Xây dựng và ban hành Luật Dẫn độ đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Dự án Luật Dẫn độ do Bộ Công an chủ trì xây dựng dự kiến trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 tới đây. Việc xây dựng và ban hành Luật Dẫn độ sẽ hoàn thiện pháp luật về dẫn độ theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế, thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ.

Theo Bộ Công an, Luật Tương trợ tư pháp (Luật TTTP) được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 2 ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2008. Sau hơn 15 năm triển khai thực hiện Luật TTTP, công tác dẫn độ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, cùng với những yêu cầu mới phát sinh của quá trình hội nhập quốc tế, yêu cầu của hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng như những yêu cầu thực tiễn, Luật TTTP đã bộc lộ những hạn chế bất cập cần được tháo gỡ, giải quyết.

Đàm phán Hiệp định về dẫn độ và Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất năm 2023.

Đàm phán Hiệp định về dẫn độ và Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất năm 2023.

Luật TTTP điều chỉnh chung cả 4 lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù nhưng mỗi lĩnh vực lại có đối tượng, phạm vi điều chỉnh với tính chất đặc thù riêng, mục đích và tính chất, nguyên tắc hợp tác khác nhau. Như dẫn độ, TTTP về hình sự xuất phát từ hoạt động tố tụng hình sự mang tính chất công quyền, trong khi đó TTTP về dân sự lại xuất phát từ yêu cầu giải quyết vụ việc của cá nhân, pháp nhân mang tính chất tư, còn chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù lại chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của người bị yêu cầu chuyển giao. Chủ thể yêu cầu, chủ thể thực hiện, trình tự, thủ tục, thời gian thực hiện các yêu cầu TTTP trong từng lĩnh vực hoàn toàn độc lập và khác nhau.

Từ phương diện quản lý nhà nước, Luật TTTP quy định giao Bộ Tư pháp làm đầu mối giúp Chính phủ quản lý nhà nước chung cũng làm cho công tác quản lý nhà nước, phối hợp liên ngành trong triển khai thi hành Luật của các cơ quan gặp bất cập, hạn chế do mỗi lĩnh vực có đặc thù, nguyên tắc riêng, trình tự, thủ tục độc lập.

Hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật TTTP được thực hiện chủ yếu thông qua các điều ước quốc tế. Theo quy định của Luật TTTP, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) và Luật Điều ước quốc tế năm 2016 thì từng bộ, ngành (Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao) chủ trì đề xuất ký kết và tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế thuộc lĩnh vực mình được giao phụ trách. Hiện nay việc ký kết các điều ước quốc tế về TTTP được tách riêng từng lĩnh vực độc lập, không điều chỉnh đa lĩnh vực như trước đây.

Bộ Công an chủ trì đề xuất ký kết và tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế về dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù, Bộ Tư pháp chủ trì đề xuất ký kết và tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế về TTTP dân sự, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì đề xuất ký kết và tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp về hình sự. Việc tách Luật TTTP, giao nhiệm vụ cơ quan đầu mối trong từng lĩnh vực cũng phù hợp với công tác ký kết, gia nhập và tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế mà các bộ, ngành đang chủ trì.

Bên cạnh đó, một số quy định của Luật TTTP không còn phù hợp với các đạo luật mới trong lĩnh vực tư pháp được Quốc hội ban hành trong thời gian vừa qua khiến Luật TTTP còn thiếu gắn kết và chưa đồng bộ với pháp luật tố tụng trong nước, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc giải quyết kịp thời các vụ việc dẫn độ. Luật TTTP chưa phân định rõ phạm vi TTTP dẫn đến cách hiểu và cách áp dụng chưa thống nhất giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như đối với hoạt động ủy thác tư pháp liên quan đến công dân Việt Nam ở nước ngoài hoặc yêu cầu cơ quan đại diện ngoại giao tại nước ngoài xác minh, cung cấp tài liệu và chứng cứ phục vụ điều tra.

Luật TTTP chưa đáp ứng yêu cầu mới do sự phát triển trong từng lĩnh vực TTTP, thiếu những quy định cụ thể phù hợp cho từng lĩnh vực. Một số quy định của Luật TTTP về dẫn độ chưa tương thích với pháp luật quốc tế, thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc chưa được nội luật hóa trong Luật TTTP, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai tổ chức thực hiện. Một số quy định của Luật TTTP về dẫn độ chưa phù hợp với thực tiễn và điều kiện thực tế ở Việt Nam…

Cũng theo Bộ Công an, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia có xu hướng xây dựng Luật Dẫn độ để thuận lợi cho việc áp dụng. Các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Anh, Canada, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia... đều đã xây dựng và ban hành luật riêng về dẫn độ. Liên hợp quốc cũng đã thông qua luật mẫu về dẫn độ (năm 2004) để làm cơ sở cho các quốc gia tham khảo, xây dựng pháp luật trong nước.

Ở cấp độ khu vực, ASEAN đã xây dựng hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và đang xây dựng Hiệp định về dẫn độ. Các quốc gia đã ký kết hiệp định TTTP về dân sự và hình sự với Việt Nam trong thời gian trước đây hiện đang bày tỏ mong muốn đàm phán, ký kết các hiệp định riêng về lĩnh vực dẫn độ để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện.

Do đó, việc xây dựng và ban hành Luật Dẫn độ là hoàn thiện pháp luật về dẫn độ theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế; thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ, nâng cao hiệu quả truy bắt các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài; bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng như góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước trong lĩnh vực dẫn độ; tạo nền tảng cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về dẫn độ.

Đồng thời, việc xây dựng và ban hành Luật Dẫn độ sẽ giúp hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực thi các cam kết của Việt Nam tại các điều ước quốc tế về dẫn độ; góp phần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tư pháp hình sự, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia, góp phần bảo vệ an ninh trật tự quốc gia, hòa bình và an ninh quốc tế.

Dự thảo Luật Dẫn độ dự kiến gồm 5 chương và 45 điều, quy định về các nội dung cụ thể như sau: Những quy định chung; dẫn độ từ nước ngoài về Việt Nam; dẫn độ từ Việt Nam ra nước ngoài; quản lý nhà nước về dẫn độ và điều khoản thi hành.

Nguyễn Hương

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/xay-dung-va-ban-hanh-luat-dan-do-dap-ung-yeu-cau-thuc-tien-i763519/