Xây dựng TPHCM thành nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực ASEAN
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) định hướng phát triển giáo dục phổ thông vùng Đông Nam Bộ đứng đầu cả nước. Đồng thời xây dựng TPHCM thành nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực ASEAN
Ngày 18/4, tại Bình Dương, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội nghị phát triển GD&ĐT vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại hội nghị Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, tình hình phát triển giáo dục vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2011 - 2021, về cơ bản, 100% đơn vị cấp xã trong vùng Đông Nam bộ đều có trường mầm non, tiểu học. Hầu hết các xã đều có trường trung học cơ sở, các huyện đều có trường trung học phổ thông.
Về giáo dục phổ thông, tỷ lệ lớp/trường các cấp học trong khu vực đứng thứ nhất trong sáu vùng kinh tế - xã hội và cao hơn so với bình quân cả nước. Tuy nhiên do tốc độ tăng dân số nên đây cũng là vùng có tỷ lệ học sinh/trường và sĩ số học sinh/lớp cao nhất cả nước. Năm học 2020 - 2021, tỷ lệ cơ sở giáo dục tiểu học tổ chức dạy 2 buổi/ngày đạt 74,3%; tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày đạt 77%; tỷ lệ trường THCS dạy 2 buổi/ngày đạt 76,9%; tại bậc THPT đạt 83,7%.
Về giáo dục đại học, đến nay toàn vùng có 57 trường đại học và 315 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, ngành phấn đấu đến 2030 có ít nhất 40% số trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia với giáo dục tiểu học khoảng 65%, THCS khoảng 76% và THPT khoảng 60%; giáo dục phổ thông vùng Đông Nam Bộ đứng đầu cả nước.
Với giáo dục đại học, phát triển Đại học Quốc gia TPHCM, Trường Đại học Việt Đức và đầu tư một số các trường đại học lớn, đa ngành trong vùng theo hướng có trọng tâm, trọng điểm đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu châu Á.
Bên cạnh đó, xây dựng TPHCM thành nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực ASEAN trong một số ngành, lĩnh vực có thế mạnh; các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai thành trung tâm giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cấp vùng và quốc gia.
Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường, cho biết hiện nay đã có chủ trương phát triển giáo dục và đào tạo của thành phố đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 nhằm đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo chuẩn hóa, số hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế; phát triển giáo dục gắn với phát triển khoa học công nghệ.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Đặng Minh Thông thông tin, địa phương này xác định giáo dục vừa là động lực và mục tiêu sự phát triển của xã hội, và tập trung nguồn lực phát triển văn hóa-xã hội đồng bộ và theo kịp phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện của người dân Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết tỉnh này có sự gia tăng dân số cơ học lớn, nhanh nhất ở các khu vực, tạo nên áp lực cho tỉnh và ngành giáo dục.
Khó khăn của Đồng Nai cũng là tình trạng đang gặp phải ở Bình Dương. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, mỗi năm dân số Bình Dương tăng trung bình khoảng 100.000 dân; bình quân mỗi năm tăng hơn 20.000 học sinh.
Cụ thể, Bình Dương giải quyết được chỗ học cho học sinh nhưng chưa bảo đảm được việc bố trí số học sinh/lớp theo chuẩn quy định của Bộ GD-ĐT, nhất là tại các địa phương có nhiều khu - cụm công nghiệp. Cơ sở vật chất trường học, thiết bị dạy học dù được xây mới và bổ sung hàng năm nhưng vẫn chưa đáp ứng tốt với sự gia tăng số lượng học sinh và chưa đáp ứng kịp thời với quá trình đổi mới.
Trước thực trạng trên, Bình Dương kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đông Nam bộ nhằm bảo đảm việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị, trong đó bổ sung đủ số lượng biên chế đối với ngành GD-ĐT theo quy định.
Trong khi đó, bà Trần Tuyết Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, kiến nghị bổ sung cho Bình Phước gần 1.500 biên chế giáo viên để bố trí cho các trường và không thực hiện tinh giản biên chế theo hình thức cào bằng.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, các địa phương cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để giảm tỷ lệ học sinh/lớp nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục. Trong định hướng phát triển của tỉnh cần dự báo nhu cầu nhân lực, từ đó có cơ chế đầu tư đột phá cho GD-ĐT như dành nguồn lực đất đai, ngân sách cho GD-ĐT để đảm bảo đủ chỗ học và chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông. Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh quy hoạch sắp xếp mạng lưới, nâng cao tỷ lệ người học nghề, học đại học. Đẩy mạnh xã hội hóa, hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà đầu tư song song với việc quản lý chặt chẽ hệ thống giáo dục ngoài công lập.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, Đông Nam Bộ là trung tâm phát triển lớn nhất, đầu tàu lớn nhất về mọi mặt, kết quả này có sự đóng góp rất lớn của ngành giáo dục. Phó Thủ tướng đề nghị vấn đề đặt ra hiện tại nên làm thế nào để trẻ hóa vùng Đông Nam Bộ nhằm vượt qua mọi thách thức.
“Các địa phương cần nghiên cứu kỹ Nghị quyết 24 để có quy hoạch cụ thể về phát triển mạng lưới GD-ĐT. Xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển lâu dài. Để làm được điều này các địa phương cần có quy hoạch cụ thể để phát triển được mạng lưới giáo dục, đáp ứng nhu cầu dạy và học”, Phó Thủ tướng lưu ý.