Xây dựng Tổ chức mạnh bắt đầu từ cơ sở

Xác định công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở (CĐCS) là nhiệm vụ sống còn, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, thời gian qua, các cấp Công đoàn Thủ đô dưới sự chỉ đạo sát sao của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố đã tập trung chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, luôn hoàn thành vượt chỉ tiêu kết nạp đoàn viên, thành lập CĐCS và phát triển tổ chức Công đoàn.

Từ những cách làm hay

Việc thành lập, phát triển đoàn viên, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn tại các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động (NLĐ). Từ hoạt động thực tiễn, Công đoàn Công ty TNHH MTV sản xuất TMVA đã có những cách làm hay để triển khai hiệu quả công tác này.

Với những cách làm hay, hàng năm, Công đoàn kết nạp từ 150 - 200 lao động đạt về số lượng Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội giao và đảm bảo về chất lượng đoàn viên tại cơ sở. Ban Chấp hành Công đoàn Công ty nhiều năm liên tục được Tổng LĐLĐ Việt Nam, Công đoàn Dệt May Việt Nam; LĐLĐ Thành phố; Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội đánh giá đạt danh hiệu vững mạnh xuất sắc.

Lễ công bố Quyết định thành lập Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Nhân Hòa (thuộc LĐLĐ huyện Thanh Trì).

Lễ công bố Quyết định thành lập Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Nhân Hòa (thuộc LĐLĐ huyện Thanh Trì).

Về cách thức vận động kết nạp đoàn viên mới, hằng năm, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty căn cứ quy chế, ký chương trình phối hợp cụ thể, chi tiết với phòng nhân sự, định kỳ đánh giá rút kinh nghiệm theo từng quý, đề ra nhiệm vụ quý và năm tiếp theo. Theo đó, công nhân lao động nộp đơn xin vào làm việc đều được 2 bộ phận phỏng vấn, tuyên truyền giải đáp đầy đủ các quy định chung của Công ty và tổ chức Công đoàn. Hình thức tổ chức tuyên truyền theo tập thể, nhóm hoặc từng cá nhân.

Bên cạnh đó, Công đoàn Công ty cũng tích cực tổ chức thực hiện kết nạp đoàn viên mới. Ban Chấp hành Công đoàn phân công Tổ trưởng Công đoàn phụ trách chung, cùng các đoàn viên trong tổ tiếp cận công nhân lao động mới nắm bắt thông tin cá nhân, điều kiện, hoàn cảnh gia đình, chia sẻ kinh nghiệm trong lao động sản xuất, vận động công nhân lao động; làm đơn đề nghị tổ trưởng báo cáo Ban Chấp hành Công đoàn xem xét kết nạp vào tổ chức Công đoàn.

Ban Chấp hành Công đoàn tiếp nhận đơn của công nhân lao động và đề nghị từ các tổ, bộ phận tổng hợp danh sách chung; tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng xét từng cá nhân cụ thể, ra nghị quyết Hội nghị và quyết định kết nạp đoàn viên mới. Tổ chức lễ kết nạp ấn tượng, để lại kỷ niệm sâu sắc, khó quên cho đoàn viên. Đề nghị Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội cấp thẻ và trao thẻ cho đoàn viên theo quy định.

Công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, các cấp Công đoàn Thủ đô, nhất là Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đạt được những kết quả tích cực.

Đến những kinh nghiệm quý

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn tại đơn vị, ông Nguyễn Công Kỷ - Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, Công đoàn luôn tăng cường công tác chỉ đạo, tập trung nhân lực cho công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; chú trọng đa dạng hóa các phương thức vận động gắn với tuyên truyền phổ biến pháp luật, thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ; quan tâm thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, thông qua đó giúp người sử dụng lao động và NLĐ hiểu rõ hơn vai trò của tổ chức Công đoàn, thu hút NLĐ tự nguyện tham gia tổ chức Công đoàn.

Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã xây dựng kế hoạch cụ thể từng tháng, quý, đồng thời phân công nhiệm vụ trách nhiệm cụ thể đối với từng cán bộ Công đoàn chuyên trách trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; kiên trì bám trụ cơ sở, không nản chí, không nản lòng, tích cực tuyên truyền vận động NLĐ hiểu được lợi ích khi tham gia tổ chức Công đoàn và người sử dụng lao động hiểu được lợi ích khi doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn, để từ đó phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, trong nhiều năm qua, Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã luôn hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra về công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS.

