Xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực
Năm 2023, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng quyết liệt, đồng bộ, đạt được nhiều kết quả toàn diện cả ở Trung ương và địa phương, cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước; góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường, củng cố thêm niềm tin của Nhân dân.
Khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó lần đầu tiên có 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, 24.162 đảng viên; trong đó, thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng, 8.863 đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm.
Điểm nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm qua là đã đề cao, khuyến khích cán bộ nghiêm khắc nhận trách nhiệm chính trị, tự nguyện từ chức, nghỉ công tác khi có sai phạm, khuyết điểm hoặc để cán bộ cấp dưới, tổ chức đảng vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng phải xử lý kỷ luật; kịp thời thay thế, bố trí công tác khác đối với cán bộ bị kỷ luật, uy tín thấp. Đã xem xét, cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 9 cán bộ diện Trung ương quản lý; các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác hơn 360 trường hợp sau khi bị kỷ luật, trong đó có hơn 90 cán bộ thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý.
Hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả, tạo chuyển biến mới, rõ rệt trong công tác PCTNTC ở địa phương, cơ sở, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Nhiều địa phương đã phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng xảy ra từ nhiều năm trước; khởi tố cả cán bộ diện Trung ương và tỉnh ủy, thành ủy quản lý, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các sở, ngành, cán bộ chủ chốt cấp huyện...
Với Bình Thuận, công tác PCTNTC được đặc biệt quan tâm, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên cho chủ trương giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác nội chính. Nhất là những vấn đề vụ việc được dư luận xã hội quan tâm; đã đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ xử lý 11 vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, quản lý. Đến nay, tòa án đã đưa ra xét xử 3/5 vụ án liên quan đến an ninh trật tự; 2/11 vụ việc, vụ án tham nhũng tiêu cực. Đối với công tác thi hành kỷ luật đảng được thực hiện thận trọng, chặt chẽ; cấp ủy các cấp đã thi hành 10 tổ chức đảng bằng hình thức khiển trách 8, cảnh cáo 2; thi hành kỷ luật 77 đảng viên; Ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật 62 đảng viên, trong đó có 30 đảng viên là cấp ủy viên các cấp. Nội dung vi phạm chủ yếu: thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, những điều đảng viên không được làm, trong chỉ đạo, triển khai thực hiện đấu thầu mua sắm kít xét nghiệm liên quan đến Công ty Việt Á…
Phòng, chống tham nhũng trong các lĩnh vực dễ phát sinh
Nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới: Cần tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và PCTNTC, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; về bảo vệ người tố cáo, cung cấp thông tin về tham nhũng, tiêu cực; về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; về xử lý tài sản liên quan đến vụ án trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử; về thanh toán không dùng tiền mặt...
Thực hiện hiệu quả các Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong công tác cán bộ; trong hoạt động kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và trong công tác xây dựng pháp luật, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Chỉ đạo tăng cường, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm. Tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo theo kế hoạch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.