Xây dựng vùng nguyên liệu, chuỗi liên kết: Rộng đường cho nông sản xuất khẩu
Muốn nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp thì nông sản không chỉ bảo đảm nhu cầu tiêu dùng nội địa mà cần hướng đến xuất khẩu, nhất là các thị trường khó tính, cao cấp. Nhằm đạt mục tiêu này, ngoài đáp ứng hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu, Bắc Giang chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, tạo ra sản phẩm chất lượng cung cấp cho thị trường.
Hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung
Phúc Hòa (Tân Yên) là địa bàn có vùng trồng vải thiều sớm tập trung với quy mô hơn 700 ha, lớn nhất tỉnh. Địa phương được cấp hơn 20 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Úc. Những năm trước, do chất lượng hơn hẳn các xã trong huyện nên sản phẩm đã được xuất khẩu thành công sang nhiều quốc gia, trong đó có thị trường khó tính gồm: Nhật Bản, Úc, một số nước châu Âu và dần tiếp cận thêm thị trường mới.
Năm nay, tỷ lệ vải thiều sớm ra hoa, đậu quả đạt cao, thời điểm này đang ở giai đoạn quả non, cây sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn được mùa, được giá. Hộ anh Ngô Văn Cường, thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa có hơn 1 ha vải sớm, là một trong những điểm được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang Nhật Bản. Đây cũng là vườn vải hầu như năm nào cũng được mùa, hiện nay cây nào, cây ấy đều sai quả, không bị sâu bệnh.
“Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, tôi chỉ dùng tỏi, ớt ngâm và thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học phun phòng, trừ sâu, bệnh hại vải. Năm ngoái, vải của gia đình tôi được doanh nghiệp (DN) thu mua xuất khẩu sang Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc và tiêu thụ trong nước, thu lãi hơn 200 triệu đồng. Nếu thời tiết thuận lợi thì năm nay gia đình tôi tiếp tục được mùa vải” - anh Cường nói.
Kinh nghiệm cho thấy, để vải thiều vươn xa, khâu mấu chốt vẫn là chất lượng sản phẩm. Được biết, cơ quan chuyên môn của tỉnh và huyện Tân Yên đã lựa chọn các vùng trồng tiềm năng, từ đó tổ chức sản xuất bài bản trên cơ sở khai thác thế mạnh về kinh nghiệm sẵn có của người trồng vải tại địa phương. Mỗi mã vùng được cấp đều có một tổ sản xuất, giao cho một người làm trưởng mã.
Quá trình chăm sóc, thu hái có sự giám sát chéo lẫn nhau, bảo đảm tuân thủ quy trình kỹ thuật. Trong các đợt lấy mẫu xét nghiệm để đánh giá trước khi xuất khẩu, sản phẩm trong vùng đều đáp ứng tiêu chuẩn đề ra của nước nhập khẩu. Chất lượng sản phẩm là yếu tố sống còn để duy trì chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ một cách bền vững. Đây là tinh thần chỉ đạo xuyên suốt trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Vì vậy, không chỉ riêng vùng vải thiều sớm, những năm qua, huyện Tân Yên cũng quan tâm mở rộng diện tích, vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đáp ứng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Huyện duy trì các mã vùng trồng xuất khẩu vú sữa tại các xã: Tân Trung, Hợp Đức, Liên Sơn và thị trấn Cao Thượng; xây dựng vùng nguyên liệu rau chế biến, vùng trồng sâm có liên kết sản xuất ở một số xã.
Cùng với Tân Yên, các địa phương khác cũng chú trọng xây dựng các vùng sản xuất tập trung, vùng nguyên liệu cho xuất khẩu. Là địa bàn có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, huyện Lục Nam đã xây dựng vùng trồng cây ăn quả, rau màu tập trung quy mô lớn như: Vải (gần 6 nghìn ha); na (hơn 1,7 nghìn ha); nhãn (750 ha); rau chế biến (4 nghìn ha)..., tập trung tại các xã: Tam Dị, Chu Điện, Đông Phú, Bảo Đài...
Tại xã Đông Phú, năm nay, toàn xã trồng 175 ha đậu tương rau (tăng khoảng 50 ha so với năm 2023). Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Toàn Cầu (Lục Ngạn) và một DN khác ở nước ngoài đã ký hợp đồng bao tiêu hơn 100 ha với giá ổn định. Theo định hướng, quy hoạch vùng sản xuất của địa phương, nhiều hộ dân trên địa bàn xã tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn gieo trồng các loại cây rau màu cho hiệu quả kinh tế cao.
Đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đánh giá, sản xuất tập trung đã tạo thuận lợi cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; đáp ứng đủ nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.
