'Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045': Tin tưởng, kỳ vọng có bước đột phá mới!
Chiều 17-7-2020, tại Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, chính thức thông qua Đề án 'Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045' và nhất trí ban hành Nghị quyết về 'Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045'.
Thanh Hóa hôm nay với nhiều công trình mới mang tính động lực, lan tỏa.
Đây là một sự kiện quan trọng, một dấu mốc lịch sử đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa. Phóng viên Báo Thanh Hóa đã ghi nhận được niềm vui mừng, phấn khởi, những ý kiến chia sẻ của cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đón nhận về sự kiện này.
Đồng chí Phạm Văn Tích, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hàm Rồng:
Phải xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch vững mạnh, đủ sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết
Đây là thông tin rất vui mừng, mong mỏi từ lâu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, đồng thời đặt ra nhiệm vụ, thách thức mới cho đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trách nhiệm lớn phải phát huy tốt thành quả đạt được. Rõ nhất là thành quả trong 10 năm gần đây có bước khởi sắc đáng mừng về kinh tế, văn hóa - xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng, đặc biệt năm 2018-2019 có bước tiến vượt bậc từ tỉnh nghèo dựa vào ngân sách trung ương, nay đã sản xuất dư lương thực…
Tuy có bước phát triển nhưng so với yêu cầu vẫn còn hạn chế, đòi hỏi Thanh Hóa phải cố gắng nhiều, cùng với sự quan tâm của Trung ương, trước tiên phải xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch vững mạnh, đủ sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trọng tâm là thực hiện cho được 5 trụ cột nêu trong dự thảo báo cáo chính trị, thực hiện tốt Nghị quyết của Bộ chính trị; xây dựng kết cấu hạ tầng, trước hết là hạ tầng giao thông, trọng tâm là các tuyến đường quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế như đường ven biển, đường trục, vùng miền núi, khu vực đồng bằng đến các khu trung tâm kinh tế, Khu kinh tế Nghi Sơn… phải được đầu tư mở rộng nâng cấp, đường hàng không sớm mở rộng nâng cấp trở thành đường hàng không quốc tế để thu hút đầu tư phát triển.
Để làm được những việc Trung ương giao cho, Thanh Hóa phải chú trọng, phấn đấu đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực đủ số lượng, nâng cao chất lượng mới đáp ứng được yêu cầu phát triển. Vùng miền núi tỉnh ta rộng lớn hơn nhiều so với các tỉnh miền núi phía Bắc nhưng địa hình dốc cao, mặt bằng sản xuất nông nghiệp ít. Thanh Hóa phải nỗ lực nghiên cứu các mô hình sản xuất phù hợp, hiệu quả đối với miền núi, nhất là miền núi cao. Đề nghị với Trung ương có chính sách mạnh mẽ phù hợp với yêu cầu phát triển cho khu vực này. Đối với phát triển công nghiệp thời kỳ mới, tỉnh quan tâm và đề nghị Trung ương tạo điều kiện sớm triển khai thực hiện giai đoạn II Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn để có thêm nhiều sản phẩm.
Việc Bộ Chính trị đồng ý ban hành nghị quyết về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được xem là cơ hội lớn thúc đẩy sự phát triển của tỉnh và là cuộc cách mạng công nghiệp đòi hỏi trí tuệ rất lớn, Thanh Hóa càng phải tập trung nhiều hơn, rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế để thúc đẩy phát triển sản xuất, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết. Để làm được những việc trên, Thanh Hóa phải giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới, biển đảo, an ninh tôn giáo, dân tộc, quan tâm làm tốt như hiện nay và tốt hơn nữa.
Đồng chí Phạm Bá Dung, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy:
Thời cơ để Thanh Hóa bứt phá thực hiện khát vọng thịnh vượng
Đây thực sự là cơ hội lớn đối với tỉnh Thanh Hóa, vì Thanh Hóa là một trong số ít tỉnh được Trung ương quan tâm ra nghị quyết về xây dựng và phát triển. Tôi cũng như nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh thực sự vui mừng, phấn khởi trước thông tin này. Tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực phấn đấu qua nhiều thế hệ nối tiếp và đã có sức bật, được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao. Trung ương cũng nhận thấy vị trí quan trọng cũng như tiềm năng phát triển của tỉnh Thanh Hóa trong xu hướng phát triển chung của đất nước, của các khu vực lân cận là đồng bằng Sông Hồng, Bắc Trung bộ nên đồng ý có một nghị quyết để phát triển tỉnh Thanh Hóa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây cũng là thời cơ để Thanh Hóa bứt phá thực hiện khát vọng thịnh vượng, vươn tới phát triển hơn nữa trong thời kỳ công nghiệp. Tôi cũng như đông đảo cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên hưu trí kinh qua nhiều công việc, thời kỳ khác nhau rất mong muốn và thực sự phấn khởi trước kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng như ý kiến của các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị.
Nhờ có sự quan tâm của Trung ương mà Thanh Hóa mới được đầu tư, phát triển như hiện nay, đặc biệt là Khu kinh tế Nghi Sơn, Cảng hàng không Thọ Xuân và một số khu công nghiệp khác… Chính sự quan tâm ấy cùng với việc phát huy nội lực đã giúp tỉnh Thanh Hóa có nhiều bước phát triển bứt phá thành công. Sau khi tổ chức “Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa”, tỉnh Thanh Hóa càng thể hiện rõ hơn sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các Bộ, ngành trung ương, thể hiện sự quy tụ, các mối quan tâm thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.
Cá nhân tôi, lớp cán bộ chủ chốt của tỉnh đã nghỉ chế độ rất tự hào về những thành quả mà cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh đã làm. Tôi luôn theo dõi sát sao các sự kiện của tỉnh, đặc biệt là các nội dung liên quan đến việc Bộ Chính trị thông qua Đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và đồng ý ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết được ban hành sẽ đồng nghĩa với việc tạo cơ hội cho Thanh Hóa có cơ chế, chính sách phát triển, tháo gỡ vưỡng mắc; được sự chỉ đạo của Trung ương hơn nữa để thu hút đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp lớn trong nước.
Đồng chí Nguyễn Giang Nam, Phó giám đốc Sở Nội vụ:
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới
Trong thời gian tới, Bộ Chính trị sẽ ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là niềm vui rất lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, đồng thời cũng đặt ra nhiều thời cơ, thách thức đối với các cấp chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ.
Để các cấp chính quyền nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới cần xây dựng và phê duyệt quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đến năm 2030 phải cơ bản hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thôn, tổ dân phố theo quy định. Trước mắt, cùng với tổng kết việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 – 2021 cần tiến hành rà soát, quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để giai đoạn 2022-2030 thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Là tỉnh có hệ thống đô thị rộng lớn, gồm 2 thành phố, 2 thị xã, quy mô dân số đô thị chiếm 35% dân số, đây là thuận lợi để thí điểm tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị và xây dựng đô thị thông minh. Vì vậy, phải từng bước nghiên cứu, thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở một số đơn vị hành chính theo hướng tổ chức chính quyền một cấp để bảo đảm tính thông suốt, liền mạch, nhanh nhạy và chuyên sâu trong quản lý của chính quyền đô thị. Chính quyền các cấp cần tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Theo đó, cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và của các đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chủ động triển khai thực hiện đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; đổi mới, sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện... Cùng với đó, cần xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; hoàn thiện quy định về tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức; thực hiện chế độ thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh; thi tuyển để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý; đánh giá cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; đẩy mạnh thực hiện văn hóa công vụ, đổi mới phong cách làm việc. Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế; đẩy mạnh cơ chế tự chủ gắn với việc xây dựng đề án vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Để xây dựng chính quyền phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, chính quyền các cấp phải tiếp tục cải thiện và nâng cao chỉ số cải cách hành chính, thực hiện nghiêm quy định “4 tăng, 2 giảm, 3 không” trong giải quyết thủ tục hành chính, đẩy mạnh đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử; rà soát, đơn giản hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo hướng giảm thời gian đăng ký thành lập mới, nâng cao chất lượng của bộ phận tư vấn, hướng dẫn thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thức, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân:
Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn sẽ tạo cú hích để địa phương phát huy tiềm năng, thế mạnh
Thanh Hóa nói chung, Thọ Xuân nói riêng là vùng đất địa linh nhân kiệt với bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng; có vị trí chiến lược về phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh; có nhiều tiềm năng, lợi thế với nguồn lực to lớn về đất đai, con người, giao thông thuận tiện.
Theo quy hoạch vùng, huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt đến năm 2030 Thọ Xuân trở thành thị xã; Khu Lam Sơn – Sao Vàng là một trong 4 khu trung tâm kinh tế động lực của tỉnh, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp hàng không, điện tử viễn thông và du lịch di sản; là một trong 6 trung tâm vùng liên huyện của tỉnh; Cảng hàng không Thọ Xuân được quy hoạch là Cảng hàng không quốc tế,… Đó là điều kiện, thời cơ lớn để Thọ Xuân tiêp tục phát triển đi lên trong thời gian tới.
Đặc biệt, việc Bộ Chính trị chính thức thông qua Đề án và đồng ý ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với nhiều nội dung quan trọng, nhất là quan điểm xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh có tính đột phá, khả thi cao phù hợp với chiến lược phát triển chung của các vùng, của quốc gia sẽ tạo cú hích để địa phương phát huy tiềm năng, thế mạnh, thực sự là động lực to lớn để Thọ Xuân tăng tốc phát triển trong tương lai.
Nhận thấy những cơ hội và thách thức khi nghị quyết đi vào thực tiễn, nhất là việc triển khai cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn huyện Thọ Xuân tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đặc biệt, với vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển kinh tế, huyện tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đúng các tiềm năng, thế mạnh và lợi thế, nắm bắt thời cơ, vận hội mới từ các dự án lớn trên địa bàn huyện và các dự án lớn ở vùng lân cận để định hướng phát triển, xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho giai đoạn tới, đảm bảo phù hợp với tình hình mới; biến tiềm năng, thế mạnh và những thời cơ, vận hội mới thành nguồn lực, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, trước mắt, huyện tập trung cao nhất cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 và chuẩn bị các định hướng lớn cho nhiệm kỳ 2020 - 2025.