Xây dựng văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn thành phố Lào Cai
Du lịch văn hóa đang trở thành xu thế chủ đạo trong chiến lược phát triển của ngành du lịch nước ta nói chung và tỉnh Lào Cai, thành phố Lào Cai nói riêng.
Thành phố Lào Cai - Với đặc điểm lịch sử hình thành và thuận lợi về vị trí địa lý và vị thế của mình, là một thành phố nơi biên cương của Tổ quốc, giáp với huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, đóng vai trò trung tâm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là cầu nối, cửa ngõ không chỉ của Việt Nam mà còn cả các nước ASEAN với thị trường tỉnh Vân Nam và miền Tây Nam (Trung Quốc); là nơi tập trung nhiều tiềm năng, giá trị văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc, có một vai trò đặc biệt trong trong sự hình thành và phát triển của tỉnh Lào Cai, đồng thời đây cũng chính là tiềm năng lớn để thành phố trở thành trung tâm du lịch của tỉnh.
Thời gian qua, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa được đặc biệt quan tâm, là động lực thúc đẩy phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Thành phố Lào Cai hiện có 10 di tích lịch sử, trong đó có 05 di tích được xếp hạng di tích cấp Quốc gia gồm: Đền Thượng, Đền Mẫu, Đền Cấm, Di tích khu căn cứ cách mạng Cam Đường, Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lào Cai; 05 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh gồm: Đền Đôi Cô - Chùa Cam Lộ, Đền Quan, Đền Vạn Hòa, đền Ngòi Bo, Khu di tích lịch sử Trung tâm kỹ thuật nghiệp vụ C17 - Bộ Công An. Có 01 Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là Lễ hội Đền Thượng (còn gọi là Lễ hội làng Lão Nhai), là một nét văn hóa riêng, là sự kiện văn hóa quan trọng được tổ chức vào dịp rằm tháng giêng hàng năm nhằm tôn vinh và tưởng nhớ đến công đức của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Cây đa nằm trong khu di tích Quốc gia Đền Thượng được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là 'Cây di sản Việt Nam' góp phần làm tăng thêm giá trị lịch sử, văn hóa và môi trường của khu di tích lịch sử Đền Thượng.
Đối với di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn thành phố Lào Cai cũng hết sức đa dạng với nhiều sắc thái văn hóa đặc sắc, hấp dẫn. Đây là nguồn lực văn hóa giàu giá trị, là nền tảng tạo nên các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, như Nghi lễ Then của người Tày; Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy; Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Kéo co của người Tày, người Giáy; Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Xa Phó; Lễ cúng rừng, Tết cơm mới... văn hóa ẩm thực các dân tộc vô cùng đặc sắc như: loại hình canh tác lúa nếp làm cốm và các sản phẩm từ cốm ở Hợp Thành; làm cơm lam, các loại bánh ở Cốc San; chợ phiên văn hóa Tả Phời - Hợp Thành... đều tạo ra vẻ đẹp hấp dẫn của du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm.
Đến với thành phố Lào Cai, đặc biệt các mô hình trải nghiệm trên địa bàn các xã, du khách được thưởng thức các món ẩm thực đặc trưng của các tộc người như: Tày, Dáy. Không chỉ thưởng thức ẩm thực, du khách còn được trải nghiệm cuộc sống, tìm hiểu các phong tục tập quán, các nghề truyền thống của các dân tộc ít người như: làm ruộng, hái chè, câu cá, thêu thùa, làm hương... Đây là nguồn tài nguyên du lịch, là tiềm năng phát triển và tạo sinh kế cho người dân. Bảo tồn giá trị văn hóa trong phát triển dịch vụ, du lịch ở các thôn, xã có đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống đã và sẽ tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân.
Du lịch văn hóa đã khơi dậy niềm tự hào của người dân về văn hóa truyền thống dân tộc, quảng bá hình ảnh của mảnh đất và con người thành phố Lào Cai văn minh, lịch sự, thân thiện, kỷ cương đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
V.T.T.D - Ảnh Dương Toản/ Du lịch Lào Cai