Xây dựng văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Từ khi thành lập tỉnh đến nay, Vĩnh Phúc luôn quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển văn hóa, con người, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng trong định hướng phát triển quê hương, đất nước trong thời kỳ mới.
Vĩnh Phúc là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa, là một trong những cái nôi của người Việt cổ gắn với nền văn hóa, văn minh sông Hồng rực rỡ. Trải qua quá trình tồn tại lâu dài, mảnh đất này đã kết tinh, bồi đắp nên các giá trị di sản văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc, tạo điểm tựa, sức mạnh tinh thần để hình thành nên những đặc điểm của con người Vĩnh Phúc.
75 năm qua (12/2/1950 - 12/2/2025), Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc luôn phát huy truyền thống quê hương cách mạng, nỗ lực xây dựng tỉnh ngày càng phát triển giàu mạnh.
Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, bên cạnh phát triển kinh tế, Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển văn hóa, tạo môi trường để giáo dục, hoàn thiện nhân cách, định hướng phát triển con người Vĩnh Phúc phát triển toàn diện, hội tụ đủ “đức, trí, thể, mỹ”, nổi bật là Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Sau 2 năm triển khai thực hiện nghị quyết, Vĩnh Phúc đã có những bước phát triển mới, tạo động lực quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững, toàn diện.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng lẫn chiều sâu, góp phần động viên nhân dân hăng hái tham gia xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đấu tranh đẩy lùi các tệ nạn xã hội và tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Số gia đình, cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa ngày càng tăng. Năm 2024, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 93%. Tỷ lệ thôn, tổ dân phố văn hóa đạt trên 95%.
100% các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, góp phần bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời xây dựng các giá trị văn hóa mới phù hợp với đặc điểm, tình hình của cộng đồng dân cư và tuân thủ quy định của pháp luật. Các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ văn hóa dần đi vào nền nếp, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa lành mạnh của nhân dân.
Hằng năm, tỉnh tổ chức nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim miễn phí phục vụ nhân dân nông thôn, miền núi và công nhân các khu công nghiệp; phát triển các loại hình câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật quần chúng trong nhân dân.
Qua đó góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân, định hướng người dân hướng tới các giá trị văn hóa lành mạnh, bổ ích; từng bước thu hẹp khoảng cách về mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần giữa khu vực thành thị, nông thôn và miền núi.
Các thiết chế văn hóa - thể thao cấp tỉnh được khai thác, phát huy hiệu quả. Hằng năm, Thư viện tỉnh cấp mới và đổi lại thẻ thư viện cho khoảng 700 bạn đọc, phục vụ tại phòng đọc và mượn sách, báo hơn 9 nghìn lượt. Bảo tàng, Văn miếu tỉnh đón và phục vụ khoảng 40 nghìn lượt khách tham quan.
Hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở không ngừng được hoàn thiện, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của quần chúng nhân dân. Một số lễ hội truyền thống được phục dựng, bảo tồn; nhiều di tích lịch sử - văn hóa được đầu tư tu bổ, tôn tạo; qua đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Phong trào tập luyện và thi đấu các môn thể thao ngày càng phát triển, thu hút đông đảo người dân tham gia. Thể thao thành tích cao để lại nhiều dấu ấn quan trọng. Năm 2024, các vận động viên của tỉnh tham gia thi đấu 31 giải thể thao quốc gia, quốc tế, giành được 208 huy chương, trong đó có 74 Huy chương Vàng, 47 Huy chương Bạc, 87 Huy chương Đồng.
Vĩnh Phúc đăng cai tổ chức thành công nhiều giải thể thao quy mô quốc gia, khu vực như Giải Bóng chuyền Cúp các câu lạc bộ châu Á; Giải Bóng chuyền nữ 4 nước Đông Nam Á; Giải Vô địch trẻ và thiếu niên vật dân tộc quốc gia lần thứ XXIV...
Tỉnh chú trọng đẩy mạnh các giải pháp xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong nhà trường, xây dựng mỗi trường học, cơ sở giáo dục thực sự là trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người phát triển toàn diện; đưa vào chương trình giảng dạy các làn điệu dân ca, âm nhạc truyền thống; coi trọng giáo dục lịch sử, văn hóa truyền thống của đất nước và bản sắc văn hóa Vĩnh Phúc cho thế hệ trẻ.
Tập trung đầu tư nguồn lực phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch, trong 2 năm (2023, 2024), UBND tỉnh đã phân bổ hơn 1.100 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa, trong đó tập trung thực hiện Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu và Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 71 của HĐND tỉnh về cơ chế hỗ trợ đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019-2025.
Đặc biệt, tỉnh đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội hóa cho các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng.
Trong các năm tiếp theo, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.