Xây dựng và phát huy giá trị để văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh, phát triển đất nước

Quan điểm 'Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội' đang từng bước được hiện thực hóa trong bức tranh phát triển chung tại nhiều địa phương.

Đầu tư, hướng tới sự phát triển bền vững

Để cụ thể hóa việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, thời gian vừa qua, ngành văn hóa tỉnh Bắc Giang đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xây dựng những định hướng lớn, các cơ chế, chính sách quan trọng nhằm kiến tạo, khơi thông các nguồn lực để phát triển các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Có thể kể đến như việc xây dựng các phương án phát triển ngành tích hợp trong Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Giang đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững…

Trưng bày và phát huy giá trị mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (ảnh: VH)

Trưng bày và phát huy giá trị mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (ảnh: VH)

Trao đổi cùng phóng viên, ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang cho biết, quan điểm tăng cường đầu tư phát triển văn hóa được lãnh đạo tỉnh Bắc Giang chú trọng với mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững, hài hòa. Đầu tư ngân sách nhà nước cho văn hóa năm sau cao hơn năm trước, nhiều công trình, thiết chế văn hóa, thể thao quy mô, tầm cỡ, đáp ứng yêu cầu thời đại và nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân đang dần hiện hữu, trở thành những điểm nhấn văn hóa, kiến trúc trên địa bàn…

Cũng theo ông Đỗ Tuấn Khoa, cùng với việc tăng cường mức đầu tư cho văn hóa, kết quả đạt được đã tạo điểm nhấn, khẳng định vai trò, vị thế của văn hóa, thể thao và du lịch, vừa là mục tiêu vừa là động lực góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Khẳng định vai trò, vị thế của văn hóa, thể thao và du lịch, vừa là mục tiêu vừa là động lực góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế- xã hội của địa phương (ảnh: VH)

Khẳng định vai trò, vị thế của văn hóa, thể thao và du lịch, vừa là mục tiêu vừa là động lực góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế- xã hội của địa phương (ảnh: VH)

Hiện tỉnh Bắc Giang đã quy hoạch, xây dựng một số công trình văn hóa, thể thao trọng điểm như Nhà thi đấu thể thao tỉnh, tổng mức đầu tư 900 tỉ đồng; Trung tâm Văn hóa - Triển lãm tỉnh, tổng mức đầu tư hơn 500 tỉ đồng. Đây là hai công trình sẽ tạo thành một quần thể thiết chế hiện đại, đa chức năng, là “điểm hẹn” của đông đảo người dân với các nhu cầu xem phim, triển lãm, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, chương trình thi đấu và luyện tập thể thao…

Phó Giám đốc Sở VHTT Quảng Ninh Nguyễn Thanh Tùng thông tin, để triển khai các Nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Bộ VHTTDL, Sở VHTT Quảng Ninh cũng đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xây dựng ban hành các văn bản về cơ chế, chính sách; các chương trình, đề án, kế hoạch mang tính đặc thù của ngành nhằm thúc đẩy phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao, gia đình. Điểm nhấn là Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30.10.2023 về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực phát triển nhanh, bền vững.

Nhà thi đấu thể thao Bắc Giang

Nhà thi đấu thể thao Bắc Giang

Hiện tại, hệ thống thiết chế văn hóa thể thao của Quảng Ninh từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại; việc huy động các nguồn lực cho xây dựng, phát triển văn hóa, thể thao có bước đột phá. Công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được chú trọng, có cơ chế thích hợp để chuyển hóa thành nguồn lực phục vụ trực tiếp cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long cùng một số di tích quốc gia đặc biệt. Việc huy động các nguồn lực cho xây dựng, phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đang có những bước đột phá.

