Xây dựng văn hóa vì dân phục vụ
Xây dựng văn hóa công vụ là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa vô cùng to lớn trong cải cách hành chính theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, phục vụ nhân dân. Đồng thời góp phần hình thành thái độ, phong cách ứng xử chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức. Qua đó, tạo niềm tin, niềm tự hào, sự gắn kết đội ngũ cán bộ, công chức; phản ánh tầm nhìn, sứ mệnh, các mục tiêu chính của nền hành chính là phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội.
Nâng cao văn hóa công vụ
Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân.
Chủ trương, chính sách nêu trên đã được thể chế hóa trong các văn bản pháp luật của Nhà nước như: Luật Cán bộ, công chức năm 2008 đã quy định về văn hóa giao tiếp nơi công sở và văn hóa giao tiếp với nhân dân. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1847/QĐ-TTg phê duyệt Đề án văn hóa công vụ, xác định rõ mục tiêu là “nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội”.
Văn hóa công vụ chính là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, đạo đức, ý thức rèn luyện nâng cao năng lực bản thân phục vụ tốt công việc. Trong ảnh: Cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Phú Riềng - Ảnh: Trương Hiện
Thực hiện Quyết định số 1847/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án văn hóa công vụ, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 190/KH-UBND và Chỉ thị số 18/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh để triển khai thực hiện, trong đó quy định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung cụ thể mà từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải tổ chức thực hiện... Kết quả bước đầu đã góp phần nâng cao văn hóa công vụ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức; hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực, đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội.
Tận tụy trong thực thi nhiệm vụ
Những năm qua, được sự quan tâm, lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, ngành, việc xây dựng văn hóa công vụ đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã đạt kết quả nổi bật.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động luôn thể hiện sự tôn trọng và tận tụy với nhân dân trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ khi được tập thể, lãnh đạo phân công. Các cơ quan, tổ chức đã rà soát, sửa đổi hoặc ban hành quy chế làm việc, quy định rõ nguyên tắc làm việc, quan hệ công tác, cách thức và quy trình giải quyết công việc.
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã chú trọng nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Đa số cán bộ, công chức giữ vững phẩm chất đạo đức công vụ, gương mẫu, đoàn kết nội bộ; tuân thủ quy định về thời gian làm việc, nghiêm túc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không áp đặt tư tưởng chủ quan của bản thân cho cấp dưới, luôn tôn trọng, lắng nghe ý kiến đề xuất, góp ý từ cấp dưới, gương mẫu trong giao tiếp, ứng xử và trong thực thi nhiệm vụ.
Trong giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức, viên chức luôn tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn, giải thích từng nội dung yêu cầu của tổ chức, cá nhân; xử lý công việc theo đúng quy trình, trình tự thủ tục; thực hiện tốt khẩu hiệu “4 xin, 4 luôn” là “xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép” và “luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ” tạo mối quan hệ thân thiện với tổ chức, cá nhân.
Nhiều cơ quan đã bố trí hòm thư góp ý tại bộ phận tiếp nhận, trả kết quả và công khai số điện thoại để người dân, doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị về thái độ phục vụ của cán bộ, công chức. Một số cơ quan, tổ chức còn thường xuyên mở lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp cho cán bộ, công chức nhằm nâng cao khả năng giao tiếp, ứng xử trong thực thi công vụ. Qua đó, bước đầu cải thiện chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc, mang lại sự hài lòng cho người dân.
Bên cạnh kết quả đạt được, nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng văn hóa công vụ trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn chưa thực sự đầy đủ. Công tác tuyên truyền, giáo dục về văn hóa công vụ trong các cơ quan nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên; có lúc, có nơi còn thiếu nghiêm túc. Vẫn còn tình trạng cán bộ đi trễ, về sớm, năng lực trình độ của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu vị trí, việc làm…
Xây dựng nền hành chính minh bạch, hiệu quả
Trong thời gian tới, để xây dựng văn hóa công vụ ngày càng đi vào chiều sâu, đảm bảo tính chuyên nghiệp, năng động, minh bạch, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội trong bối cảnh mới hiện nay, chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, nghiêm túc quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, trong đó có văn hóa công vụ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Các cơ quan, đơn vị cần rà soát, sửa đổi quy định liên quan đến văn hóa công vụ trong phạm vi thẩm quyền để triển khai thực hiện phù hợp điều kiện, hoàn cảnh đặc thù của cơ quan. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung triển khai xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, công nghệ số theo lộ trình nhằm đổi mới mạnh mẽ phương thức chỉ đạo, điều hành, quản lý từ thủ công truyền thống sang điện tử. Tăng cường xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, giảm hội họp, giấy tờ hành chính; giảm chi phí và thời gian xử lý công việc.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tăng cường bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức về văn hóa công vụ. Ngoài ra, phải thường xuyên thanh, kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trên tất cả lĩnh vực công tác để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi vi phạm cũng như tuyên dương những tập thể, cá nhân có thành tích điển hình để nhân rộng, khen thưởng, động viên kịp thời.
Tiếp tục duy trì hoạt động, khai thác có hiệu quả hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, ưu tiên các cơ sở dữ liệu nền tảng phát triển chính quyền điện tử tỉnh, đô thị thông minh.
Đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong xây dựng, tổ chức thực hiện văn hóa công vụ. Người đứng đầu phải thực sự quan tâm, là tấm gương mẫu mực về văn hóa và đạo đức công vụ, giữ vững chuẩn mực đạo đức, lối sống, giao tiếp, ứng xử... Qua đó, góp phần xây dựng văn hóa công vụ trên địa bàn tỉnh Bình Phước gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực, đảm bảo số lượng và chất lượng, góp phần xây dựng nền hành chính của tỉnh ngày một chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/147260/xay-dung-van-hoa-vi-dan-phuc-vu