Xây dựng TPHCM thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế: Khát vọng chính đáng, nhưng...

TPHCM đang xây dựng Đề án phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính (TTTC) khu vực và quốc tế. Định hướng này được đánh giá rất cao, song để thực hiện thành công đề án là cả một quá trình phức tạp, lâu dài và nhiều khó khăn, thử thách. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. Trương Văn Phước, thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.

Một góc bán đảo Thủ Thiêm nhìn từ trên cao. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Một góc bán đảo Thủ Thiêm nhìn từ trên cao. Ảnh: HOÀNG HÙNG

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, ông nhận định như thế nào về việc TPHCM muốn vươn lên thành TTTC quốc tế và khu vực?

TS. TRƯƠNG VĂN PHƯỚC: - TPHCM ngày trước đã được xem là hòn ngọc Viễn Đông. Do vậy, tôi cho rằng việc mong muốn TPHCM trở thành TTTC khu vực và quốc tế để cạnh tranh với các trung tâm khác như New York, London, Tokyo, Singapore hay các nơi khác trong 5 năm, 10 năm hay lâu hơn nữa là một khát vọng chính đáng, nhưng phải làm thế nào cho khả thi.

Chẳng hạn về sự đồng thuận phải là một ý chí thống nhất của cả đất nước, chứ không phải là sự “tranh thủ” của TPHCM đi tắt đón đầu. TPHCM muốn vươn lên nhưng phải cần sự giúp đỡ của cả một hệ thống chính trị.

Nên nhớ, Việt Nam trở thành một TTTC khu vực và thế giới trú ngụ hay đóng tại TPHCM, chứ không phải TPHCM là một TTTC của khu vực và thế giới. Dĩ nhiên Việt Nam phải có một địa chỉ cụ thể, tọa độ cụ thể trên bản đồ địa lý Việt Nam, đó là TPHCM.

- Đó là về sự hình thành. Còn để phát triển cạnh tranh với các TTTC khu vực và quốc tế lớn đang hiện hữu, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng cần có cơ chế chính sách gì để thu hút?

Việt Nam muốn trở thành TTTC khu vực và quốc tế trong 5 năm, 10 năm hay lâu hơn nữa là khát vọng chính đáng, nhưng đó phải là ý chí thống nhất của cả đất nước.

- Tôi lấy một thí dụ, lâu nay chúng ta đã quen đi taxi truyền thống. Nhưng khi Uber và Grab vào Việt Nam cạnh tranh với taxi truyền thống nhờ sự khác thường. Đó là chỉ cần dùng ứng dụng đặt xe trong vài giây sẽ được phản hồi sau 2 phút có tài xế tên gì, biển số bao nhiêu đến đón và giá phải rẻ hơn taxi truyền thống.

Tôi muốn lấy thí dụ đó để nói rằng, Việt Nam hay TPHCM trở thành một TTTC của khu vực và quốc tế phải có tính vượt trội. Và không có sự vượt trội nào, hay nói rộng ra không có một cái “được” nào mà không trải qua cái “mất”. Như vậy điểm vượt trội hơn của Việt Nam đó là vấn đề thể chế.

- Ông có thể phân tích cơ bản về thể chế cho một thị trường tài chính vượt trội ở Việt Nam?

Muốn trở thành TTTC, chúng ta phải tạo ra cơ sở hạ tầng, thiết chế và chính sách đặc thù để giúp cho nhà đầu tư, từ đó những người giỏi nhất về ngoại hối sẽ đến Việt Nam mà không đến New York, London, Tokyo…

- Cấu phần của một thị trường tài chính gồm có 2 thị trường là thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Thị trường tiền tệ chuyên kinh doanh mua bán làm việc trên các dòng vốn ngắn hạn, thị trường vốn làm việc trên dòng vốn trung hạn và dài hạn. Như vậy, chúng ta phải chiết xuất ra từng thị trường để gia cố cạnh tranh.

Thí dụ, thị trường tiền tệ trước hết là thị trường liên NH, nên cần có những cơ chế để có tính thanh khoản cao, không có nhiều ràng buộc, để các NH phải tự chịu trách nhiệm trên dòng vốn gửi và nhận của mình.

