Xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật: Hành trình dựng xây quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình
Trong bài viết 'Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình', Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra một thông điệp mạnh mẽ: xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật phải trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội.
Đây không chỉ là yêu cầu của tiến trình đổi mới thể chế đã được chỉ ra trong Nghị quyết 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị "về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới", mà còn là chìa khóa để Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình, xây dựng quốc gia giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng. Trong bối cảnh cả nước đang tinh gọn bộ máy, sáp nhập các đơn vị hành chính, cải cách thủ tục hành chính, thông điệp của Tổng Bí thư trở nên sống động hơn bao giờ hết, nhắc nhở toàn xã hội: không có phát triển bền vững nếu thiếu một nền văn hóa thượng tôn pháp luật, không có niềm tin xã hội nếu thiếu công bằng, minh bạch từ luật pháp.

Một góc Thành phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Từ những ngày đầu dựng nước, dân tộc ta đã ý thức rõ vai trò của luật pháp. Những bộ luật Hồng Đức, Gia Long từng đặt nền móng cho một xã hội có kỷ cương, phép nước. Đến hôm nay, trải qua 80 năm kể từ khi thành lập Nhà nước Công nông, hệ thống pháp luật Việt Nam đã đạt được những bước tiến vượt bậc, bao quát hầu hết lĩnh vực đời sống xã hội, trở thành khung khổ điều chỉnh, bảo vệ quyền lợi của người dân, kiến tạo môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế. Như trong bài viết “Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Chúng ta giành được độc lập, thống nhất, tự do, dân chủ, hòa bình, ổn định và phát triển vì chúng ta có Hiến pháp và thực thi thành công Hiến pháp và pháp luật.”
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng tự hào, trong bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng thẳng thắn chỉ ra những “điểm nghẽn” cố hữu như, tư duy xây dựng pháp luật trong một số lĩnh vực còn thiên về quản lý, chất lượng pháp luật chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; còn có những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, chưa rõ ràng, cản trở việc thực thi, không thuận lợi cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút và khơi thông nguồn lực đầu tư. Tổ chức thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu; thiếu cơ chế phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả...
Đặc biệt, nhìn từ thực tiễn, văn hóa tuân thủ pháp luật chưa trở thành nếp sống phổ biến. Đâu đó trong xã hội vẫn còn tình trạng né tránh pháp luật, “lách luật” hoặc chỉ tuân thủ khi bị cưỡng chế. Thực tế gần đây, khi TP Hà Nội ra quân xử phạt vi phạm giao thông qua hệ thống camera phạt nguội, nhiều người dân mới giật mình nhìn lại thói quen tùy tiện của mình. Khi một số địa phương thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính, giảm bộ máy, tinh giản biên chế, đã có không ít cán bộ, công chức đã tự điều chỉnh cách làm việc để thích ứng với yêu cầu mới. Những câu chuyện ấy minh chứng rằng: nếu thiếu một văn hóa tuân thủ, cải cách dù đúng, dù tốt, cũng khó đi vào cuộc sống.
Văn hóa tuân thủ pháp luật không đơn giản chỉ là chuyện “không vi phạm”, đó là ý thức tự giác tôn trọng pháp luật, coi việc tuân thủ như một lẽ tự nhiên. Khi doanh nghiệp tự giác kê khai thuế đầy đủ, khi người dân chấp hành tín hiệu giao thông, khi cán bộ tận tâm phục vụ Nhân dân đúng quy định, xã hội sẽ hình thành niềm tin, sự minh bạch. Trong bài viết, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh yêu cầu: “Tập trung xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội”.
Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn cải cách, đổi mới sâu rộng. Nghị quyết 66-NQ/TW vừa được Bộ Chính trị ban hành đã xác định rõ mục tiêu đến năm 2025 cơ bản tháo gỡ các “điểm nghẽn” pháp luật; đến năm 2030 có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, minh bạch; và đến năm 2045 tiệm cận chuẩn mực quốc tế.
Những mục tiêu này không thể chỉ dựa vào các văn bản, mà phải dựa vào niềm tin, vào thói quen, vào nếp nghĩ của mỗi người dân, mỗi tổ chức. Chính vì thế, xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật phải bắt đầu từ những việc rất cụ thể. Đó là sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên - những người “nói đi đôi với làm”, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa kiến thức pháp luật vào học đường, vào cộng đồng, giúp người dân dễ tiếp cận, dễ hiểu; nâng cao chất lượng dịch vụ công, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Và đặc biệt, đó là bảo đảm công bằng, minh bạch, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, để pháp luật thực sự trở thành “điểm tựa niềm tin”.

Văn hóa tuân thủ pháp luật không đơn giản chỉ là chuyện “không vi phạm”, đó là ý thức tự giác tôn trọng pháp luật, coi việc tuân thủ như một lẽ tự nhiên. Ảnh minh họa
Những chuyển động gần đây ở các địa phương chính là tín hiệu lạc quan cho hành trình ấy. Khi các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội quyết tâm “số hóa” quản lý dân cư, giảm giấy tờ, xóa bỏ sự trì trệ, gây phiền hà trong thực thi công vụ, giải quyết thủ tục hành chính, từ đó, người dân càng cảm nhận rõ hơn về một Nhà nước kiến tạo, phục vụ. Niềm tin xã hội từ đó được nâng cao, tinh thần tuân thủ từ đó cũng lan tỏa mạnh mẽ hơn.
Khát vọng vươn mình của dân tộc không chỉ nằm ở những con số tăng trưởng, mà còn nằm ở sự chuyển hóa trong tư duy xã hội, trên tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, xã hội kỷ cương, trách nhiệm; đó là con đường để Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.
Chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng nếu mỗi người dân Việt Nam đều ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tôn trọng và thực hiện pháp luật; mỗi cán bộ, đảng viên đều gương mẫu đi đầu; cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, chắc chắn Việt Nam sẽ bước vào kỷ nguyên mới bằng những bước chân vững chắc. Văn hóa tuân thủ pháp luật sẽ không còn là mục tiêu, mà sẽ trở thành dòng chảy tự nhiên trong đời sống, trở thành sức mạnh mềm để đất nước tiếp tục bứt phá, vươn mình ra thế giới.