Xác định nhiệm vụ phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS vừa là nhiệm vụ chính trị vừa là nhiệm vụ sống còn của tổ chức Công đoàn, những năm qua, LĐLĐ huyện Phúc Thọ đã quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này. Theo Chủ tịch LĐLĐ huyện Phúc Thọ Nguyễn Thị Lan Anh, LĐLĐ huyện thường xuyên rà soát nắm chắc tình hình doanh nghiệp, số lao động trong doanh nghiệp; chọn địa bàn trọng tâm, trọng điểm trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, từ đó làm cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ; đa dạng hóa phương thức vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS gắn với chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động CĐCS.

LĐLĐ huyện thường xuyên phối hợp với cơ quan Thuế, Bảo hiểm xã hội của huyện để rà soát, nắm bắt các doanh nghiệp trên địa bàn huyện để phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đồng thời, chỉ đạo Ban Chấp hành CĐCS các xã, thị trấn cùng vào cuộc hỗ trợ phối hợp trong công tác vận động thành lập CĐCS tại các doanh nghiệp trên địa bàn.

Xác định công tác xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh là yếu tố quyết định đến chất lượng các phong trào hoạt động, trong 5 năm qua, với sự nỗ lực, phấn đấu của các cấp Công đoàn, toàn huyện Thanh Trì đã phát triển 12.818 đoàn viên. LĐLĐ huyện đã tập trung phối hợp vận động doanh nghiệp và NLĐ thành lập tổ chức Công đoàn, đã thành lập mới 83 (đạt 110%) kế hoạch. Phát triển mới được 3.509 đoàn viên (đạt 100%) kế hoạch Thành phố giao. 6 tháng đầu năm 2024, LĐLĐ huyện đã thành lập 4 CĐCS với 165 đoàn viên và tổ chức Hội nghị trao quyết định kết nạp “Lớp đoàn viên tháng 5” cho 142 đoàn viên của 3 đơn vị.

Để công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS mới đạt hiệu quả, LĐLĐ huyện tiếp tục tuyên truyền, phân tích những lợi ích của NLĐ, doanh nghiệp khi tham gia tổ chức Công đoàn và thành lập tại đơn vị. Chủ động gặp gỡ, tạo sự đồng thuận để chủ sử dụng lao động nhận thức được lợi ích của doanh nghiệp khi có tổ chức Công đoàn. Đồng thời, tích cực hướng dẫn, hỗ trợ NLĐ, doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, thủ tục gia nhập, thành lập tổ chức Công đoàn tại đơn vị.

Phải khẳng định rằng, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã thực hiện tốt công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Từ đó, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh, thúc đẩy phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động Công đoàn Thủ đô không ngừng phát triển, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu đổi mới trong giai đoạn hiện nay.

Ở đâu có NLĐ, ở đó có Công đoàn

Với phương châm “Ở đâu có NLĐ ở đó có Công đoàn”, trong nhiệm kỳ 2018 -2023, Công đoàn Thủ đô thực sự là lá cờ đầu của cả nước về thành lập CĐCS, phát triển đoàn viên cũng như nâng cao chất lượng hoạt động…

Song song với việc tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền địa phương, Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố chỉ đạo các cấp Công đoàn tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện các đề án thí điểm, các mô hình mới nhằm hỗ trợ công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh như: Thí điểm thành lập nghiệp đoàn, thu hút tập hợp NLĐ khu vực lao động phi chính thức vào tổ chức Công đoàn; đào tạo đội ngũ cán bộ Công đoàn, chuyên gia trong một số lĩnh vực như giải quyết tranh chấp lao động, phát triển đoàn viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước…

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu “Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn phù hợp với cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân và yêu cầu hội nhập quốc tế; tập trung làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, tập thể công nhân”.

Do đó, muốn xây dựng Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh thì phải tập hợp được đông đảo NLĐ tham gia vào Công đoàn, phải thành lập được CĐCS ở mọi địa bàn, mọi doanh nghiệp đủ điều kiện vì đây vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là nhiệm vụ sống còn của tổ chức Công đoàn.

Nhiệm kỳ 2018 - 2023, các cấp Công đoàn Thủ đô đã thành lập mới 2.821/2.582 CĐCS (đạt 109,26% kế hoạch); phát triển mới 206.227/166.795 đoàn viên công đoàn (đạt 123,64% kế hoạch); trong đó thành lập 1.292 doanh nghiệp có từ 25 đoàn viên trở lên (đạt 92,2 % kế hoạch Tổng LĐLĐ Việt Nam giao); thành lập mới 2.670 doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước với 191.434 đoàn viên, đạt 188% chỉ tiêu Kế hoạch Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 09 của Thành ủy giao. Thực hiện chuyển giao và tiếp nhận 203, chuyển giao tiếp nhận 47 ngoài hệ thống Công đoàn Thành phố. Những đơn vị đạt kết quả cao về phát triển đoàn viên, thành lập và thực hiện Nghị quyết 09 của Thành ủy như: Công đoàn các khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội; LĐLĐ các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Long Biên, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng; LĐLĐ huyện Gia Lâm…

