Xây dựng trường đại học đúng nghĩa: Bao giờ thành hiện thực?
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến cho Dự thảo Thông tư ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Những người chịu trách nhiệm soạn thảo Dự thảo này mong muốn, khi Thông tư được ban hành Việt Nam có cơ hội thực hiện ước mơ có trường ĐH 'ngay ngắn' như các trường ĐH nước ngoài.
GS.TS Đào Văn Đông, Trường ĐH Hòa Bình, Hà Nội cho hay về điều kiện đảm bảo học tập, Ban soạn thảo chỉ ra trung bình cả nước 79m2 đất/sinh viên, 24m2 sàn xây dựng/sinh viên. Trong khi đó tiêu chí của dự thảo Thông tư đưa ra trong tương lai từ năm 2030 là 25m2 đất/sinh viên và 5m2 sàn xây dựng/sinh viên.
Như vậy đang có sự lãng phí rất lớn ở diện tích đất và sàn xây dựng trên sinh viên. Điều này thể hiện ở sự mất cân đối giữa 2 thành phố lớn nhất cả nước là TPHCM, TP Hà Nội và các địa phương. Ban soạn thảo cần có khảo sát cụ thể hơn để từ đó có thể gắn với mục tiêu của các trường ĐH ở thành phố lớn.
Thông tư này phải gắn chặt với quy hoạch Hà Nội và TPHCM để có quỹ đất. Nếu quy hoạch của 2 thành phố lớn này không chỉ ra được quỹ đất thì độ tin cậy của Thông tư sẽ không đảm bảo. Thực tế, TPHCM và TP Hà Nội vẫn là nơi thu hút phần lớn sinh viên nhưng quỹ đất không nở ra. Ông Đông cũng đặt vấn đề Ban soạn thảo đã đưa ra ứng dụng công nghệ vào học tập trong tương lai hay chưa khi xu hướng lớp học trực tuyến được áp dụng lên đến 30%.
GS. TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng tiêu chí này cần tính đến đặc thù khoa học thực nghiệm như khối ngành nông lâm ngư, quy định thêm diện tích đảm bảo thực hành, thực tập nếu không không đảm bảo được chất lượng.
Ông Trương Đại Lượng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội nêu khó khăn về quỹ đất đối với cơ sở giáo dục ĐH trong nội thành.
“20 năm qua, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tính toán quỹ đất cho các trường trực thuộc nhưng không khả thi. Bây giờ theo Thông tư này, Bộ GD&ĐT cho phép đến 2030, chúng tôi thấy vẫn không khả thi”, ông Lượng trình bày.
Đồng thời cho rằng nên áp dụng quy định đặc thù. Ví dụ các trường không đáp ứng được tiêu chuẩn này thì tạm thời không được phép tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho đến khi đáp ứng được tiêu chí về diện tích đất/sinh viên.
"Cán bộ Việt Nam đi nước ngoài đều xuýt xoa trước cơ ngơi của các trường ĐH. Tại sao không biến trường ĐH của Việt Nam thành trường ĐH đúng nghĩa lại cứ ngồi băn khoăn câu chuyện về đất. Chúng ta không xin đất mà đặt ra yêu cầu quỹ đất cho địa phương thực hiện”- ông Lê Đông Phương.
Đại diện Ban soạn thảo Thông tư, GS. TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng ĐH Thái Nguyên cho rằng Thông tư này ban hành để địa phương nhận diện ra được trách nhiệm chuẩn bị quỹ đất cho các trường ĐH phát triển. Do đó, mở rộng hơn nữa thì càng tốt còn Thông tư chỉ đưa ra mức quy định tối thiểu, không nên giảm.
TS Lê Đông Phương, Viện khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng cách đây 30 năm, ĐH Bách khoa Hà Nội có diện tích là 26ha, bây giờ còn được bằng nào? Vì thế, không thể từ bỏ câu chuyện quy định diện tích đất, diện tích sàn trên đầu sinh viên.
Cần tính đến yếu tố đặc thù
Đại diện Trường ĐH Y dược, ĐH Huế cho rằng Tiêu chuẩn nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo có đưa ra tiêu chí tỉ trọng thu được từ hoạt động khoa học công nghệ/tổng thu của cơ sở đào tạo. Tiêu chí này tốt nhưng không phù hợp với một số cơ sở nghiên cứu khoa học cơ bản. Đặc biệt trong y khoa, khó tính được giá trị nghiên cứu khoa học công nghệ khi liên quan đến mạng sống con người. “Ví dụ một nghiên cứu có thể cứu sống 3 mạng người. Vậy giá trị của nghiên cứu này tính như thế nào khi không thể quy ra tiền hay giá trị vật chất”, đại diện Trường Y dược đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Học viện Hậu cần chia sẻ ý kiến của Học viện khi góp ý cho dự thảo Thông tư. Theo ông Quang, tiêu chí tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đối với cơ sở giáo dục ĐH được dự thảo đưa ra năm 2025 phải đạt 40% trở lên và từ năm 2030 phải đạt từ 50% trở lên là quá cao đối với các trường quân đội. Vì để có một tiến sĩ trong trường quân đội cần rất nhiều thời gian.
“Sau khi tốt nghiệp ĐH thuộc khối trường quân đội, nếu đi giảng dạy, phải gần 10 năm sau mới được đi học thạc sĩ, sau đó quay về trường công tác 1-2 năm sau mới được đi học tiến sĩ”, ông Quang thông tin. Do đó, ông Quang cho rằng Bộ GD&ĐT nên kết hợp với Cục Nhà trường, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng để xây dựng tiêu chí phù hợp.
Về phía Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng Thông tư sẽ có tác động lớn và là công cụ quan trọng quản trị trong từng trường ĐH và toàn hệ thống. Bộ GD&ĐT đưa ra Chuẩn không phải để đối sánh, xếp hạng mà quan trọng là để các trường nỗ lực thay đổi, phát triển một cách tốt hơn.