Xây dựng TP HCM thành trung tâm giao thương quốc tế
Việc điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM nhằm hướng tới xây dựng thành phố thành trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia; trung tâm văn hóa, tri thức sáng tạo...
Ngày 30-9, UBND TP HCM công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung TP Thủ Đức thuộc TP HCM đến năm 2040.
Phù hợp định hướng
Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP HCM, điều chỉnh quy hoạch chung thành phố nhằm đáp ứng các yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trong phát triển đô thị như dân số, nhà ở, hạ tầng, giao thông, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh quốc phòng. Ngoài ra, điều chỉnh quy hoạch chung nhằm giúp thành phố phát huy vai trò đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với cả nước và quốc tế. Qua đó, đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển kinh tế biển gắn với hình thành chuỗi đô thị biển của vùng, kết hợp bảo vệ khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
Theo đó, điều chỉnh quy hoạch đặt ra nhiều mục tiêu thiết thực, như từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối giữa TP HCM và các địa phương lân cận; trở thành 1 đô thị tích hợp với hệ thống giao thông công cộng (TOD), giao thông ngầm công cộng và không gian đô thị ngầm xung quanh; hình thành các hạt nhân của các trung tâm chính và trung tâm phụ như trung tâm tài chính, thương mại - dịch vụ, y tế, văn hóa với cấu trúc đô thị đa cực. "Nhìn chung, điều chỉnh quy hoạch chung thành phố là để phù hợp với định hướng phát triển của toàn vùng, hướng tới đến năm 2040, phát triển TP HCM thành trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia. Tầm nhìn đến năm 2060, TP HCM là thành phố đổi mới, sáng tạo, phát triển năng động, tiên phong trong vùng đô thị lớn, trung tâm kinh tế tri thức và giao thương quốc tế của Việt Nam, trung tâm tài chính và dịch vụ của châu Á - Thái Bình Dương. Song song đó, thành phố sẽ là trung tâm văn hóa, tri thức sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, trung tâm du lịch, tài chính - thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế" - ông Nguyễn Thanh Nhã nhấn mạnh.
Riêng để thực hiện được nhiệm vụ quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040 với định hướng là khu đô thị sáng tạo, tương tác cao, trở thành một trong những trung tâm kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ, tài chính quan trọng của TP HCM, theo ông Nguyễn Thanh Nhã, ngoài xây dựng mục tiêu phát triển, TP Thủ Đức phải từng bước nâng cao chất lượng các khu đô thị hiện hữu như khu đô thị mới Thủ Thiêm, Đại học Quốc Gia, Khu Công nghệ cao TP, cảng Cát Lái, đồng thời hình thành các khu đô thị mới… "Quan điểm của TP HCM trong xây dựng quy hoạch TP Thủ Đức là xây dựng khu vực phát triển đô thị sáng tạo nhằm giữ vai trò quan trọng và hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của TP HCM, vùng TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" - ông Nguyễn Thanh Nhã nói.
Không để gây "khó dễ" cho dân
Nhận định nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung của TP HCM đến năm 2040 và quy hoạch chung của TP Thủ Đức là việc hết sức cần thiết, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình đề nghị các sở, ngành cần triển khai với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc. Ông cho rằng TP HCM và TP Hà Nội là 2 đô thị được công nhận là đô thị đặc biệt trong 63 tỉnh, thành. Do đó, việc lập điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố phải huy động trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, người dân, các đơn vị nghiên cứu tâm huyết.
Phó Chủ tịch UBND thành phố lưu ý thêm khi nghiên cứu, điều chỉnh đồ án trong thời gian tới, Sở QH-KT phải bảo đảm quy hoạch chung đồng bộ với các vùng lân cận, tính đến hệ thống giao thông lớn sắp hình thành như cao tốc Bắc - Nam, các tuyến đường vành đai và đường sắt… Ngoài ra, quy hoạch chung phải cập nhật quy hoạch thoát nước mưa, thoát nước thải và quy hoạch cấp nước sạch mà thành phố đang thực hiện. "Đặc biệt, khi thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung của TP HCM và TP Thủ Đức, đề nghị Sở QH-KT không để việc điều chỉnh làm ách tắc các điều chỉnh quy hoạch theo đồ án 1/2000. Mọi thủ tục phải công khai, minh bạch" - ông Lê Hòa Bình đặc biệt lưu ý. Phó Chủ tịch UBND thành phố cam kết sẽ không làm ách tắc các thủ tục, sẽ không có cơ quan nào gây khó dễ cho người dân với lý do đang điều chỉnh quy hoạch chung.
Để việc điều chỉnh quy hoạch chung của TP HCM và TP Thủ Đức được hoàn thành chỉn chu, tạo điều kiện cho thành phố phát triển kinh tế - xã hội, ông Lê Hòa Bình yêu cầu Sở QH-KT, UBND TP Thủ Đức phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan bảo đảm tích hợp đầy đủ dữ liệu đất đai, giao thông, hạ tầng đô thị, các tuyến đường sắt đô thị…, nhanh chóng hoàn thành ý tưởng thiết kế để đồ án triển khai rộng rãi. "Tôi đánh giá cao việc Sở QH-KT phát động cuộc thi ý tưởng điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Ở đây cần lưu ý việc tổ chức mời gọi người dân đóng góp ý tưởng cần thực hiện nghiêm túc, cởi mở, lắng nghe bởi đồ án hơn nhau ở ý tưởng" - ông Lê Hòa Bình nói. Ông yêu cầu Sở QH-KT đặt mục tiêu đến giữa năm 2023 sẽ trình Thủ tướng đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM.