Xây dựng trường học hạnh phúc cần thực chất
Lấy cảm hứng từ mô hình 'Happy School' của UNESCO, mô hình 'Trường học hạnh phúc' được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai từ năm 2019 và nhanh chóng được nhân rộng trong nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước. Khẳng định việc xây dựng trường học hạnh phúc là cần thiết, song các chuyên gia cũng lưu ý trường học hạnh phúc phải là nhu cầu tự thân của mỗi nhà trường chứ không phải hoạt động mang tính phong trào và tránh làm theo kiểu hình thức.
Nhà giáo nhân dân, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và phát triển tiềm năng con người chia sẻ rằng, trường học hạnh phúc là một khái niệm rất được quan tâm ở Việt Nam hiện nay. Nói đến trường học hạnh phúc, có thể nhiều người sẽ nghĩ ngay đến việc phải đầu tư những ngôi trường thật hiện đại nhưng cá nhân ông lại quan niệm hạnh phúc, trước tiên lại phải bắt đầu từ việc tạo niềm vui đi học mỗi ngày cho trẻ. Một trường học hạnh phúc có 3 tiêu chí quan trọng, có tính cốt lõi là yêu thương, an toàn và tôn trọng. Trong đó, yêu thương là sự quan tâm, chia sẻ, tin tưởng, hỗ trợ và bao trùm lên là bao dung; trường học phải an toàn về thể chất và tinh thần, trong đó, giáo viên, học sinh phải được bảo vệ, không bị xúc phạm, bị tổn thương về thể xác và tinh thần; trường học phải tôn trọng sự khác biệt bởi chính sự khác biệt ấy mới tạo nên sự đa dạng về văn hóa và đổi mới.
Nói cách khác, trường học hạnh phúc là trường học lấy học sinh làm trung tâm trong mọi hoạt động nội khóa và ngoại khóa; từ hiệu trưởng đến giáo viên, phụ huynh học sinh phải cùng nhau chung sức, đồng lòng tạo ra các hoạt động tích cực, hướng thiện, giúp cho học sinh được trải nghiệm và phát triển một cách toàn diện.
GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng cho rằng: Trường học hạnh phúc trước hết phải hướng đến việc học sinh được là chính mình, được phát triển theo khả năng của mình. Sẽ không có một lời giải duy nhất áp dụng cho tất cả các trường nhưng sẽ có những giá trị chung nhất. Do đó, xây dựng một chương trình giáo dục hướng đến trường học hạnh phúc tại Việt Nam một cách khoa học, hiện đại, được chuẩn hóa phù hợp với xu thế các nước trên thế giới là một vấn đề cần được ưu tiên. Đó cũng là một trong những nền tảng quan trọng để xây dựng nhà trường hạnh phúc mà ở đó luôn tràn ngập yêu thương, chấp nhận sự đa dạng, tôn trọng tính cá nhân, hòa nhập, nuôi dưỡng sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần, phát huy trí tuệ của mỗi nhà trường, mỗi thầy cô và mỗi em học sinh. Và để xây dựng được một ngôi trường hạnh phúc không phải là trách nhiệm của riêng ai. Chính thầy cô, nhà trường, phụ huynh… đều phải góp phần tạo nên không gian, môi trường để trẻ con được là chính mình, được phát triển theo năng lực và ước mơ của bản thân.
Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT thì nhìn nhận, mặc dù xây dựng trường học hạnh phúc là mô hình cần hướng tới nhưng phải xuất hiện từ nhu cầu tự thân vì mục tiêu mang lại hạnh phúc cho học sinh chứ không phải theo phong trào hay tiêu chí thi đua. Đặc biệt, các nhà trường khi triển khai mô hình trường học hạnh phúc cần hướng đến thực chất, tránh việc thương mại hóa.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cũng cho rằng, việc xây dựng trường học hạnh phúc là phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục thế giới để mỗi ngày giáo viên, học sinh đến trường là một ngày hạnh phúc. Tuy nhiên, ông Phúc đề nghị các cơ sở giáo dục khi xây dựng trường học hạnh phúc cần làm thực chất, tránh hình thức và không được hành chính hóa việc xây dựng trường học hạnh phúc.
“Tôi biết khi triển khai việc này, nhiều thầy cô hiệu trưởng sẽ lo lắng. Nhà trường tự đánh giá các tiêu chí của trường học hạnh phúc. Nhưng nếu kết quả tự đánh giá quá thấp thì họ có bị xét thi đua không? Tôi đề nghị không đưa nội dung này vào thi đua. Để các trường thực hiện vì sự tiến bộ của chính nhà trường. Để sau mỗi năm, các trường sẽ đối chiếu lại, cứ năm sau tốt hơn năm trước là được", ông Phúc chia sẻ, đồng thời lưu ý, việc xây dựng trường học hạnh phúc là một quá trình phức tạp, lâu dài, không thể giải quyết nó trong vài tháng hoặc vài năm. Vì vậy các cơ sở giáo dục cần bình tĩnh, xem cái gì thiết thực cần làm trước.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-duc/xay-dung-truong-hoc-hanh-phuc-can-thuc-chat-i711968/