Xây dựng xã bản kiểu mẫu giữa lưng chừng mây
Nằm cheo leo trên đỉnh những sườn núi cao của dãy Hoàng Liên Sơn, xã Hồ Thầu, tỉnh Lai Châu tập trung chủ yếu là hai dân tộc người Dao và Kinh cùng sinh sống, trong đó người Dao chiếm tới 88,2% dân số. Từ khi có lực lượng Công an chính quy về xã, CBCS đã tăng cường vận động, tuyên truyền đến người dân nơi đây từ bỏ một số tập tục lạc hậu, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế, chung tay xây dựng xã miền núi kiểu mẫu, không ma túy.
Bản homestay trên đỉnh núi cao
Vượt qua những con dốc ngoằn ngoèo, có nhiều đoạn khúc cua tay áo, sau chừng hơn một giờ xe chạy từ trung tâm huyện Tam Đường, chúng tôi có mặt tại bản Sì Thâu Chải vào một ngày cuối tháng Tám nắng vàng như pha mật ong. Sì Thâu Chải là một trong 8 bản của xã Hồ Thầu. Bản nằm trên đỉnh núi cao nhất của xã Hồ Thầu với độ cao gần 1.500 mét so với mặt nước biển. Nơi đây chủ yếu là người dân tộc Dao sinh sống. Từ chân núi ngước nhìn lên, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là những rừng cây cổ thụ cao chót vót, xanh mốc, mạnh mẽ hiên ngang giữa đất trời Tây Bắc, như tượng trưng cho khí phách và lòng dũng cảm, thủy chung của những người dân nơi đây.
Một bãi đất rộng rãi, bằng phẳng ở ngay cổng chào dẫn vào bản. Đây là thành quả của cả dân bản cùng chung tay cuốc ủi, san gạt nhằm lấy chỗ phục vụ khách du lịch để phương tiện. Cổng chào của bản được người dân xây dựng khá đơn giản bằng những vật liệu tự nhiên như gỗ, tre, nứa nhưng ấn tượng, mang đậm văn hóa của người Dao. Con đường chính dẫn vào bản sạch sẽ, hai bên là những bức tường được xếp bằng đá xen lẫn với hàng cây cảnh điểm xuyết cùng những khóm hoa được người dân nơi đây bài trí đẹp mắt. Một bản người Dao phát triển du lịch, ngành công nghiệp không khói để thúc đẩy kinh tế của địa phương đang hy vọng trở thành hình mẫu cho rất nhiều những bản làm kinh tế homestay trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Đồng chí Tẩn Thị Nhẫn, Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng trong bản. Trong tâm trạng vui mừng, đồng chí Tẩn Thị Nhẫn cho biết, những năm trước, đời sống kinh tế của người dân trong bản gặp rất nhiều khó khăn. Sau rất nhiều trăn trở, Đảng ủy, UBND và các cấp, các ngành của xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường đã tìm ra được hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân nơi đây từ việc biến chính những bất lợi thành lợi thế riêng có đặc trưng.
Bản Sì Thâu Chải gần với những điểm du lịch mạo hiểm, trải nghiệm nổi tiếng như điểm dù lượn Tam Đường, Pu Ta Leng, nhiều homestay như A Pao. Tận dụng lợi thế thiên nhiên ưu đãi về địa hình và khí hậu, chính quyền đã tuyên truyền, vận động người dân trong bản sửa sang, cải tạo, xây dựng lại nhà cửa để đón khách du lịch. Ban đầu là những nhóm nhỏ du lịch theo hướng trải nghiệm leo núi, nhưng dần "tiếng lành đồn xa" về một vùng đất với khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp có thể ngắm mây, đón bình minh từ sớm, đã thêm ngày càng hấp dẫn du khách, nhất là sau khi COVID-19 được khống chế. Hiện nay trong bản có 5 hộ làm homestay và đến cuối năm con số này có thể tăng lên 15 gia đình.
