Xây dựng văn hóa kinh doanh lấy chữ 'Tín' làm trọng
GS. Bùi Tất Thắng - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nêu đề xuất về xây dựng nét đặc trưng văn hóa trong kinh doanh tại Hội thảo khoa học 'Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại'.
Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”:
GS. Bùi Tất Thắng cho rằng với tư cách là Thủ đô của đất nước, Hà Nội có sứ mệnh rất cao cả và rõ ràng về xây dựng mô hình, kiểu mẫu phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, kết hợp yếu tố truyền thống dân tộc với yếu tố hiện đại quốc tế, để vừa phát triển Thủ đô, vừa làm động lực phát triển của cả nước và hội nhập quốc tế.
Theo GS. Bùi Tất Thắng, để thực hiện những mục tiêu trên, Hà Nội cần phát huy những yếu tố văn hóa truyền thống tốt đẹp, có ý nghĩa góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển chung. Điều này phải thể hiện qua những hành vi cụ thể của con người, là cách thức hành xử hàng ngày của con người trong quan hệ mua - bán, kinh doanh trên thị trường, để chúng thực sự “lắng đọng lại trong tâm trí của mỗi cá nhân con người khi tham gia, chứng kiến, quan sát” và gây được “ấn tượng sâu sắc về nét đẹp văn hóa đặc trưng” của Thủ đô Hà Nội, “được lưu truyền qua không gian và thời gian”.
“Hà Nội nên và cần là nơi đi đầu trong xây dựng văn hóa kinh doanh mẫu mực của cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với nội hàm cụ thể là “con người giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý. Tôi cho rằng, Hà Nội nên phát động một phong trào rộng khắp xây dựng văn hóa kinh doanh lấy chữ “Tín” làm trọng. Bất kể những cá nhân kinh doanh, những tập đoàn, công ty, doanh nghiệp,.... đóng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đều tham gia hưởng ứng phong trào này”, GS. Bùi Tất Thắng nêu quan điểm.
Về lý do nên tổ chức phong trào xây dựng văn hóa kinh doanh lấy chữ “Tín” làm trọng, GS. Bùi Tất Thắng nhấn mạnh: "Trong kinh doanh, tín có nghĩa là uy tín và trách nhiệm, là chuẩn mực cùng nhau hợp tác lâu dài để phát triển. Giữ chữ tín trong kinh doanh là sự cam kết về chất lượng, số lượng sản phẩm và thời hạn đúng với những gì đã cam kết với khách hàng. Nếu không giữ được chữ tín, sớm muộn gì cũng sẽ bị loại trừ khỏi thị trường. Vì lẽ đó, trong kinh doanh, chữ tín có giá trị định đoạt đối với sinh mạng của nhà cung cấp, nên được xem còn quý hơn vàng”.
Theo GS. Bùi Tất Thắng, phong trào xây dựng văn hóa kinh doanh lấy chữ “Tín” làm trọng mang đậm nét văn hóa của Thủ đô, gắn với chủ trương “xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, với tất cả mọi người và tổ chức tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mục tiêu cụ thể của phong trào xây dựng văn hóa kinh doanh này là sao cho những người tiêu dùng, bất kể là ai: Trong nước, ngoài nước, tiêu dùng trực tiếp hay tiêu dùng cho sản xuất, đều cảm nhận được bằng trải nghiệm thực tế, rằng mua hàng hóa và dịch vụ do người kinh doanh trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đều rất tin tưởng, vì ở đó, người bán quảng cáo, cam kết thế nào thì bán hàng đúng như vậy.
Làm được điều này, danh thơm Thủ đô Hà Nội chắc chắn được lưu truyền, làm tiền đề mở rộng ra phong trào xây dựng văn hóa kinh doanh văn minh ra cả nước; vừa kế thừa, tiếp nối nét đẹp văn hóa truyền thống, vừa xây dựng văn hóa kinh doanh trong nền kinh tế thị trường hiện đại, mở cửa.
“Để gây dựng phong trào này, thời kỳ đầu chắc chắn sẽ rất khó khăn. Vì là một nét đẹp văn hóa nên không ai phản đối và ai cũng nhận thấy lợi ích từ việc tất cả mọi người cùng làm như vậy. Nhưng cái khó chính là ở chỗ, nhiều người chưa tin: mình làm, nhưng liệu tất cả những người khác có cùng làm hay không? Ở góc độ kinh tế, sự tiết kiệm chi phí cho mỗi cá nhân và toàn xã hội lại nằm ở điểm tất cả mọi người phải cùng làm, cùng xác tín và cùng tin tưởng lẫn nhau. Vì thế, rất cần sự hỗ trợ mạnh từ quy định mang tính pháp luật và thực thi pháp luật, để cho những hành vi lừa đảo trong kinh doanh không thể tồn tại ở địa bàn Thủ đô”, GS. Bùi Tất Thắng bày tỏ.
Cũng theo GS. Bùi Tất Thắng, Hà Nội nên lập một Quỹ về xây dựng văn hóa kinh doanh ở Thủ đô Hà Nội để hỗ trợ công tác truyền thông và khen thưởng. Nên đặt ra một giải thưởng danh giá về “Kinh doanh văn minh”. Hằng năm, nên tổ chức trao giải kinh doanh văn minh cho cá nhân, tổ chức kinh doanh trên địa bàn Thủ đô do người tiêu dùng bình chọn.