Xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn lớp 10: Gỡ khó cho trường và học sinh
Năm học 2022 - 2023, học sinh lớp 10 bắt đầu học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, các em sẽ học ít môn hơn và được lựa chọn môn học theo năng khiếu, sở thích của mình.
Lường trước những lo lắng khi học sinh đứng trước lựa chọn ảnh hưởng đến nghề nghiệp tương lai, thầy cô và chuyên gia đưa ra một số lời khuyên.
GS.TS Đinh Quang Báo, Phó Giám đốc Kỹ thuật Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP): Huấn luyện cho học sinh biết cách lựa chọn
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp 10 và áp dụng cuốn chiếu cho những năm học tiếp theo với lớp 11, 12. Nội dung giáo dục cấp THPT gồm các môn học bắt buộc và các môn học tự chọn. Trong đó, 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc bao gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Hai môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
Năm môn học lựa chọn từ ba nhóm môn học, mỗi nhóm chọn ít nhất một môn học. Cụ thể, nhóm môn Khoa học xã hội gồm: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Nhóm môn Khoa học tự nhiên, gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học. Nhóm môn Công nghệ và nghệ thuật gồm: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật.
Chương trình mới cho phép các trường xây dựng tổ hợp môn học từ ba nhóm môn và chuyên đề để vừa đáp ứng nhu cầu người học, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của trường. Theo đó, học sinh được lựa chọn môn học phù hợp với năng lực, sở thích và định hướng nghề nghiệp của mình.
Theo Lý thuyết thống kê, sẽ có trên 100 phương án chọn tổ hợp môn. Tuy nhiên, trong thực tế, việc này không quá phức tạp như lý thuyết. Trước hết, các trường cần hướng dẫn, tư vấn học sinh lựa chọn đúng tổ hợp môn, không nên để các em lựa chọn một cách ngẫu nhiên. Muốn vậy, nhà trường cần tổ chức tìm hiểu nguyện vọng của học sinh. Việc này, cần có sự phối hợp của gia đình để định hướng cho các em lựa chọn tổ hợp phù hợp. Cần hiểu tường minh là, tư vấn, hỗ trợ học sinh không có nghĩa là ép học trò làm theo sự sắp đặt của nhà trường hoặc theo ý kiến chủ quan nào.
Vấn đề quan trọng nhất là huấn luyện cho học sinh biết cách lựa chọn. Vì thế, vai trò của nhà trường rất quan trọng. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT và các sở GD&ĐT cũng cần có hướng dẫn cụ thể để các trường THPT có cơ sở triển khai đúng với mục tiêu, yêu cầu của đổi mới.
Theo tôi, các trường có thể vận dụng linh hoạt theo mô hình đào tạo theo tín chỉ ở bậc đại học, có thể tổ chức lớp học cố định đối với môn học bắt buộc; tổ chức lớp học các môn lựa chọn và chuyên đề; xác định sĩ số mỗi lớp theo đúng quy định. Sau đó, sắp xếp học sinh vào các lớp này theo nguyện vọng. Nếu số học sinh đăng ký vào một lớp vượt quá sĩ số quy định thì chuyển học sinh vào lớp khác theo nguyện vọng 2.
Với học sinh, nếu các em theo ngành Khoa học xã hội nên chọn 3 môn trong nhóm này; sau đó, chọn 2 môn còn lại thuộc nhóm Khoa học tự nhiên và Công nghệ, nghệ thuật. Vì hiện nay, tri thức và nghề nghiệp có liên ngành mật thiết với nhau nên học sinh sẽ được học cả nhóm khoa học xã hội và tự nhiên. Có thể năm đầu tiên, chúng ta phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Từ năm sau trở đi sẽ trơn tru và hoàn chỉnh hơn.
Thầy Trần Văn Ta, Hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Giàng (Hải Dương): Cần sự đồng hành của phụ huynh
Nhà trường đã dự kiến các tổ hợp môn. Sau khi được sở GD&ĐT chấp thuận, trường sẽ công bố để phụ huynh, học sinh nắm rõ. Ngoài ra, chúng tôi sẽ thông tin đến các trường THCS trên địa bàn để học sinh tìm hiểu, nghiên cứu và lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp.
Nhà trường sẽ căn cứ vào tình hình thực tế số lượng giáo viên, cơ sở vật chất, chất lượng tuyển sinh đầu vào và năng lực học tập của học sinh, định hướng chọn tổ hợp môn trong việc xét tuyển sinh đại học vào các khối, ngành của học sinh. Hiện, ban giám hiệu đã phân công và lựa chọn những giáo viên có năng lực đi tập huấn sách giáo khoa mới.
Thời gian tới, nhà trường tăng cường tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh hiểu rõ nội dung Chương trình, sách giáo khoa mới và việc lựa chọn tổ hợp môn phù hợp với năng lực, thực tế của trường. Tuy nhiên, vì là năm đầu tiên thực hiện nên ít nhiều sẽ có những khó khăn, lúng túng. Do đó, nhà trường rất mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp quản lý giáo dục, sự đồng hành của phụ huynh để năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục, sách giáo khoa mới đối với bậc THPT được suôn sẻ và “vạn sự khởi đầu nan”.
Bà Nguyễn Thị Hường, xã Kim Lũ (Sóc Sơn, Hà Nội): Sớm công bố thông tin về các tổ hợp môn
Con tôi đang học lớp 9, Trường THCS Kim Lũ (Sóc Sơn, Hà Nội). Mấy ngày qua, tôi nghe nhiều thông tin về Chương trình, sách giáo khoa mới với lớp 10 thực hiện trong năm học tới. Gia đình tôi cũng nghiên cứu về cách lựa chọn tổ hợp môn ở lớp 10 nhưng chưa hiểu tường tận về chủ trương này. Chúng tôi sẽ dành thời gian để nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, tôi và nhiều phụ huynh khác mong muốn nhà trường sẽ luôn đồng hành với học sinh, có hướng dẫn chi tiết giúp con em chúng tôi có lựa chọn tổ hợp môn đúng và trúng.
Tôi cũng mong các trường sớm công bố thông tin về tổ hợp dự kiến sẽ được tổ chức giảng dạy ở lớp 10 trong năm học tới. Ngoài ra, nhà trường cần công bố có bao nhiêu lớp 10, mỗi tổ hợp có mấy lớp, tiêu chí đăng ký lựa chọn vào các lớp, theo nguyện vọng 1, 2… Nếu có thể, các trường tổ chức trao đổi, tư vấn, đối thoại với phụ huynh, học sinh để gia đình và học sinh hiểu hơn về Chương trình GDPT 2018, sách giáo khoa mới; trong đó có việc lựa chọn các tổ hợp môn.
Việc cho học sinh lựa chọn các tổ hợp môn học để học tập là theo 1 trong 3 định hướng nghề nghiệp mà chương trình đã thiết kế. Do đó, cần đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò tư vấn, định hướng của các trường THPT, phụ huynh học sinh để các em hiểu rõ ý nghĩa của việc chọn tổ hợp chứ không phải chọn học từng môn theo sở thích. - GS.TS Đinh Quang Báo
Sỹ Điền (ghi)