Để tạo nên một cộng đồng đoàn kết, cùng phát triển, dưới sự tham mưu của Công an xã, hướng dẫn, sắp xếp của UBND xã Hồ Thầu, những hộ dân trong bản Sì Thâu Chải đã tăng cường phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Các gia đình có điều kiện làm homestay sẽ mua nguồn thực phẩm, đồ lưu niệm từ những hộ dân khác trong bản để phục vụ du khách cũng như tạo điều kiện cho những hộ này có thêm thu nhập. Du khách cũng được thưởng thức những món ngon, đặc sản địa phương từ chính bàn tay của dân bản làm ra. Một đội văn nghệ được tập hợp bởi chính những người dân trong bản, sưu tầm, khôi phục, phát triển lại những điệu múa cổ truyền của người Dao để phục vụ du khách. Vậy là, không chỉ riêng lễ, Tết, những khi có đoàn khách du lịch đông, được yêu cầu thì những điệu múa, tiếng khèn của các cô gái, chàng trai người Dao lại có dịp cất lên, làm say đắm biết bao du khách. Được sự hỗ trợ của tỉnh Lai Châu, UBND xã Hồ Thầu vận động người dân trồng những cây ăn trái mang đặc trưng của vùng Tây Bắc. Những rừng đào, lê, mận…được trồng bạt ngàn xung quanh bản, xã, vừa để giữ đất nhưng đồng thời cũng phục vụ cho khách du lịch tham quan, trải nghiệm, mua sắm sản vật địa phương, tạo sinh kế cho người dân.
Dẫn chúng tôi vào tham quan căn homestay sạch sẽ, mang đậm những nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc Dao, anh Phàn A Pao giới thiệu với khách du lịch như là một hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Trước đây gia đình anh đã có một homestay, song khách đến ngày một đông. Để đáp ứng nhu cầu của du khách, anh đã được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để xây dựng thêm nhà cộng đồng nằm trong mô hình homestay của bản. Diện tích của căn homestay được xây dựng mới có sức chứa khoảng 50 khách lưu trú/đêm. Ngoài anh Pao, nhiều hộ dân khác cũng được Nhà nước hỗ trợ để xây dựng homestay, liên kết phát triển du lịch cộng đồng. Thu nhập từ làm homestay đã giúp cho gia đình anh Phàn A Pao và các hộ dân trong bản, xã Hồ Thầu dần dần thoát nghèo, kinh tế ngày càng đi lên. Ý thức bảo vệ môi trường, nhận thức về pháp luật… của người dân trong bản, xã Hồ Thầu cũng ngày một được nâng cao.
Xây dựng xã, bản không ma túy
Cùng với Thiếu tá Giàng Văn Hảo, Trưởng Công an xã Hồ Thầu, chúng tôi đến thăm gia đình anh Đù Thanh Bình khi mặt trời đang dần xuống núi. Bữa cơm chiều trên đỉnh dãy Hoàng Liên Sơn với những món ăn gồm rau luộc, thịt lợn và cá suối được vợ anh chuẩn bị tươm tất để mời khách quý. Căn nhà gỗ với lối kiến trúc đặc trưng của người dân tộc Dao bên cạnh cũng đang được bà con dựng lên để làm homestay chuẩn bị đón du khách vào mùa thu khi những ruộng lúa bậc thang chín vàng sườn núi. Khi được hỏi về tình hình ANTT, anh Đù Thanh Bình hồ hởi, cho biết: "Xe máy của người dân trong bản cứ để ở ven đường, trong sân cả đêm lẫn ngày cũng không lo bị mất đâu. Từ khi có các đồng chí Công an chính quy về xã, người dân chúng tôi yên tâm lắm. Tình hình ANTT được đảm bảo tốt lắm cán bộ à!".
