Đề xuất xây dựng trung tâm tài chính với chính sách đặc thù, ưu đãi thuế
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam với chính sách ưu đãi thuế, nới lỏng ngoại hối và môi trường kinh doanh thuận lợi.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất xây dựng trung tâm tài chính với chính sách đặc thù, ưu đãi thuế. Ảnh: H.P
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang lấy ý kiến đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội về trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ KH&ĐT đề xuất ba nhóm chính sách gồm chính sách thành lập trung tâm tài chính và các cơ quan liên quan; chính sách áp dụng cho trung tâm tài chính và chính sách quản lý nhà nước đối với trung tâm tài chính
Bộ đề xuất xây dựng trung tâm tài chính tại vị trí chiến lược, kết nối thị trường khu vực và quốc tế. Đồng thời, một cơ quan chuyên trách sẽ được thành lập để quản lý, giám sát và hỗ trợ trung tâm hoạt động minh bạch, hiệu quả.
Theo cơ quan soạn thảo, yếu tố quan trọng để trung tâm tài chính Việt Nam cạnh tranh quốc tế là chính sách đặc thù, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Bộ KH&ĐT đề xuất ưu đãi thuế, cơ chế tài chính linh hoạt và quy định riêng để thúc đẩy thị trường tài chính.
Cụ thể, doanh nghiệp tại trung tâm tài chính có thể hưởng thuế suất ưu đãi, miễn giảm thuế thu nhập giai đoạn đầu và mức thuế cạnh tranh với Singapore, Hong Kong.
Trong đó, Cơ quan này đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân cho nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đến hết năm 2035 và sau đó giảm 50%. Đồng thời, chính sách ngoại hối và chuyển đổi tiền tệ sẽ được nới lỏng để thu hút đầu tư.
Trung tâm tài chính cần hạ tầng hiện đại, gồm thanh toán nhanh, công nghệ tài chính (fintech) và giao dịch điện tử để đảm bảo giao dịch an toàn, hiệu quả. Môi trường pháp lý thuận lợi cũng là yếu tố then chốt thu hút các tổ chức tài chính.
Dù có chính sách đặc thù, Bộ KH&ĐT cho rằng cần cơ chế quản lý chặt chẽ, khung pháp lý minh bạch, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về giám sát tài chính, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Vì vậy, bộ đề xuất thành lập cơ quan điều phối độc lập để kiểm soát tài chính, cấp phép và xử lý pháp lý, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan.
Bên cạnh đó, cơ quan này đề xuất cho phép người nước ngoài làm việc, đầu tư tại trung tâm tài chính được mua bán nhà trong khu vực dự án.
Những người này có thể sở hữu qua mua, thuê mua, nhận tặng cho hoặc thừa kế với quyền và nghĩa vụ đất đai theo hình thức giao hoặc thuê đất. Theo đề xuất, thời hạn sử dụng đất tại trung tâm tài chính là tối đa 70 năm cho lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực khác không quá 50 năm.
Nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài được thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền để vay vốn, kể cả tại ngân hàng nước ngoài. Tranh chấp sẽ được giải quyết theo pháp luật Việt Nam.