Xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng chuyên nghiệp, năng động, hiệu quả

Ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02 về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Nghị quyết đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ, mục tiêu nhằm xây dựng, củng cố tổ chức Công đoàn theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, năng động, hiệu quả hơn. Đồng chí Nguyễn Văn Cảnh, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Bắc Giang về vấn đề này.

Xin đồng chí cho biết kết quả thực hiện Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị trong bối cảnh ở Bắc Giang có nhiều khu công nghiệp, thu hút ngày càng đông công nhân lao động cả trong và ngoài tỉnh đến làm việc như hiện nay?

Bám sát Nghị quyết của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch, nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện; quán triệt công đoàn các cấp triển khai phù hợp tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị. Với nhiều nỗ lực, hoạt động công đoàn tại Bắc Giang đã đạt nhiều kết quả.

 Đồng chí Nguyễn Văn Cảnh trò chuyện với công nhân Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc.

Đồng chí Nguyễn Văn Cảnh trò chuyện với công nhân Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc.

Về củng cố, xây dựng, phát triển tổ chức công đoàn và phong trào công nhân ở các doanh nghiệp (DN) khu vực ngoài nhà nước, hằng năm LĐLĐ tỉnh xây dựng và thực hiện các đề án, kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS), nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn. Toàn tỉnh thành lập thêm 124 CĐCS, kết nạp mới hơn 53 nghìn đoàn viên, nâng tổng số CĐCS do LĐLĐ tỉnh quản lý đến nay lên 1.810 đơn vị với 270 nghìn đoàn viên, tỷ lệ tập hợp đoàn viên đạt khoảng 94,7%; trong đó có 646 CĐCS DN với gần 220 nghìn đoàn viên. LĐLĐ tỉnh phối hợp với các đơn vị bạn quản lý 24 CĐCS với 19,1 nghìn đoàn viên. Cùng đó, LĐLĐ tỉnh thực hiện sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy và cán bộ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn theo hướng xác định rõ trọng tâm là chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động, chú trọng phát triển đoàn viên, thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS; thường xuyên sâu sát, tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ cấp dưới; phát huy tính chủ động, sáng tạo trong tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cán bộ công đoàn, phù hợp với tình hình thực tiễn từng cơ quan, đơn vị, DN.

Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã xây dựng Đề án đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở DN trên địa bàn tỉnh; kế hoạch nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, nhất là công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước; tổ chức tập huấn cho 17,5 nghìn lượt cán bộ công đoàn.

Tiếp tục bố trí cán bộ công đoàn cấp tỉnh, cấp huyện tăng cường đi cơ sở, hướng dẫn, giúp đỡ cán bộ CĐCS; kịp thời kiện toàn cán bộ ở cơ sở. Tích cực bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng những đoàn viên công đoàn, công nhân lao động ưu tú để xem xét kết nạp. Qua 2 năm các cấp công đoàn đã giới thiệu 3.979 đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp.

Công tác tài chính công đoàn cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong tình hình mới. Kết quả thu kinh phí và đoàn phí công đoàn đều vượt chỉ tiêu dự toán giao hàng năm.

Bắc Giang là một trong 10 địa phương của cả nước có số lượng công nhân lao động lớn, tuy nhiên việc thành lập tổ chức công đoàn ở các DN ngoài nhà nước vẫn gặp khó khăn. LĐLĐ tỉnh có những giải pháp gì để khắc phục, thưa đồng chí?

Xác định công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức công đoàn, LĐLĐ tỉnh tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu. Trong đó, bám sát các nghị quyết của Đảng trong việc củng cố, xây dựng, phát triển tổ chức công đoàn và phong trào công nhân lao động ở các DN ngoài khu vực nhà nước để tham mưu cho các cấp ủy đảng ban hành kế hoạch thực hiện và tăng cường sự lãnh đạo về công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong các DN.

Chủ động phối hợp với chính quyền và các ngành chức năng để chỉ đạo quản lý DN, lao động trên địa bàn. Tăng cường phổ biến pháp luật lao động, công đoàn và kiểm tra thực hiện các chế độ chính sách liên quan đến quyền lợi người lao động, quyền thành lập công đoàn và tham gia hoạt động công đoàn của công nhân lao động trong các DN.

Phối hợp tổ chức khảo sát, điều tra, thống kê nắm tình hình công nhân lao động và DN ở cả những DN đã có tổ chức công đoàn và DN chưa có tổ chức công đoàn; xác định DN đủ điều kiện thành lập CĐCS theo quy định và giao chỉ tiêu cụ thể cho các đơn vị có trách nhiệm vận động phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực, kinh nghiệm và kỹ năng thương lượng, vận động thuyết phục, đối thoại... đối với cán bộ làm công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ở từng cấp công đoàn.

Tích cực đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn, tạo động lực thu hút công nhân lao động gia nhập tổ chức công đoàn; lấy mục tiêu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động làm nhiệm vụ trọng tâm, là thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của các cấp công đoàn.

Trong khi số lượng công nhân lao động ở các khu, cụm công nghiệp rất lớn thì đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách của cả tỉnh vẫn thiếu nhiều. Xin đồng chí cho biết những giải pháp để phát huy vai trò, chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ hiện có?

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã rà soát lại chức năng, nhiệm vụ các các cơ quan, đơn vị trực thuộc, từng bước sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, biên chế công đoàn các cấp bảo đảm hoạt động hiệu quả. So với năm 2005, số biên chế và đầu mối trực thuộc của LĐLĐ tỉnh đều giảm trong khi số CĐCS và đoàn viên do LĐLĐ tỉnh quản lý ngày càng tăng (từ 1.591 công đoàn cơ sở với 103 nghìn đoàn viên năm 2012 đến nay, LĐLĐ tỉnh quản lý 1.810 CĐCS với 270 nghìn đoàn viên, tăng 219 đơn vị và 166 nghìn đoàn viên).

Những năm tới, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và kinh tế phát triển mạnh mẽ, lực lượng công nhân viên chức lao động ngày càng tăng. Khi thực hiện Hiệp định CPTPP, sẽ có tổ chức khác đại diện cho người lao động bên cạnh tổ chức Công đoàn Việt Nam; tình hình quan hệ lao động diễn biến phức tạp hơn. Để tiếp tục phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ, LĐLĐ tỉnh tập trung thực hiện tốt chức năng cơ bản, cốt lõi của tổ chức Công đoàn là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động để các hoạt động công đoàn có tính bền vững, nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của cả người lao động và người sử dụng lao động.

Nâng cao hiệu quả phương thức đối thoại, thương lượng tập thể, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại DN. Quan tâm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; huy động các nguồn lực chăm lo cho người lao động, nhất là lao động thu nhập thấp gắn với bảo đảm an sinh xã hội. Nắm chắc tình hình, tham mưu, đề xuất với cấp ủy, phối hợp với chính quyền và các cơ quan chức năng kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động, ảnh hưởng đến đời sống người lao động, không để nảy sinh các vấn đề phức tạp, gây mất an ninh trật tự.

Đổi mới mạnh mẽ hơn nội dung, phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn. Xây dựng nội dung hoạt động phải thiết thực, phù hợp với điều kiện làm việc, ngành nghề, nhận thức của từng đối tượng đoàn viên, người lao động. Tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo hoạt động công đoàn theo hướng tăng cường sự giúp đỡ, hỗ trợ cơ sở, hướng về người lao động; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.

Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức theo hướng tinh gọn; phân cấp và nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của công đoàn cấp dưới. Đa dạng hóa các mô hình CĐCS, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, bộ máy tổ chức cán bộ của từng loại hình CĐCS để phù hợp với tính chất, đặc điểm, quy mô đối tượng tập hợp vận động.

Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn bằng cách làm tốt khâu tuyển dụng, lựa chọn, đánh giá cán bộ; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, thực hiện tốt chế độ, chính sách ưu đãi và bảo vệ cán bộ CĐCS hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bản lĩnh, tâm huyết, năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp; gắn bó với công đoàn, sâu sát với công nhân, viên chức, lao động; có năng lực tư vấn, thuyết phục, đối thoại, thương lượng và bảo vệ người lao động.

Xin cảm ơn đồng chí!.

Kim Hiếu (thực hiện)

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/cong-nhan/403215/xay-dung-to-chuc-cong-doan-ngay-cang-chuyen-nghiep-nang-dong-hieu-qua.html