Dưới ánh lửa bập bùng, trong không khí se lạnh giữa núi cao, những điệu múa, tiếng khèn của các cô gái, chàng trai người Dao trong khuôn viên homestay ở Sì Thâu Chải như càng cuốn hút du khách chúng tôi. Đồng chí Tẩn Thị Nhẫn đánh giá: Những gam màu về bức tranh kinh tế - xã hội của bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu ngày càng tươi sắc ấy có sự đóng góp rất lớn của lực lượng Công an xã Hồ Thầu trong việc đảm bảo ANTT, giữ bình yên cho người dân. Với địa hình cao, dân cư phân bố không đồng đều, không tập trung, nằm rải rác theo những sườn núi, trong đó dân tộc Dao chiếm tới hơn 88%, chính vì vậy, một số tập tục lạc hậu vẫn còn ăn sâu vào đời sống của người dân nơi đây. Những đặc điểm về địa bàn, dân cư trên đã gây không ít khó khăn trong công tác quản lý của chính quyền các cấp.
Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm còn hạn chế, coi đó là nhiệm vụ của riêng lực lượng Công an. Hoạt động của các đối tượng tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt, lợi dụng sự kém hiểu biết của một số người dân để thực hiện phạm tội, gây khó khăn trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm…
Từ việc nhận diện những khó khăn, thách thức trên, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Công an xã Hồ Thầu đã chủ động tham mưu UBND xã xây dựng và triển khai thực hiện phân công cụ thể các ban, ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch lồng ghép công tác chuyên môn với tuyên truyền, phòng, chống hiệu quả các loại tội phạm. Thông tin với phóng viên, Thiếu tá Giàng Văn Hảo cho biết: Chúng tôi triển khai kế hoạch xây dựng xã Hồ Thầu là xã miền núi không có tệ nạn ma túy. Hàng đêm, lực lượng Công an xã và Công an viên theo kế hoạch được phân công tuần tra, kiểm soát bảo đảm ANTT.
Cùng với đó, lực lượng Công an xã Hồ Thầu cũng tăng cường vận động dân không xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc; vận động người dân chấp hành nghiêm những đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vận động xây dựng, phát triển mô hình toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tích cực phát hiện, tố giác tội phạm, phối hợp chặt chẽ với Công an xã trong việc đảm bảo ANTT bản, khu dân cư… Củng cố và kiện toàn những mô hình hay về bảo đảm ANTT như duy trì, phát triển các tổ hòa giải, tổ ANND, tổ chuyên trách bảo vệ rừng, tổ xung kích phòng cháy, chữa cháy…
Một trong những mô hình hay, hiệu quả và tiêu biểu của Công an xã Hồ Thầu chính là việc tham mưu UBND xã thành lập và ra mắt mô hình "Camera an ninh". Dù có nhiều khó khăn về kinh tế, song hiện nay xã Hồ Thầu đã nỗ lực, cố gắng lắp đặt 21 camera an ninh tại các vị trí trọng điểm của các bản. Những "mắt thần" hoạt động bất kể ngày đêm, trong mọi điều kiện thời tiết, hỗ trợ hiệu quả lực lượng Công an xã Hồ Thầu bảo đảm ANTT, bình yên trên địa bàn.
Nắm bắt được tập tục cũng như thói quen của người dân nơi đây, Công an xã Hồ Thầu đã tích cực tuyên truyền tới gần 600 lượt người dân về quy định không được sản xuất, mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Người dân đã tự giác giao nộp 1 khẩu súng kíp tự chế. 100% các hộ dân ký cam kết chấp hành pháp luật, đảm bảo ANTT tại địa phương. 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn xã không xảy ra các vụ việc phức tạp mất ANTT. Sự nỗ lực và chủ động, sáng tạo của Công an xã Hồ Thầu trong các mặt công tác đã góp phần chuyển hóa địa bàn, xây dựng các bản, khu dân cư đảm bảo an toàn về ANTT.