Xây dựng văn hóa đọc từ hội sách

Đọc sách không chỉ bổ sung kiến thức mà còn phát triển mạnh mẽ về trí tuệ và khả năng ngôn ngữ.

Trong 3 ngày, từ 14-16.6, tại Trung tâm Học tập, sinh hoạt thanh thiếu nhi tỉnh, Ngày hội Sách và Văn hóa đọc do UBND tỉnh tổ chức diễn ra với nhiều hoạt động, diễn đàn hướng đến chủ đề “Gieo mầm tình yêu sách đối với trẻ em, hướng tới bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”. Đặc biệt, với sự tham gia của 6 đơn vị là nhà xuất bản (NXB), nhà phát hành sách đã mang đến cho người yêu sách Tây Ninh hơn 23.000 quyển sách với nhiều thể loại phong phú.

Sách - sân chơi bổ ích cho trẻ

Đây là lần thứ ba, Tây Ninh tổ chức Ngày hội Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Ngày hội sách đã thực sự lan tỏa giá trị sâu rộng của sách, của văn hóa đọc trong cộng đồng, đặc biệt là đối với các em học sinh, sinh viên. Đang vào những ngày hè, hội sách đón chào rất nhiều những độc giả nhỏ tuổi.

Các gia đình tham gia hội thi “Gia đình đọc sách”.

Tại gian hàng sách của NXB Trẻ, em Lê Minh Danh (lớp 7, Trường THCS Trần Hưng Đạo, thành phố Tây Ninh) lúc thì xếp lại sách, lúc lại tư vấn, giới thiệu sách cho khách hàng có nhu cầu. Minh Danh cho biết, khi thấy các anh chị ở NXB Trẻ đang bận rộn trưng bày sách, chuẩn bị cho Ngày hội sách diễn ra, em đã xin được “phụ một tay” và được các anh chị phát cho đồng phục của đơn vị. Vậy là, Danh trở thành tình nguyện viên trong 3 ngày diễn ra hội sách.

“Đây là lần đầu con làm tình nguyện viên, con muốn được trải nghiệm và có thêm kinh nghiệm trong hoạt động xã hội cho bản thân. Tại đây, con sẽ phụ các anh chị trưng bày sách, tư vấn sách giúp mọi người có thể tìm đọc những loại sách mà mình yêu thích. Lúc rảnh rỗi, con còn có thể đọc sách. Con thích các thể loại sách tâm lý học, tâm lý tội phạm”- Minh Danh chia sẻ.

Minh Danh cũng cho biết, người tạo sở thích đọc sách cho em là mẹ. Trước đây Danh không đọc nhiều, nhưng mẹ đã tạo thói quen ấy cho em. Sau này khi dần lớn lên, Danh dần hiểu được những lợi ích của việc đọc sách, nhất là khi học môn Ngữ văn ở trường, những điều hay từ sách càng được em cảm nhận rõ ràng hơn.

Danh chia sẻ kinh nghiệm đọc sách của bản thân: “Khi đọc sách, con thường ghi chú lại những câu văn ý nghĩa, những bài học tâm đắc để ghi nhớ nội dung lâu hơn. Đọc sách sẽ mang lại nhiều kiến thức, giúp con mở mang tầm mắt, nhìn được thế giới bằng con mắt thiết thực hơn, giảm bớt những điều tiêu cực trong cuộc sống”.

Với chị Hoàng Thị Ngọc (giáo viên Trường mầm non Thái Bình, huyện Châu Thành), hội sách lần này có ý nghĩa rất lớn trong ngày hè của con. Hai mẹ con đến hội sách, sau khi đi một vòng lựa mua, chị Ngọc đưa con đến tham gia chương trình “Bé trang trí bìa sách” do Thư viện tỉnh tổ chức. Con chị Ngọc năm nay 9 tuổi, bé rất thích đọc truyện cổ tích và sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

“Tôi thấy hội sách lần này có rất nhiều thể loại phù hợp với các bạn trẻ, đặc biệt là các em thiếu nhi. Tôi nghĩ bé thích đọc sách là do thói quen được hình thành ngay từ nhỏ. Từ khi bé chưa biết đọc sách, mẹ có thể đọc cho con nghe mỗi tối với những truyện tranh hoặc những quyển sách có nội dung giáo dục trẻ nhỏ. Những hình ảnh sống động từ truyện tranh sẽ thu hút trẻ, từ đó, con lớn lên sẽ gần gũi và yêu thích đọc sách hơn”- chị Ngọc chia sẻ.

Sách - góp phần bảo vệ trẻ trên không gian mạng

Một trong những chương trình nổi bật tại Ngày hội Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba, năm 2024 là tọa đàm “Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”. Hiện nay, trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, trẻ em sớm tiếp cận với internet. Bên cạnh những mặt tích cực như nhận được nhiều thông tin, kiến thức hữu ích thì trên môi trường mạng cũng có không ít cạm bẫy, rủi ro, nhiều đối tượng lợi dụng truyền bá những thông tin xấu, độc làm ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ em, dễ xảy ra tình trạng trẻ em bị dụ dỗ và xâm hại.

Xây dựng văn hóa đọc từ những hội sách.

Theo nhà văn Võ Thu Hương, khi chúng ta bước ra xã hội, cần trang bị nhiều kiến thức. Trong đó, việc đọc sách là để kiến thức thêm phong phú, tấm lòng mình cởi mở hơn. “Tôi tin, ngoài việc học từ người thầy và trong xã hội, thì không thể thiếu việc học từ sách. Đọc sách không chỉ để giải trí, mà còn để nâng cao trí tuệ, để học hỏi. Ví dụ nhà văn như tôi, đọc sách để biết mình viết đủ hay chưa, cần phải học hỏi thêm gì từ những nhà văn khác. Như bác sĩ, ngoài sách chuyên môn, cần đọc sách tâm lý, văn học để hiểu nhân tâm, hiểu được nỗi đau của bệnh nhân. Và tôi tin, những bác sĩ đó sẽ giỏi hơn rất nhiều những bác sĩ chỉ biết về chuyên môn. Việc đọc sách cũng làm giảm nguy cơ trên mạng. Bởi khi chúng ta tìm được những thông tin tốt, từ những kênh thông tin chính thống, chắc chắn sẽ giảm những nguy cơ, những thông tin xấu”- nhà văn Võ Thu Hương bộc bạch.

Đọc sách không chỉ bổ sung kiến thức mà còn phát triển mạnh mẽ về trí tuệ và khả năng ngôn ngữ. Tại Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm nay, mọi người còn được tìm hiểu cách để tạo thói quen và duy trì việc đọc sách tại buổi tọa đàm “Phương pháp đọc sách - Kỹ năng thu thập kiến thức”.

Tại đây, ông Nguyễn Anh Dũng- Giám đốc Công ty cổ phần SBOOKS chia sẻ cách để đọc một quyển sách hiệu quả, tạo thói quen duy trì việc đọc sách lâu dài, việc gia đình nên quan tâm và động viên con cái có cách nhìn tích cực trong việc đọc sách…

“Thông qua các hoạt động tại Ngày hội Sách và Văn hóa đọc, em thấy mình có thêm nhiều kiến thức từ các buổi tọa đàm. Em nghĩ mình sẽ tập thói quen đọc sách, cố gắng đọc sách nhiều hơn nữa”- bạn Nguyễn Ngọc Hải My, học sinh Trường THPT Tây Ninh chia sẻ.

Khải Tường

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/xay-dung-van-hoa-doc-tu-hoi-sach-a174204.html