Xây dựng uy tín trong từng lô sầu riêng xuất khẩu

Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng có thể đạt 1,5 - 1,8 tỷ USD trong năm nay và chạm mốc 2 tỷ USD vào năm 2024. Để tăng trưởng lâu dài, các doanh nghiệp cần tập trung nâng cao chất lượng và thương hiệu sầu riêng Việt Nam. 'Phải xây dựng uy tín trong từng lô hàng', Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Nguyễn Đình Tùng nói.

Sầu riêng trở thành mặt hàng “tỷ đô”

Theo thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan vừa công bố, xuất khẩu rau quả 8 tháng đầu năm ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng gần 56% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức kỷ lục từ trước tới nay; đóng góp lớn nhất vào thành quả này là sầu riêng và thanh long, trong đó, sầu riêng góp 30% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng đạt 1,1 tỷ USD

Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng đạt 1,1 tỷ USD

Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Nguyễn Đình Tùng cho biết, sự tăng trưởng mạnh mẽ này là do sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc theo Nghị định thư ký kết tháng 7.2022; Lũy kế 7 tháng năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đạt 1,1 tỷ USD, hầu hết sang thị trường Trung Quốc. “Trái sầu riêng được thị trường Trung Quốc rất chuộng và Việt Nam lại là nơi trồng sầu riêng quanh năm, có nguồn cung cấp đều. Đơn cử, vụ sầu riêng Việt kéo dài từ tháng 2 đến tháng 6 thu hoạch ở các tỉnh miền Tây; tháng 6 đến tháng 10 thu hoạch miền Đông và Tây Nguyên nên sản lượng dồi dào, giá cạnh tranh hơn so với hàng Thái Lan, Philippines. Bên cạnh đó, Trung Quốc chưa trồng được loại quả này. Vì vậy, triển vọng tăng trưởng từ nay đến cuối năm vẫn rất tốt”, ông Tùng dự báo.

Hiện tại, khu vực Tây Nguyên nước ta là vùng duy nhất trên thế giới còn sầu riêng tươi. Theo Tổng Thư ký VINAFRUIT Đặng Phúc Nguyên, dư địa xuất khẩu sầu riêng còn khoảng 400 - 500 triệu USD. Như vậy, mặt hàng này có thể cán mốc xuất khẩu 1,7 - 1,8 tỷ USD trong năm nay; qua đó đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả có cơ hội đạt 5 tỷ USD - về đích sớm 2 năm so với mục tiêu ban đầu. “Sang năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sẽ cán mốc 2 tỷ USD, sẽ có thêm nhiều mã số vùng trồng được cấp và sản lượng sầu riêng cũng ngày càng nhiều”.

Có chế tài thích đáng với doanh nghiệp xuất khẩu kém chất lượng

Bên cạnh niềm vui là nỗi lo, ông Nguyễn Đình Tùng e rằng có thể xảy ra tình trạng tăng trưởng nóng với cây sầu riêng; thực tế, đã xuất hiện cuộc đua mở rộng diện tích trồng gây nguy cơ vỡ quy hoạch. Tính đến cuối năm 2022, cả nước có 110.000ha sầu riêng, tăng 25.000ha so với năm 2021, vượt 35.000ha so với quy hoạch (65.000 - 75.000ha) và vẫn tiếp tục tăng...

Mới đây, Thái Lan đã thông báo tự nâng tiêu chuẩn sầu riêng xuất khẩu vào Trung Quốc; theo đó, quả sầu riêng phải có chất khô tối thiểu đạt 35%, cao hơn so với trước đây là 32%, có ít nước hơn, múi chắc và ngon hơn. Điều này cho thấy, nếu chúng ta không ưu tiên chất lượng, thương hiệu để chiếm thị phần nhiều hơn mà chỉ quan tâm tăng trưởng nóng, ngắn hạn chắc chắn ngành sẽ dần thụt lùi.

Theo ông Tùng, các doanh nghiệp cần tập trung nâng cao chất lượng và nâng cao thương hiệu, phải xây dựng uy tín từng lô hàng từ chất lượng sản phẩm, quy trình trồng, đóng gói, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đến chiến lược bán hàng, truyền thông mới có thể cạnh tranh lâu dài tại thị trường Trung Quốc. “Phải có biện pháp, chế tài thích đáng với doanh nghiệp xuất khẩu kém chất lượng. Riêng về xây dựng thương hiệu, cần sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành đến địa phương, doanh nghiệp và người trồng mới hình thành được”, ông Tùng nói.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu Ngô Tường Vy cho biết, ở Thái Lan, mỗi trái sầu riêng là hình ảnh của quốc gia, được Hoàng gia Thái Lan bảo hộ; hay ở Malaysia, các doanh nghiệp luôn tư duy theo hướng phải tạo nên sự khác biệt, riêng có để thế giới phải tìm đến sản phẩm của họ. Việt Nam cũng cần đẩy mạnh chất lượng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sầu riêng nếu muốn phát triển bền vững. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt cũng cần một cơ quan quản lý trách nhiệm để bảo đảm được hình ảnh thương hiệu của trái sầu riêng.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, sầu riêng Việt Nam có ưu điểm rất lớn so với các nước khác, đó là ở gần nước tiêu thụ nhất nên chi phí logistics thấp hơn, thời gian bảo quản ngắn hơn; ông Nguyên khuyến cáo doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm thay vì chạy theo số lượng. Các doanh nghiệp, hộ dân nên trồng sầu riêng ở vùng thổ nhưỡng thuận lợi, nước và đất đai tốt sẽ nâng cao chất lượng sầu riêng.

Thời gian tới, sầu riêng được quy hoạch trở thành mặt hàng xuất khẩu tỷ đô. Để phát triển bền vững, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương rà soát diện tích sầu riêng trên địa bàn; xây dựng đề án, kế hoạch phát triển sản xuất theo vùng tập trung, gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, đóng gói, sơ chế, chế biến; khuyến cáo nông dân không được tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp... Đồng thời, kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Trúc Oanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/xay-dung-uy-tin-trong-tung-lo-sau-rieng-xuat-khau-i341523/