Đối với Hải Dương, việc đầu tư cho văn hóa được thể hiện trên từng lĩnh vực cụ thể. Bà Bùi Thị Ánh Ngọc, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa, Gia đình (Sở VHTTDL tỉnh Hải Dương) nêu ví dụ về việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa thể thao của tỉnh. Việc hoàn thiện và đưa vào hoạt động này đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng đồng thời, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Hải Dương hiện đã có những công trình văn hóa lớn, mang tính biểu tượng như Trung tâm văn hóa xứ Đông, bên cạnh đó, tỉnh đã đầu tư xây dựng mới Thư viện tỉnh; cải tạo, nâng cấp Bảo tàng tỉnh. Hệ thống thiết chế văn hóa tăng về số lượng và từng bước cải thiện về chất lượng. 12/12 huyện, thị xã, thành phố và 235/235 xã, phường, thị trấn có Trung tâm văn hóa- thể thao; 1314/1314 thôn, khu dân cư có nhà văn hóa phát huy công năng trong tổ chức hoạt động, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, thể chất, tầm vóc, chất lượng cuộc sống của nhân dân trong tỉnh. “Hệ thống thiết chế văn hóa đóng vai trò quan trọng xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư, góp phần không nhỏ trong tăng cường khối đại đoàn kết, góp phần giảm thiểu được các sai phạm, các tệ nạn xã hội

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp

Xác định vai trò của văn hóa trong xây dựng và phát triển đất nước và xây dựng con người mới, Tỉnh ủy Hải Dương đã ban hành Chương trình số 22-CTr/TU về “Phát huy giá trị văn hóa xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Trong đó, quan tâm chú trọng đến nhiệm vụ xây dựng “Người Hải Dương văn minh, hiếu học và khát vọng vươn lên”, nhằm bồi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tinh thần hiếu học, cùng ý chí và khát vọng vươn lên, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Đoàn Phóng viên của Bộ VHTTDL tổ chức đi thực tế tại các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Quảng Ninh (ảnh: VH)

Đoàn Phóng viên của Bộ VHTTDL tổ chức đi thực tế tại các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Quảng Ninh (ảnh: VH)

“Để thực hiện những mục tiêu phát triển văn hóa, con người theo Nghị quyết của Đảng, Hải Dương chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách…”, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hải Dương Vũ Khắc Lịch nhấn mạnh.

Liên quan đến vai trò của văn hóa trong xây dựng và phát triển đất nước và xây dựng con người mới, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang Đỗ Tuấn Khoa cho biết thêm, vấn đề chú trọng đầu tư xây dựng, phát triển hệ giá trị văn hóa, con người luôn được Bắc Giang xác định là một nhiệm vụ trọng tâm.

Bắc Giang đã ban hành riêng một Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Giang đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. “Là vùng đất cổ, nơi “địa linh nhân kiệt”, những yếu tố về lịch sử, văn hóa, điều kiện địa lý, địa hình và sự cộng cư của nhiều thành phần dân tộc đã tạo cho Bắc Giang có một nền văn hóa đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc; vừa mang những giá trị văn hóa, phẩm chất cao quý của con người Việt Nam, vừa mang những nét đặc trưng của văn hóa, con người Bắc Giang”, ông Đỗ Tuấn Khoa nói.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Quảng Ninh thông tin thêm, hệ giá trị được xác định tại Quảng Ninh, vùng đất có nhiều lợi thế này là: Thiên nhiên tươi đẹp - văn hóa đặc sắc - xã hội văn minh - hành chính minh bạch - kinh tế phát triển - nhân dân hạnh phúc. Đây là hệ giá trị nổi trội được định hình dựa trên cơ sở địa phương hóa các giá trị tốt đẹp của quốc gia - dân tộc và nhân loại, tổng hợp hóa và nâng tầm các giá trị riêng lẻ của văn hóa, con người Quảng Ninh, làm thành bản sắc, cốt cách riêng có, trở thành tầm nhìn phát triển địa phương.

“Đổi mới tư duy, nhận thức, định vị lại giá trị địa phương, nhận diện đầy đủ lợi thế, thách thức, mâu thuẫn, “điểm nghẽn” để tìm cách hóa giải, tìm cơ hội trong khó khăn thách thức, định hình phương thức phát triển mới; chú trọng đổi mới tư duy phát triển, mạnh dạn thí điểm áp dụng thành công nhiều mô hình quản trị mới như phương châm “5 thật”, “6 dám”; “3 trước”, “4 tại chỗ”, từ xa, từ sớm, từ cơ sở… là những cách làm thiết thực mà chúng tôi đang triển khai, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân”, ông Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh.

PV

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/xay-dung-va-phat-huy-gia-tri-de-van-hoa-tro-thanh-nguon-luc-noi-sinh-phat-trien-dat-nuoc-post586570.antd