Xây dựng tổ chức hội vững mạnh, xứng đáng là điểm tựa cho hội viên

Xác định xây dựng tổ chức Hội vững mạnh là nhiệm vụ trọng tâm, tạo điểm tựa cho hội viên xây dựng cuộc sống no ấm, bình đẳng, tiến bộ, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh trao đổi với hội viên về vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới.

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh trao đổi với hội viên về vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới.

Ảnh: Thu Hằng (CTV)

Toàn tỉnh hiện có 12 Hội LHPN cấp huyện, thành phố, 204 hội phụ nữ xã, phường, thị trấn, 2.786 chi hội phụ nữ, với 236.918 hội viên. Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo hội phụ nữ các cấp triển khai hiệu quả Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới. Trong hoạt động, Hội LHPN các cấp đã tham mưu cho cấp ủy địa phương củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ hội cơ sở; tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ hội tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị; lựa chọn cán bộ cơ sở trẻ, năng động, nhiệt tình và trách nhiệm... Đến nay, 100% cán bộ hội cấp tỉnh, 96% cán bộ hội cấp huyện, thành phố và 99% cán bộ hội cấp cơ sở đạt chuẩn chức danh.

Hằng năm, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội phát động sâu rộng phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, gắn với thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; khai thác các nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực, kiến thức toàn diện cho hội viên phụ nữ, như: Tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, giao thông đường thủy; triển khai Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”; thành lập các CLB “Gia đình nuôi dạy con tốt”; phổ biến kiến thức về giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống; xây dựng các mô hình “Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm”; thành lập mới mô hình “Nhà sạch, vườn xanh”, “Nhà sạch, vườn đẹp”... Đặc biệt, từ nguồn kinh phí của các chương trình, dự án, Hội đã hỗ trợ hội viên xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả; chuyển giao khoa học kỹ thuật và kiến thức khởi nghiệp cho các thành viên tham gia mô hình... Đến hết tháng 5/2019, Hội đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội trên 1 nghìn tỷ đồng cho 34.099 gia đình hội viên vay đầu tư phát triển kinh tế; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai chương trình cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, tổng dư nợ 233 tỷ 774 triệu đồng cho 2.518 hội viên vay; các cấp hội còn khai thác nguồn vốn và hỗ trợ thành lập 406 mô hình phát triển kinh tế gia đình... Đặc biệt, toàn tỉnh có 70 HTX do phụ nữ làm chủ, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ du lịch cộng đồng, dịch vụ ăn uống - nhà nghỉ cộng đồng... Từ năm 2017 đến nay, Hội đã phối hợp với các trường dạy nghề, các ngành, các doanh nghiệp tổ chức các lớp liên kết đào tạo nghề cho 5.164 lao động nữ, sau đào tạo nghề đã có 1.088 chị được nhận vào làm công nhân trong các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh.

Hội viên Chi hội phụ nữ bản Hán, xã Chiềng Khoang (Quỳnh Nhai)

Hội viên Chi hội phụ nữ bản Hán, xã Chiềng Khoang (Quỳnh Nhai)

trao đổi xây dựng quỹ tiết kiệm của hội.

Ảnh: Trần Hiền

Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” đã trở thành phong trào sâu rộng ở các cấp hội, góp phần tích cực vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Tính đến nay, hội viên các cấp hội đã hiến gần 19.000 m² đất, góp trên 37.440 ngày công lao động đổ bê-tông các tuyến đường giao thông nông thôn. Thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường, trên 30.000 gia đình phụ nữ đã đào hố chứa rác thải; xây dựng 818 lò đốt rác thải mini. Các hội viên còn tham gia trồng hoa bên lề 150 tuyến đường nội bản, nội tiểu khu... Toàn Hội hiện có 1.014 gia đình hội viên đạt các tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch”; trong 3 năm (2017-2019) giúp 1.096 gia đình hội viên thoát nghèo (theo tiêu chí đa chiều)...

Thực hiện Chương trình hành động số 06/CT-BCH của Ban Chấp hành Hội LHPN Việt Nam về thực hiện khâu đột phá nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động hội cơ sở, đa dạng hóa các hình thức tập hợp phụ nữ, Hội LHPN tỉnh đã chọn 2 khâu đột phá: Nâng cao hiệu quả thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách góp phần giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ; nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động hội cơ sở, đa dạng hóa các hình thức tập hợp phụ nữ, phát huy quyền làm chủ của hội viên, phụ nữ. Theo đó, tập trung nâng cao kỹ năng giám sát cho cán bộ hội, nhất là cán bộ hội cơ sở. Đồng thời, chọn nội dung liên quan trực tiếp đến phụ nữ và trẻ em để tổ chức giám sát, sau giám sát có văn bản kiến nghị với tỉnh điều chỉnh để phù hợp với thực tế. Cùng với đó, củng cố tổ chức đối với các cơ sở hội được đánh giá hoạt động trung bình và có số lượng hội viên hạn chế...

Với mục tiêu tiếp tục xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, xứng đáng là điểm tựa cho hội viên, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội cơ sở. Tiếp tục huy động nguồn lực xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, trong đó quan tâm xây dựng mô hình kinh tế cho phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Duy trì và phát triển các loại hình câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phù hợp, thu hút hội viên tham gia, giúp chị em có nhiều cơ hội tham gia hoạt động xã hội, cũng như nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống...

Vi Thị Bình

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/xay-dung-to-chuc-hoi-vung-manh-xung-dang-la-diem-tua-cho-hoi-vien-26427