Vùng nguyên liệu quy mô lớn, chất lượng đã tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Năm 2023, toàn tỉnh xuất khẩu khoảng 35 nghìn tấn rau chế biến, tăng 5 nghìn tấn so với năm 2022; xuất khẩu hơn 111 nghìn tấn vải thiều tới thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thái Lan…, tăng gần 76 nghìn tấn so với năm 2022. Tất cả các lô hàng xuất khẩu đều bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, quy định của thị trường nước nhập khẩu.
Đẩy mạnh liên kết
Hình thành vùng nguyên liệu lớn, tập trung đã khẳng định hiệu quả, tạo các chuỗi liên kết. Để thuận lợi trong tổ chức sản xuất, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-UBND ngày 18/1/2023 về việc phê duyệt kết quả “Rà soát, cập nhật, chỉnh sửa bản đồ số hóa các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng; các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”.
Năm 2023, toàn tỉnh xuất khẩu khoảng 35 nghìn tấn rau chế biến, tăng 5 nghìn tấn so với năm 2022; xuất khẩu hơn 111 nghìn tấn vải thiều sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thái Lan…, tăng gần 76 nghìn tấn so với năm 2022. Tất cả các lô hàng xuất khẩu đều bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, quy định của thị trường nước nhập khẩu.
Theo đó, xác định đến năm 2030, 8 huyện, thị xã (trừ Lục Ngạn và TP Bắc Giang) có 78 vùng sản xuất rau tập trung với tổng diện tích hơn 7,2 nghìn ha (trong đó có 23 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao); 42 vùng sản xuất vải tập trung với diện tích hơn 21,1 nghìn ha trên địa bàn 5 huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động, Yên Thế, Tân Yên; 16 vùng sản xuất bưởi, quy mô hơn 4 nghìn ha ở 6 huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Hiệp Hòa, Tân Yên, Lạng Giang; 9 vùng sản xuất cam tập trung với diện tích gần 3 nghìn ha ở 2 huyện: Lục Ngạn, Lục Nam.
Đến nay, cơ bản các vùng được hình thành, hoạt động sản xuất ổn định. Trong số đó, ngành nông nghiệp đã phối hợp cấp và duy trì hơn 230 mã số vùng trồng vải, nhãn, bưởi, vú sữa, dưa hấu, tổng diện tích hơn 17 nghìn ha phục vụ xuất khẩu; cấp và duy trì 71 mã số vùng trồng lúa, rau màu, cây ăn quả… với tổng diện tích gần 400 ha phục vụ tiêu thụ nội địa và tạo nguồn cung cho xuất khẩu.
Theo ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, để rộng đường cho nông sản xuất khẩu thì nông sản phải bảo đảm các điều kiện của quốc gia nhập khẩu như quy mô, kỹ thuật chăm sóc, chất lượng sản phẩm. Điều này sẽ được giải quyết bằng việc tổ chức lại hoạt động sản xuất. Toàn tỉnh có hơn 700 hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đây là lực lượng quan trọng để liên kết với người dân mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào các khâu, nâng chất lượng sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ. Tính riêng đối với vải thiều, đến nay, toàn tỉnh có 13 HTX, DN và hàng trăm hộ sản xuất đang tham gia vào hoạt động liên kết xuất khẩu loại trái cây này. Địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi để các DN đầu tư vào nông nghiệp.
Tại Hiệp Hòa, năm 2023, huyện đã hoàn tất các thủ tục cho Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu GOC (Lạng Giang) thuê 15 ha đất của người dân xã Xuân Cẩm để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Hiện Công ty đang liên kết với nhiều HTX, đơn vị sản xuất để cung ứng nguyên liệu đầu vào; mỗi năm tiêu thụ gần 20 nghìn tấn nông sản các loại.
Thực hiện chiến lược xuất khẩu hàng hóa tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh Bắc Giang tiếp tục thu hút những dự án sản xuất, chế biến nông sản hướng đến xuất khẩu gắn với vùng nguyên liệu. Quan tâm đàm phán, ký kết các điều kiện kinh doanh với đơn vị, quốc gia nhập khẩu giúp tạo sự thông thoáng trong xuất khẩu nông sản; nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở trong nước để đáp ứng điều kiện từ phía các nhà nhập khẩu (liên quan đến chiếu xạ, cơ sở đóng gói...).
Đi cùng với quá trình sản xuất, nhiều ý kiến đề xuất cần làm tốt công tác dự báo thị trường, từ đó xúc tiến tiêu thụ cho từng loại nông sản ở mỗi phân khúc thị trường một cách hợp lý, góp phần nâng cao giá trị nông sản, phát huy hiệu quả của các vùng nguyên liệu.
Trường Sơn - Mạc Yến