Xây dựng xã hội học tập qua khơi dậy đam mê đọc sách
Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, một thực trạng đáng buồn là văn hóa nghe - nhìn đang lấn dần văn hóa đọc. Vì thế, việc khơi gợi đam mê tìm hiểu kiến thức qua sách vở cũng như duy trì, khuyến khích thói quen đọc sách là vấn đề đáng quan tâm hiện nay, giúp xây dựng một xã hội học tập lành mạnh, phát triển.
Ai cũng dễ dàng nói về lợi ích của đọc sách như giúp mang lại kiến thức bổ ích, xây dựng văn hóa đọc lành mạnh, khơi dậy trí sáng tạo, tư duy, đặc biệt là hạn chế những trò chơi vô bổ như game hay lướt điện thoại hàng giờ liền… Nhưng để việc đọc sách trở thành thói quen và để sách trở thành người bạn đặc biệt với mỗi người thì không hẳn đã là chuyện một sớm một chiều. Vâng, tất cả đều phải xuất phát từ sự tập luyện kiên trì và niềm say mê thật sự với sách. Nếu thật sự biết trân trọng giá trị trong từng trang sách thì lợi ích mà sách mang lại cho người đọc là không hề nhỏ. Lại nói về đọc sách, không ít người bày tỏ rằng, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng là họ đã có thể đọc được sách với nhiều thể loại khác nhau mà không phải mất tiền mua. Thế nhưng, nếu cứ ghì chặt vào chiếc điện thoại ấy thì liệu có tốt cho sức khỏe, đặc biệt là đôi mắt. Chưa kể những trang viết trên mạng có thể tin tưởng về sự chính thống không. Đồng ý là thời đại hội nhập, chúng ta cần bắt nhịp xu hướng toàn cầu hóa, song giữ gìn văn hóa đọc lại là nét đẹp vô cùng ý nghĩa có từ bao đời của dân tộc ta.
Khơi dậy niềm đam mê đọc sách ở trẻ em – những người chủ tương lai của đất nước
Nếu nói không có tiền nên không thể mua được sách mà đọc, đó chỉ là một sự biện hộ cho việc không muốn đọc sách. Khi phong trào xây dựng văn hóa đọc được khuyến khích nhiều như hiện nay thì việc đọc sách là điều rất dễ dàng. Khoan nói đến thư viện ở các trường học, hãy nhìn vào những nhà sách của siêu thị - nơi luôn cập nhật những quyển sách mới nhất với nhiều thể loại khác nhau là một trong những địa điểm thu hút những người thích đọc nhất. Phải nói rằng, bất kể lúc nào ghé những nhà sách ấy, tôi đều bắt gặp hình ảnh người đứng, người ngồi miệt mài lật từng trang sách trong sự thích thú, say sưa. Không chỉ người lớn, một số học sinh tiểu học và THCS rất thích đến các siêu thị đọc sách vì nơi đây được đọc sách mới miễn phí, nguồn sách dồi dào, phần lớn là sách mới xuất bản. “Cuối tuần, em thường xin ba mẹ chở đi siêu thị Co.opmart (TP. Long Xuyên) để lên nhà sách đọc. Trong lúc chờ ba mẹ mua sắm, em tranh thủ tìm những quyển sách yêu thích như văn học, lịch sử… để đọc. Em thấy việc đọc sách vừa giúp mình có thêm kiến thức vừa giúp em trau dồi từ vựng, ngữ pháp và thư giãn. Lợi ích như vậy nên em luôn giữ thói quen đọc sách mỗi ngày 30 phút” - em Ngọc Tuyền (13 tuổi, ngụ xã Bình Thạnh, Châu Thành) chia sẻ.
Để duy trì cũng như khuyến khích văn hóa đọc trước sự lấn lướt của “văn hóa nghe - nhìn”, hệ thống thư viện, phòng đọc sách tại các trường học đang nỗ lực thực hiện tìm cách thu hút học sinh. Từ phong trào thư viện xanh đến những hội thi kể chuyện sách… đã và đang phát huy hiệu quả vô cùng thiết thực, bổ ích. Mô hình thư viện xanh, với nhiều trường học, đây là giải pháp hữu hiệu góp phần khơi gợi niềm đam mê với sách của học sinh. Cũng chỉ là những quyển sách bày trí trong thư viện trường nhưng để thu hút nhiều học sinh xem hơn, nhiều trường đã sáng tạo linh hoạt với ý tưởng “thư viện xanh” ngoài trời. Ở đó, sách được bày trí thích mắt, với nhiều thể loại như: truyện tranh, sách tham khảo, văn học. Hòa với sự thoáng đãng của khí trời và sắc xanh dịu mát dưới mái trường đã tạo nên điểm đọc sách lạ mà quen với học sinh.
Hay việc duy trì những cuộc thi kể chuyện về sách cũng đã góp phần khơi dậy tinh thần ham đọc sách ở học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bởi, đọc sách phải từ nhà trường mới hình thành thế hệ những người đọc để rồi cả xã hội mới có được văn hóa đọc. Phải khẳng định rằng, thói quen đọc sách góp phần không nhỏ trong hình thành nhân cách cho học sinh. “Không phải trẻ em ngày nay không thích sách mà là cơ hội để trẻ được tiếp cận với sách ít hơn là tiếp cận với công nghệ. Do vậy, cần tạo cơ hội, tạo không gian để trẻ tiếp cận nhiều hơn với sách. Mà nhà trường là nơi trẻ đến mỗi ngày, nên nơi đây cần chú trọng đến việc đọc sách của trẻ nhiều nhất. Cùng với đó, cha mẹ cần tiếp thêm “lửa” để con em yêu thích sách mỗi ngày!”- chị Hoàng Yến (38 tuổi, ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) bày tỏ.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN