Xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật

Hôm nay, ngày 9-11-2023 là lần thứ 10 thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam. Theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật: Ngày 9-11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Như vậy, mục đích của Ngày Pháp luật chính là giáo dục, xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật; làm cho tinh thần thượng tôn pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức của mọi người, toàn xã hội hành động theo pháp luật. Đây là nội dung quan trọng nhất để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 Hôm nay, ngày 9-11-2023 là lần thứ 10 thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam. Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Tin tức

Hôm nay, ngày 9-11-2023 là lần thứ 10 thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam. Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Tin tức

Ngày Pháp luật có ý nghĩa rất thiết thực, sâu sắc; hiểu biết và tuân thủ đúng pháp luật là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công, phát triển bền vững của mọi cá nhân và tập thể. Thế nhưng không phải ai và ở đâu cũng nhận thức đúng và thực hiện tốt điều này.

Thực tế, Ngày Pháp luật vẫn được tổ chức một cách chiếu lệ, chỉ nặng về hình thức ở không ít địa phương, cơ quan, đơn vị; thậm chí có nơi còn không triển khai hoạt động gì.

Thực tế cũng cho thấy, có địa phương, đơn vị tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật bằng nhiều hoạt động rầm rộ, nhưng cán bộ lãnh đạo không tham gia mà giao phó cho cơ quan chức năng và các tổ chức đoàn thể, vì thế hiệu quả không cao.

Thực trạng đáng báo động là chúng ta đề ra phương châm “Sống, lao động và học tập theo Hiến pháp và pháp luật”, thế nhưng hiểu biết về pháp luật và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của không ít người dân còn rất nhiều hạn chế.

Điều hết sức nguy hiểm là hiện tượng thiếu nghiêm túc, không gương mẫu trong chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên. Việc một số cán bộ đứng đầu các đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức của cơ quan bảo vệ pháp luật nhưng lại coi thường pháp luật, tìm cách “lách luật”, không tuân thủ các quy định vì coi mình là “ngoại lệ”, thậm chí còn “bảo kê” cho những trường hợp vi phạm pháp luật... khiến người dân rất bất bình. Đó chính là những “gương mờ”, những “con voi chui lọt lỗ kim” làm mất niềm tin vào kỷ cương, phép nước, tạo tâm lý “nhờn” luật, ảnh hưởng vô cùng tiêu cực tới tinh thần thượng tôn pháp luật.

Việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật bảo đảm thiết thực, hiệu quả là hết sức cần thiết, rất cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thực chất của các cấp ủy đảng, chính quyền. Tuy nhiên, để xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật trong toàn dân thì cần nghiêm túc nhìn nhận và kiên quyết khắc phục những hạn chế nêu trên. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải được quan tâm tổ chức thường xuyên bằng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp, hiệu quả, mà giải pháp hữu hiệu nhất là cần đưa giáo dục pháp luật thành nội dung chính, môn thi chính đối với học sinh, sinh viên. Đặc biệt, phải kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức coi thường pháp luật, những vụ việc vi phạm kiểu “con voi chui lọt lỗ kim” làm mất niềm tin của nhân dân vào kỷ cương, phép nước; bảo đảm thực sự "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào" như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xử lý các vụ việc sai phạm.

LÂM SƠN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/xay-dung-tinh-than-thuong-ton-phap-luat-750629