Xây dựng tổ ấm hòa thuận, hạnh phúc
Một tiểu phẩm về hôn nhân gia đình tại ngày hội VH-TT các dân tộc xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa. Ảnh: THIÊN LÝ
Xây dựng môi trường văn hóa trên địa bàn tỉnh nói chung, phát huy truyền thống gia đình trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh nói riêng đã đạt được những kết quả khả quan, thực sự đi vào mọi mặt đời sống, nâng cao mức hưởng thụ giá trị văn hóa của Nhân dân.
Hưởng ứng tích cực các phong trào và cuộc vận động của các cấp, nhiều gia đình đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình hạnh phúc.
Vun vén tổ ấm
Từ gia đình khó khăn, không có chỗ ở ổn định, vợ chồng chị Kpắ Boan, dân tộc Ê Đê ở thôn Hoàn Thành, xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa đã mạnh dạn vay vốn nuôi bò và trồng mía, phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, gia đình chị đã xây nhà sàn, mái lợp ngói khang trang, mua sắm vật dụng trong nhà đầy đủ. Hàng năm, từ việc trồng 3ha mía và chăn nuôi bò, gia đình chị có thu nhập ổn định, có điều kiện để chăm lo cho các con học hành.
Kpắ Boan chia sẻ: “Vợ chồng tôi có hai con. Dù công việc bận rộn đến đâu, chúng tôi vẫn dành thời gian quan tâm giáo dục, chăm sóc, nhắc nhở các con học tập tốt. Các con chăm ngoan, học giỏi chính là nguồn động viên, an ủi lớn nhất đối với chúng tôi”.
Là cán bộ phụ trách đài truyền thanh, dân số - gia đình - trẻ em của phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa), chị Nguyễn Thị Mỹ Chi luôn cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý để vừa chu tất việc nhà, vừa có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, theo chị Chi để xây dựng gia đình đầm ấm, hạnh phúc, các con hiền ngoan, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ thì rất cần sự hỗ trợ, chia sẻ, thấu hiểu của người chồng, người cha trong gia đình. “Bởi vì trong thời buổi hiện nay, người vợ không chỉ đảm đương công việc trong nhà, mà còn phải hoàn thành nhiều trọng trách bên ngoài xã hội”, chị Chi bày tỏ.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, tham gia công tác hội…, nhiều chị em phụ nữ còn tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện trong cộng đồng. Nhờ đồng vợ đồng chồng nên gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Lim ở thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa đã vượt qua khó khăn, vươn lên khá giả. Hiện nay, mỗi tháng, chị Lim cùng một số người hảo tâm quyên góp, nấu cơm từ thiện cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, người già, đơn thân trên địa bàn. Mặc dù công việc buôn bán, làm ăn mất rất nhiều thời gian, nhưng vợ chồng chị luôn sắp xếp thời gian hợp lý dạy các con hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, chăm ngoan học giỏi, dành điều kiện tốt nhất để nuôi con ăn học.
Phát huy những giá trị tốt đẹp
Hàng năm, ngành Văn hóa thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn triển khai văn bản pháp luật liên quan đến phong trào và công tác gia đình cho các thôn, buôn, khu phố. Đồng thời tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng về công tác xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình tại các huyện, thị xã, thành phố; tổ chức các hội nghị chuyên đề về xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình gắn với việc xây dựng gia đình văn hóa...
Theo bà Huỳnh Thị Thu, Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Tây Hòa, tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững là giải pháp giúp cho cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ngày càng được đông đảo người dân tích cực hưởng ứng. Trên địa bàn Tây Hòa, các danh hiệu gia đình, thôn, khu phố văn hóa hàng năm đều được nâng cao cả về chất lượng và số lượng, có tính bền vững và sức lan tỏa sâu rộng.
Còn ThS Hoa Hữu Vân, chuyên viên cao cấp, nguyên Vụ phó Vụ Gia đình (Bộ VH-TT-DL), cho rằng cuộc sống hiện đại, nhất là quá trình đô thị hóa, đòi hỏi sự thay đổi nếp nghĩ, nếp sinh hoạt trong mỗi gia đình hướng tới một xã hội văn minh hiện đại. Bên cạnh đó, cần phải thấy rõ những tác động tiêu cực trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới và mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế, mặt trái của cơ chế thị trường, lối sống thực dụng tôn thờ đồng tiền và các sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài tràn vào hằng ngày, hằng giờ hủy hoại những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống. “Hơn bao giờ hết, trong lúc này cần giữ vững và phát huy cao độ tinh hoa văn hóa của gia đình truyền thống như hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, vợ chồng thủy chung, anh em hòa thuận... Xây dựng gia đình văn hóa trên cơ sở gia đình truyền thống làm nền tảng, từ đó tiếp thu những yếu tố tiên tiến của thời hiện đại chính là bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc trong cuộc sống mới”, ThS Hoa Hữu Vân nhấn mạnh.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/288459/xay-dung-to-am-hoa-thuan-hanh-phuc.html