Xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành pháp luật của công dân; bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền được thông tin về pháp luật… ngày 8.5.2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 619/QĐ-TTg về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Quyết định số 619/QĐ-TTg).

Công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Phú Cường (thành phố Hưng Yên) hỗ trợ thủ tục hành chính cho người dân

Phát huy vai trò, trách nhiệm, Sở Tư pháp đã tham mưu với UBND tỉnh sớm xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Đình Chung, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Thực hiện nhiệm vụ được phân công theo kế hoạch của UBND tỉnh, cùng với việc ban hành, tham mưu ban hành các văn bản triển khai thực hiện nhiệm vụ, năm 2018, Sở Tư pháp đã đăng tải hàng chục tin, bài, tài liệu tuyên truyền trên Trang thông tin điện tử của sở; biên soạn hàng trăm bộ đề cương tuyên truyền, sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ, tờ gấp pháp luật... cấp phát miễn phí tới UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Việc sử dụng kết quả đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 6, Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 28.7.2017 của Bộ Tư pháp quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật...

Quá trình thực hiện tập trung phổ biến, quán triệt, tuyên truyền các văn bản quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với việc thực hiện xây dựng nông thôn mới; bảo đảm nhân lực, nguồn lực, cơ sở vật chất, kinh phí trong triển khai; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo đúng quy trình… Việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật dần đi vào nền nếp. Trong tổng số 161 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hằng năm đạt từ 85% trở lên. Cụ thể, năm 2018 có 137 địa phương đạt, năm 2019 có 153 địa phương đạt, năm 2020 có 150 địa phương đạt và năm 2021 có 152 địa phương đạt.

Xã Phú Cường (thành phố Hưng Yên) là địa phương có 4 năm liền (từ năm 2018 đến năm 2021) được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đồng chí Phạm Văn Bạo, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Quá trình xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, xã đánh giá thực trạng của địa phương, những tác động của thực trạng đó với việc tiếp cận pháp luật của người dân, từ đó làm căn cứ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; lấy người dân làm trung tâm, tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và ngành Tư pháp, đề ra các giải pháp thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo đảm đầy đủ các quyền của công dân theo quy định của pháp luật… Nhờ đó, qua đánh giá hằng năm về 5/5 tiêu chí tiếp cận pháp luật, xã luôn đạt trên 95 điểm trên thang điểm 100…

Tiếp tục cập nhật các quy định mới về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, ngày 17.6.2022, Sở Tư pháp tổ chức tập huấn nghiệp vụ bằng hình thức trực tuyến về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và công tác hòa giải ở cơ sở năm 2022 cho gần 1,5 nghìn đại biểu dự. Qua đó cập nhật cho công chức tư pháp - hộ tịch; lãnh đạo UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh những điểm mới và việc tổ chức thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22.7.2021 của Thủ tướng Chính phủ, quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Quyết định số 25). Trong đó tập trung vào các nội dung: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Quyết định số 25; nguyên tắc thực hiện; tiêu chí, điều kiện công nhận; trình tự, thủ tục đánh giá; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức với việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật…

Thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ các địa phương xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hướng về cơ sở kết hợp trợ giúp pháp lý cho các đối tượng theo quy định; các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở kết hợp đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân.

Đức Hùng

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/an-ninh-quoc-phong/202208/xay-dung-xa-phuong-thi-tran-dat-chuan-tiep-can-phap-luat-5115768/