Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đưa đất nước phát triển bền vững
Năm 2023, kinh tế Việt Nam dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều bất ổn, cạnh tranh ngày càng lớn hơn, với nhiều thách thức, nhiều 'cơn gió ngược' nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng trong nguy có cơ, Việt Nam vẫn có 'cửa hẹp' để giải quyết những khó khăn nội tại, tiếp tục tăng trưởng.
Phát triển nội lực
Trong lời chúc Tết đêm giao thừa Xuân Quý Mão, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát những thành tựu của năm 2022: "Năm Nhâm Dần - 2022 vừa đi qua với đầy ắp các sự kiện đáng nhớ - một năm có nhiều khó khăn, thách thức lớn, bất ngờ xuất hiện, tác động xấu, nhiều mặt và ảnh hưởng nặng nề không chỉ đối với nước ta mà còn đối với toàn thế giới.
Trong bối cảnh đặc biệt đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tâm, bản lĩnh, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện với nhiều dấu ấn nổi bật: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả; chính trị xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, để lại những ấn tượng rất tốt đẹp, được nhân dân và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, cho chúng ta thêm nhiều bài học quý.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng, biểu dương và trân trọng cảm ơn đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước về những kết quả, thành tích và đóng góp to lớn trong năm qua".
Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Bước sang năm mới Quý Mão - 2023, là năm thứ ba - năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Với ý chí và quyết tâm vươn lên phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết thống nhất, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ hơn nữa công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, tạo đà và động lực thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo...".
Tổng Bí thư yêu cầu: "Đẩy mạnh hơn việc phát triển nội lực được xem là một trong những giải pháp quan trọng để kinh tế Việt Nam vượt khó trong năm 2023". Trong phát biểu chúc Tết các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu những thách thức của năm mới: "Tình hình quốc tế và trong nước có nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng dự báo cũng còn không ít những diễn biến phức tạp, khó lường, đặt ra không ít khó khăn, thách thức mới, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu, ra sức thực hiện các mục tiêu đã đề ra để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của năm 2023, mà trọng tâm là: phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh".
Vượt qua thách thức
Đến thời điểm này, chúng ta đã bước qua tháng đầu tiên của năm 2023. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của năm nay, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01 - Nghị quyết đầu tiên trong năm của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Đây chính là kim chỉ nam cho lãnh đạo, điều hành nền kinh tế xã hội của đất nước trong năm nay. Nghị quyết nhận định: Năm 2023, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Chính phủ đã xác định chủ đề điều hành của năm 2023 là "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành, 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, với 147 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, nhóm giải pháp đầu tiên là "Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế". Nghị quyết 01 mang tính xuyên suốt, định hướng, làm tiền đề cho việc thực hiện nhiệm vụ các năm tiếp theo. Yêu cầu là không chuyển trạng thái đột ngột, giật cục; nâng cao năng lực phân tích dự báo; điều hành cân băng giữ kiểm soát lạm phát - tăng trưởng kinh tế...
Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay xuống còn 1,7%, thay vì 3% đưa ra trước đó, với mức tăng trưởng chậm lại ở hầu hết các nền kinh tế phát triển. Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định 1/3 nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái; lạm pháp dai dẳng, các nước thắt chặt tiền tệ..., cũng như sự gián đoạn liên tục trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tình trạng này có thể kéo dài và trầm trọng hơn tại châu Âu do nguồn cung cấp khí đốt bị hạn chế và giá năng lượng cao... Tất cả cho thấy những thách thức của Việt Nam vẫn đang ở phía trước.
Những biến động đó đòi hỏi nội lực của nền kinh tế càng phải mạnh hơn, như yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Các chuyên gia kinh tế nhận định, cơ hội thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong năm tới xuất phát từ chính các nguồn lực trong nước, bao gồm thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa, nâng cao hiệu quả đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5%. Phát triển thị trường trong nước với 100 triệu dân cũng là vấn đề cần đặc biệt quan tâm, sẽ đảm bảo chỗ dựa cho các doanh nghiệp có khả năng độc lập, tự chủ.
Động lực để giúp kinh tế Việt Nam năm 2023 bảo đảm tăng trưởng khi việc giải ngân đầu tư công tăng cao do nhiều dự án trọng điểm, dự án lớn đang được triển khai như dự án sân bay Long Thành, tuyến cao tốc Bắc Nam. Lực đẩy của dòng vốn FDI sẽ tiếp sức cho nền kinh tế, trong đó có các đại dự án lớn hàng trăm đến hàng tỷ USD đầu tư từ năm 2022 đang trở thành động lực giúp nền kinh tết thêm sức mạnh để vượt "những cơn gió ngược".
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 đã được vạch ra. Kịch bản thứ nhất, GDP đạt 6,47%; lạm phát bình quân 4,08%; tăng trưởng xuất khẩu 7,21% và cán cân thương mại là 5,64 tỷ USD. Kịch bản thứ hai tích cực hơn, dự báo tăng trưởng GDP đạt 6,83%; lạm phát 3,69%; tăng trưởng xuất khẩu 8,43% và cán cân thương mại là 8,15 tỷ USD.
Một yếu tố khác cũng rất đáng quan tâm khi nền kinh tế Trung Quốc đang mở cửa sau những thắt chặt để phòng chống đại dịch Covid-19. Có thể khi bắt đầu mở cửa, kinh tế Trung Quốc cũng đối diện với nhiều thách thức, nhưng trong vài tháng tới nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ bứt tốc, tạo điều kiện để xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng, khi mà thị trường xuất khẩu được dự đoán là khó khăn, sức tiêu dùng suy giảm, lạm phát toàn cầu tăng nhanh. Du lịch cũng nằm trong xu hướng này khi mà Tết Quý Mão vừa qua lượng du khách lớn của nước này đã đến Việt Nam, với hơn 32.000 lượt khách chỉ trong 5 ngày Tết.
Về khó khăn, thị trường chứng khoán, trái phiếu và bất động sản năm 2023 sẽ đối diện với quá trình tái cơ cấu. Sự suy giảm của thị trường vốn, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận với vốn dài hạn. Trong khi thị trường bất động sản sẽ tiếp tục thời kỳ trầm lắng và có thể còn kéo dài.
Để biến "những cơn gió ngược" thành "những cơn gió thuận", ngoài việc đẩy nhanh giải phóng vốn đầu tư công, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo cần linh hoạt trong điều hành chính sách tài khóa, kết nối chính sách tài khóa và tiền tệ, ổn định tài chính, cần ưu tiên ổn định hệ thống ngân hàng, miễn giảm thuế để doanh nghiệp và người dân được hưởng; giảm lãi suất hoặc tăng cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhằm giải quyết khó khăn, khát vốn để duy trì đơn hàng, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Đó cũng là cách phát triển nội lực - một trong những giải pháp quan trọng để kinh tế Việt Nam vượt khó trong năm 2023.