, có tuổi thọ bền lâu.
Theo ông Giàu, các loại hình nghệ thuật truyền thống của TP HCM đang trong tình cảnh hết sức khó khăn về đội ngũ kế cận, nhất là hát bội. Lâu nay, các trường chuyên nghiệp không có lớp đào tạo nghệ thuật hát bội. Không có bằng cấp là không thể trở thành viên chức để hưởng lương, vì vậy chẳng ai theo nghề. Cải lương cũng có trường hợp là NSND, NSƯT nhưng không có bằng cấp cũng không thể trở thành viên chức. Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, chim đầu đàn của sân khấu cải lương TP HCM, đang trong tình cảnh khó khăn chồng chất. Ông Giàu cảnh báo nếu Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tan rã thì sân khấu cải lương của TP HCM chẳng còn gì.
Thử thách không dễ dàng
Ghi nhận những thành tựu đã đạt được của ngành văn hóa trong thời gian qua nhưng trong giai đoạn mới, lãnh đạo TP HCM mong muốn hoạt động văn hóa nghệ thuật phải có những bước chuyển mới, nhất là khi nhìn lại, rất nóng lòng muốn có những sự kiện, lễ hội văn hóa nghệ thuật làm nên thương hiệu đặc trưng của TP HCM. Tuy nhiên, xây dựng như thế nào và bắt đầu từ đâu vẫn là bài toán đang tìm lời giải.
Theo Sở Du lịch TP HCM, sở có một số hoạt động lễ hội, liên hoan có thể nâng cấp để trở thành thương hiệu, như: Lễ hội áo dài, Liên hoan Ẩm thực đất phương Nam, Liên hoan Ẩm thực món ngon các nước… Ngoài ra, ngành du lịch TP HCM cũng có kế hoạch xây dựng các sản phẩm du lịch bằng các loại hình văn hóa nghệ thuật, trong đó có vở sân khấu thực cảnh.
Ngành văn hóa TP HCM cũng mong muốn nâng cấp một số lễ hội, liên hoan đã làm được thời gian qua để xây dựng thương hiệu: Liên hoan Nghệ thuật dân gian, Liên hoan Múa rối Việt Nam, Ngày hội Văn hóa đọc, Liên hoan Ảo thuật đường phố, Lễ hội Ánh sáng. Hội Điện ảnh TP HCM đang quyết liệt trong việc xin phép tổ chức thường niên Liên hoan Phim quốc tế TP HCM. Liên hoan Đờn ca tài tử, Liên hoan Hợp xướng quốc tế… theo gợi ý của Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM cũng là những hoạt động dễ tạo dấu ấn riêng nếu biết cách làm.
Đặc trưng của TP HCM là văn hóa hội tụ từ nhiều vùng miền, nhiều địa phương và là nơi giao thoa văn hóa quốc tế. Vì vậy, muốn xây dựng thương hiệu văn hóa đặc trưng của TP HCM phải dựa trên nền văn hóa hội tụ và giao thoa, khai thác và kết hợp nhuần nhuyễn những gì tinh túy của văn hóa đa dạng ấy. Đây quả là thử thách không dễ dàng.
Khu phố kịch nghệ, tại sao không?
Ông Trần Ngọc Giàu đề nghị nếu được thì nên quy hoạch xây dựng ngay tại khu trung tâm TP HCM một cụm nhà hát trên nền rạp hát cũ đang xuống cấp cho các loại hình nghệ thuật tổ chức biểu diễn, nhất là bộ môn sân khấu truyền thống và đờn ca tài tử. Đây sẽ là nét văn hóa độc đáo của TP HCM, vừa có sản phẩm phục vụ du lịch văn hóa vừa giúp bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống.
Một ý tưởng hay, được nhiều người tâm đắc nhưng sẽ khó có thể thực hiện ngay được bởi theo ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM, có rất nhiều thủ tục, quy định phức tạp phải giải quyết trong thời gian dài mới có thể xin sử dụng được các tài sản công này cho mục đích biểu diễn.