Xây dựng văn hóa giao thông

6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc xảy ra 12.350 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 5.343 người, bị thương 9.552 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 1.665 vụ, giảm 634 người chết, tăng 2.426 người bị thương.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mặc dù, 40 tỉnh, thành phố có số người chết do TNGT giảm nhưng còn 23 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ năm trước; đặc biệt 2 tỉnh Thừa Thiên Huế, Bến Tre có số người chết tăng trên 40%.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chỉ ra nguyên nhân đầu tiên vẫn là ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn chưa cao. Điều này thể hiện rõ ở những con số thống kê dưới đây.

Lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý 2.136.205 trường hợp vi phạm TTATGT; 501.435 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 2.901 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy; 501.009 trường hợp chạy quá tốc độ cho phép; 30.762 trường hợp chở hàng quá tải; 82 vụ đua xe trái phép; 765 đối tượng có hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng; 78 vụ chống người thi hành công vụ...

Rõ ràng, hầu hết những vụ việc khiến tình hình TTATGT diễn biến phức tạp xuất phát từ những lỗi vi phạm thuộc về ý thức chủ quan của người tham gia giao thông khi thống kê của cơ quan chức năng có đến 95% số vụ TNGT xảy ra xuất phát từ ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện.

Các chuyên gia giao thông cho rằng, muốn giảm số vụ TNGT, giảm số người chết và bị thương đòi hỏi phải tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Nhưng, điều quan trọng đầu tiên vẫn là ý thức tự giác chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT của mỗi người. Trong đó việc xây dựng văn hóa giao thông trước mắt sẽ có tác dụng hạn chế ùn tắc, TNGT trong điều kiện hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội. Về lâu dài, việc tuân thủ pháp luật về giao thông trong người dân sẽ góp phần tạo ra môi trường giao thông an toàn và văn minh hơn.

Để xây dựng văn hóa giao thông, ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của người thực thi công vụ về giao thông thì việc chấp hành pháp luật về bảo đảm TTATGT và hành vi ứng xử có văn hóa của người tham gia giao thông là một trong các nội dung quan trọng nhất, có tính quyết định trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông và TNGT.

Theo đó, các hành vi ứng xử trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu, tiếp đến là thực hiện đúng luật định, gương mẫu và tôn trọng những người liên quan, bảo đảm an toàn tài sản, an toàn công cộng và trật tự công cộng. Để làm được điều này, cần phải loại bỏ các hành động, như: điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia; không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; vượt đèn đỏ, dừng đỗ đèn đỏ không đúng quy định; chen lấn làn, bóp còi liên tục, bật đèn pha trong phố; đi ngược chiều... Những hành vi trên không chỉ gây phiền toái mà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn cho chính người vi phạm và những người xung quanh.

Bên cạnh việc tuân thủ nghiêm túc Luật Giao thông đường bộ, người tham gia giao thông một cách văn hóa còn cần có tính cộng đồng. Tính cộng đồng chính là việc xử sự, là mối quan hệ giữa con người với con người khi tham gia giao thông. Điều này thể hiện qua việc không chen lấn, việc cứu giúp người khác bị rủi ro khi tham gia giao thông, như cấp cứu người bị nạn, chủ động đưa người già, yếu, trẻ nhỏ qua đường; cùng với cảnh sát giao thông phê bình, ngăn chặn hành vi sai phạm của người khác...

Thiết nghĩ, để hình thành và duy trì nếp văn hóa giao thông, xây dựng văn hóa giao thông, cùng với sự thay đổi nhận thức và hành động của mỗi người dân, Nhà nước cần sớm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề án chính sách về an toàn giao thông, đến xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xay-dung-van-hoa-giao-thong-post479040.html