Xây dựng TP. Hồ Chí Minh mạnh kinh tế, xanh môi trường
Thống nhất quan điểm TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế; là trung tâm phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm phía Nam, ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho rằng, việc ban hành Nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 nhằm thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển đã nêu trong Nghị quyết 24-NQ/TW, Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 81/2023/QH15 của Quốc hội là cần thiết.
Tham gia thảo luận tại tổ chiều ngày 30.5 về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đồng tình cao với việc bổ sung lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa vào lĩnh vực được áp dụng hình thức đầu tư PPP tại điểm a khoản 5 Điều 4 dự thảo Nghị quyết.
Đại biểu cho rằng, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển và lĩnh vực này chưa được quan tâm đầu tư trên phạm vi cả nước, không riêng gì TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên cần xem xét tính khả thi khi kêu gọi đầu tư, vì đầu tư vào lĩnh vực này không hiệu quả, chỉ mang tính an sinh xã hội, do đó rất khó thu hút nhà đầu tư. Theo đó, đại biểu đề nghị thành phố lựa chọn kỹ lưỡng các dự án đầu tư cụ thể và nhà đầu tư đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai hiệu quả chính sách.
Tại điểm c khoản 5 Điều 4 quy định Hội đồng nhân dân Thành phố được quyết định tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không lớn hơn 70% tổng mức đầu tư của các dự án PPP về nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình giao thông hiện hữu, đại biểu đề nghị cần cân nhắc nội dung này bởi vì không phù hợp với mục tiêu và bản chất của các dự án PPP.
Về thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trự tín chỉ carbon tại khoản 10 Điều 5. Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn ủng hộ đề xuất này. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon thì đến năm 2025 mới thành lập và vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon. Do đó, đại biểu đề nghị thành phố đánh giá tác động kỹ lưỡng và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để thiết lập trình tự, thủ tục thực hiện chính sách một cách thận trọng để lựa chọn những nội dung khả thi nhất của chính sách.
Về dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại khoản 3 Điều 6. Dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) về trình tự thực hiện dự án (Điều 46) quy định công tác quy hoạch được thực hiện xong mới chấp thuận chủ trương đầu tư, đại biểu đề nghị Chính phủ lưu ý, cân nhắc thêm để tránh vướng mắc hoặc mâu thuẫn khi Luật nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực. Trường hợp lập đề xuất chủ trương khi quy hoạch chi tiết chưa phù hợp với quy hoạch phân khu, quy hoạch chung sẽ dẫn đến tình trạng một số dự án thay đổi mục tiêu quy hoạch. Ngoài ra, Luật Nhà ở (sửa đổi) đang dự thảo theo hướng Luật không quy định quỹ đất 20% tại dự án nhà ở thương mại để quy hoạch nhà ở xã hội, do đó đề nghị Chính phủ cân nhắc đề xuất chính sách tại điểm c khoản 3 Điều 6.
Tại điểm d Khoản 1 quy định giới hạn áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ trong phạm vi Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung, Trung tâm đổi mới sáng tạo là chưa phù hợp. Đại biểu Sơn nhận thấy khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) là tạo ra một không gian thuận lợi với khung chính sách riêng (nằm ngoài khung chính sách hiện tại) để tiến hành thử nghiệm những khởi nghiệp sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, áp dụng trong phạm vi hạn chế dành cho các ứng dụng công nghệ mới gắn liền với CMCN 4.0, đang trở thành một công cụ quản lý để tìm kiếm phương thức phù hợp điều chỉnh những vấn đề đang phát sinh từ những công nghệ mới chưa được kiểm chứng và chưa được dự liệu bởi các quy định pháp luật. Do vậy, việc chọn lựa áp dụng cơ chế thử nghiệm không nên giới hạn địa lý, hành chính trong phạm vi Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung.