Xây dựng và triển khai Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng
Ngày 14/6, Tổ công tác xây dựng và triển khai Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng đã họp triển khai nhiệm vụ.
Đến hết năm 2022, tỉnh Sơn La có 666.877,7 ha rừng, độ che phủ 47,3%. Diện tích rừng của tỉnh có chức năng phòng hộ đầu nguồn cho các công trình thủy điện quốc gia trên sông Đà, gắn với sinh kế của gần 85% dân số nông thôn trên địa bàn tỉnh. Ngày 17/06/2022, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 176/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng ý chủ trương cho phép tỉnh Sơn La xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác xây dựng và triển khai Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng, tham mưu giúp việc cho UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án. Đến nay, Tổ công tác đã xây dựng dự thảo Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng giai đoạn đến năm 2030 và tổ chức xin ý kiến tham gia của các thành viên Tổ công tác. Với mục tiêu bảo vệ rừng tự nhiên, tăng cường khả năng phòng hộ của rừng đầu nguồn, trồng mới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để tăng khả năng hấp thụ các-bon; tạo nguồn tài chính ổn định phục vụ bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ, quản lý và phát triển rừng, đóng góp tích cực vào giảm phát thải khí nhà kính… Trong đó, giai đoạn 1 (2023-2025), thí điểm thực hiện bán tín chỉ các-bon rừng trên diện tích 2.000 ha; giai đoạn 2 (2026-2030) từ 10.000-50.000 ha và giai đoạn 3 (từ năm 2030) triển khai trên toàn bộ diện tích rừng tự nhiên của tỉnh.
Tại cuộc họp, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, cơ quan thường trực của Tổ công tác đã báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia vào Đề án của các ngành thành viên. Đồng thời, đề nghị các thành viên Tổ công tác tiếp tục nghiên cứu, tham gia hoàn thiện Đề án bảo đảm theo đúng quy định pháp luật, báo cáo UBND tỉnh trình Bộ Nông nghiệp và PTNT thẩm định, trình Chính phủ phê duyệt.