Đi đôi với việc phát triển đoàn viên, thành lập, công tác xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn được các cấp Công đoàn Thủ đô tập trung thực hiện. Trên cơ sở Hướng dẫn của Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ Thành phố đã xây dựng bảng chấm điểm, đánh giá xếp loại chất lượng hoạt động của các cấp Công đoàn, định kỳ hàng năm kiểm tra, đánh giá, phân loại hoạt động. Kết quả hàng năm có trên 93% khu vực Nhà nước, trên 55% khu vực ngoài Nhà nước hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 45/45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

LĐLĐ Thành phố cũng đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tập huấn cho 314.267 lượt cán bộ công đoàn các cấp; tổ chức đánh giá tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 4a/NQ-TLĐ ngày 4/3/2010 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn giai đoạn 2010 - 2020” và hàng năm đều tổng kết đánh giá biểu dương các đơn vị làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn.

Theo đó, tổ chức 173 lớp, với 17.635 học viên bằng nguồn kinh phí Ủy ban nhân dân Thành phố (đạt 100% kế hoạch). Phối hợp với Trường Đại học Công đoàn đào tạo 6 lớp lý luận nghiệp vụ công đoàn với 221 học viên; phối hợp với Học viện Hành chính Quốc gia mở 7 lớp chuyên viên với 390 học viên; 5 lớp chuyên viên chính với 235 học viên; tổ chức được 210 lớp An toàn, vệ sinh lao động với 16.489 học viên. Chỉ đạo Trường trung cấp nghiệp vụ và dạy nghề Công đoàn Hà Nội phối hợp với các LĐLĐ quận, huyện, thị xã mở được 76 lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn cho cán bộ CĐCS theo nguồn kinh phí tại đơn vị với 19.385 học viên tham gia. Năm 2022, cử 34 đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch tham gia lớp bồi dưỡng công tác Công đoàn cho cán bộ chủ chốt cấp trên trực tiếp cơ sở năm 2022 do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức.

Hỗ trợ kinh phí để phát triển tổ chức

Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, LĐLĐ Thành phố đã chỉ đạo các cấp Công đoàn tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả nhiều đề án thí điểm tập trung vào nâng cao hiệu quả hoạt động Công đoàn như: Thí điểm “Hỗ trợ, khuyến khích phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ngoài khu vực Nhà nước có từ 25 đoàn viên trở lên, giai đoạn 2021-2022”, kết quả đã hỗ trợ 252 CĐCS có từ 25 đoàn viên công đoàn trở lên với số tiền 252 triệu đồng; Đề án thí điểm “Đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ Chủ tịch CĐCS ngoài khu vực Nhà nước thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2022”, tổ chức được 86/109 lớp (đạt 78,9% kế hoạch) với 4.240/5.194 học viên là Chủ tịch CĐCS khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước (đạt 81,6% kế hoạch); Đề án thí điểm “Xây dựng, phát hành Bản tin sinh hoạt CĐCS” góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt CĐCS, phát hành 13 số Bản tin “Sinh hoạt CĐCS”…

Song song với việc tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền địa phương, Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố chỉ đạo các cấp Công đoàn tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện các đề án thí điểm, các mô hình mới nhằm hỗ trợ công tác phát triển đoàn viên, thành lập và xây dựng vững mạnh như: Thí điểm thành lập nghiệp đoàn, thu hút tập hợp NLĐ khu vực lao động phi chính thức vào tổ chức Công đoàn; đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn, chuyên gia trong một số lĩnh vực như giải quyết tranh chấp lao động, phát triển đoàn viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước…; đồng thời, xây dựng đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên để tăng cường nguồn nhân lực bổ sung cho công tác phát triển đoàn viên, thành lập trong điều kiện khó khăn về biên chế cán bộ Công đoàn chuyên trách; ưu tiên bố trí nguồn tài chính Công đoàn đảm bảo chi cho các hoạt động vận động, tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS.

Thấm nhuần quan điểm chỉ đạo của Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khi bàn về phát triển đoàn viên “chỉ bàn tiến, không bàn lùi”, Công đoàn Thủ đô đã và đang nỗ lực hết sức để hoàn thành chỉ tiêu được giao, góp phần vào kết quả chung của tổ chức Công đoàn.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/xay-dung-to-chuc-manh-bat-dau-tu-co-so-174021.html