Xây dựng Trung tâm tài chính: Cần chính sách đột phá, bắt kịp xu hướng quốc tế

Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thành lập và hoạt động của Trung tâm tài chính tại Việt Nam là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, các chính sách áp dụng cho Trung tâm tài chính phải có tính đột phá, bảo đảm phát huy tối đa các lợi thế của Việt Nam, bắt kịp xu hướng phát triển quốc tế…

Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thành lập và hoạt động của Trung tâm tài chính tại Việt Nam là hết sức cần thiết. Ảnh minh họa

Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thành lập và hoạt động của Trung tâm tài chính tại Việt Nam là hết sức cần thiết. Ảnh minh họa

Giúp kết nối thị trường tài chính toàn cầu

Bộ Tư pháp vừa tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của Trung tâm tài chính tại Việt Nam, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo.

Mục đích xây dựng Nghị quyết nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm và chỉ đạo của Đảng về phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Phát triển thị trường tài chính để huy động có hiệu quả các nguồn lực, dịch vụ tài chính để phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội các địa phương có Trung tâm tài chính nói riêng và Việt Nam nói chung theo hướng bảo đảm minh bạch, hiệu quả, hiện đại, tiên tiến, bắt kịp các chuẩn mực quốc tế; tạo động lực mới cho nền kinh tế phát triển; thúc đẩy quá trình tham gia sâu rộng vào kinh tế thế giới của Việt Nam.

Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của Trung tâm tài chính tại Việt Nam bảo đảm phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 47-TB/TW ngày 15/11/2024 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về kết luận của Bộ Chính trị về việc xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tuyệt đối của Đảng; sự quản lý tập trung, thống nhất, thông suốt và liên tục của Nhà nước.

Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thành lập và hoạt động của Trung tâm tài chính tại Việt Nam là hết sức cần thiết để hình thành Trung tâm tài chính khu vực, quốc tế thành công; giúp Việt Nam kết nối thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực đầu tư mới, thúc đẩy nguồn lực đầu tư hiện hữu; tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của Trung tâm tài chính tại Việt Nam được xây dựng theo 3 nhóm chính sách gồm: Thành lập Trung tâm tài chính và các cơ quan thuộc Trung tâm tài chính; các chính sách áp dụng đối với Trung tâm tài chính; chính sách quản lý nhà nước đối với Trung tâm tài chính.

Phải xây dựng cơ chế, chính sách vượt trội nhưng có giám sát

Góp ý vào các quy định cụ thể tại dự thảo Nghị quyết, đại diện các Bộ, ngành đều có chung nhận định, các chính sách áp dụng cho Trung tâm tài chính phải có tính đột phá, bảo đảm phát huy tối đa các lợi thế của Việt Nam, bắt kịp xu hướng phát triển quốc tế, theo chuẩn mực, thông lệ tiên tiến của thế giới, bảo đảm nguyên tắc pháp quyền, hài hòa với cam kết quốc tế. Các nguyên tắc này cũng phải bảo đảm sự đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, dù dự thảo Nghị quyết có những quy định vượt trội, có thể khác với quy định hiện hành nhưng khái niệm sử dụng trong dự thảo vẫn phải thống nhất với hệ thống pháp luật.

Khi thu hút nguồn vốn từ nước ngoài vào Trung tâm tài chính để phát triển kinh tế Việt Nam, cần cân nhắc điều nào được phép và những điều nào bị hạn chế thì phải quy định rõ trong dự thảo. Bên cạnh đó, các quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với việc cung cấp dịch vụ trong Trung tâm tài chính liên quan trực tiếp đến các cam kết thương mại và đầu tư của Việt Nam.

Do đó, việc dự thảo Nghị quyết quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài và điều kiện đầu tư nước ngoài tại Trung tâm tài chính cần được rà soát thêm để hạn chế rủi ro vi phạm các nghĩa vụ trong các hiệp định thương mại, hiệp định bảo hộ đầu tư của Việt Nam…

Về thời điểm thành lập sàn giao dịch chuyên biệt, giao dịch bằng tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong Trung tâm tài chính…, đại diện Bộ Tài chính đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá thêm về thực tiễn và khả năng hoàn thiện pháp lý liên quan để xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp. Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để xác định mức ưu đãi theo định hướng của Đảng, Nhà nước và phù hợp với quy định về thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp...

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhất trí với việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thành lập và hoạt động của Trung tâm tài chính tại Việt Nam là cần thiết. Đồng thời nhấn mạnh, dự thảo Nghị quyết này phải xây dựng được các cơ chế, chính sách vượt trội để có nâng cao tính cạnh tranh nhưng cũng phải có kiểm soát, giám sát chặt chẽ.

Thứ trưởng cho biết, cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn để xây dựng Nghị quyết này đã rõ, vì vậy chỉ nêu một cách cô đọng, ngắn gọn tại Tờ trình; tập trung làm rõ vị trí, vai trò của Trung tâm tài chính đối với một nền kinh tế thông qua nghiên cứu kinh nghiệm của các nước đang phát triển khác.

Về nội dung chính sách, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định, đồng thời làm rõ nội dung của từng nhóm chính sách cụ thể.

Thứ trưởng cũng cho ý kiến cụ thể về tổ chức, cơ cấu của Trung tâm tài chính; cơ chế giải quyết tối giản, thuận lợi, tiếp cận với quốc tế; bộ máy điều hành, cách thức giám sát, quản lý nhà nước (tiền kiểm hay hậu kiểm, cái gì quản lý gián tiếp, cái gì quản lý trực tiếp); cơ chế thu thập thông tin; cơ chế thí điểm đột phá; cách thức hạn chế rủi ro…

Đồng thời lưu ý cơ quan chủ trì soạn thảo về quy trình soạn thảo và đề nghị cơ quan chủ trì phối hợp với Ủy ban Kinh tế và Tài chính, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết.

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/xay-dung-trung-tam-tai-chinh-can-chinh-sach-dot-pha-bat-kip-xu-huong-quoc-te-96798.html