Đồng thời, thị trường tiền tệ còn có thị trường ngoại hối, mua bán ngoại tệ với nhau, và không chỉ mua bán ngoại tệ trong nước mà còn mua bán với thế giới. Nhưng muốn vậy phải có cơ chế để các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tạo lập các công ty kinh doanh về ngoại hối và không cần giám sát họ, họ có thể kinh doanh trên thế giới, mua đồng yen, bán đồng USD…

Ngược lại chúng ta phải tạo ra cơ sở hạ tầng, thiết chế và chính sách đặc thù để giúp cho họ, từ đó những người giỏi nhất về ngoại hối sẽ đến Việt Nam mà không đến New York, London, Tokyo… chẳng hạn như đánh thuế thu nhập ở mức thấp. Như vậy, tất cả mọi người ở Việt Nam đều biết hiện nay các đồng tiền như thế nào, giá cả, lãi suất bao nhiêu, tức là đưa vào các công cụ phái sinh cho thị trường tiền tệ.

Đối với thị trường vốn, trước hết chúng ta phải tạo một điều kiện để thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam nâng cấp. Hiện nay Việt Nam được gọi là thị trường biên, nên cần nâng cấp lên thị trường mới nổi, các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK cần phải có cáo bạch viết bằng tiếng Anh.

Nâng hạng TTCK Việt Nam sẽ cho các công cụ phái sinh vào đây. TTCK Việt Nam hiện nay đa phần các nhà đầu tư cổ phiếu theo chiều lên, tức mua mã CK này chờ lên mới bán; trong khi đầu tư chiều xuống không có, do Việt Nam chưa có công cụ phái sinh đầu tư chiều xuống, tức phải có những công cụ phái sinh tương lai, quyền chọn. Đó chính là thất thế cho thị trường vốn ở Việt Nam.

Và một yếu tố quan trọng nữa trên thị trường vốn là VNĐ phải chuyển đổi được. Ngay cả Trung Quốc hiện nay vẫn chưa chuyển đổi được đồng NDT, nên các nhà nghiên cứu của Mỹ nói Trung Quốc khó biến Thượng Hải thành một TTTC quốc tế. Bởi một đồng tiền không chuyển đổi được sẽ rất nguy hiểm cho nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào TTTC.

Ở Việt Nam hiện nay chỉ mới chuyển đổi được một nửa. Đó là Pháp lệnh Ngoại hối năm 2015 và các Nghị định, quyết định của Chính phủ, đặc biệt là Nghị định 131 ngày 18-10-2005, đã xác lập trên lãnh thổ Việt Nam, “các giao dịch vãng lai được tự do hóa, chứ chưa nói các giao dịch vốn được tự do hóa”.

Và khi các giao dịch vãng lai được tự do hóa, có nghĩa VNĐ chỉ được chuyển đổi 50%, nếu tự do các giao dịch vốn thì đồng tiền sẽ chuyển đổi 100%. Giao dịch vãng lai là giao dịch vào - ra, có nghĩa là một đi không trở lại. Bởi cán cân vãng lai của Việt Nam gồm có cán cân thương mại, xuất khẩu, nhập khẩu, chuyển tiền, đi nước ngoài khám chữa bệnh, du học… Còn giao dịch vốn là giao dịch có qua có lại, giao dịch này chưa chuyển đổi được.

Nói tóm lại, VNĐ phải có một lộ trình chuyển đổi nhanh hơn. Muốn chuyển đổi VNĐ phải tạo cầu VNĐ trên thị trường quốc tế. Chúng ta tạo ra cung bằng cách in tiền, nhưng muốn tạo ra cầu phải “ép” họ dùng VNĐ.

Tôi thí dụ, khi doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu một lô hàng sang Mỹ trị giá 1 triệu USD, nhưng sẽ không nhận USD mà yêu cầu trả hơn 23 tỷ đồng. Khi đó, nhà nhập khẩu sẽ phải bán 1 triệu USD trên thị trường ngoại hối cho các NH tại Việt Nam để nhận 23 tỷ đồng. Tất cả các giao dịch này đều thông qua tài khoản clearing tại Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, nhà nhập khẩu vẫn phải trả 1 triệu USD, nhưng chúng ta tạo ra cầu sử dụng VNĐ trên lãnh thổ Việt Nam.

Trở lại vấn đề muốn Việt Nam trở thành TTTC của khu vực và quốc tế, Việt Nam phải có các điều kiện, các cung ứng, các tiện nghi vượt trội so với thế giới.

- Xin cảm ơn ông.

TRẦN HẢI - YÊN LAM (thực hiện)

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/xay-dung-tphcm-thanh-trung-tam-tai-chinh-khu-vuc-va-quoc-te-khat-vong-chinh-dang-nhung-70346.html