Xây 'đường băng' đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 3: Giải mã 'điểm nghẽn' để khơi thông tiềm năng
Tốc độ đô thị hóa của Cà Mau tăng trung bình 1,3%/năm, phản ánh sức hút và tiềm năng nội tại. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa tương xứng với tiềm lực vốn có và còn cách biệt so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Quá trình đô thị hóa tại Cà Mau vẫn đang đối diện với những nút thắt cần tháo gỡ.
Những điểm nghẽn
Hạ tầng yếu kém, nguồn lực hạn chế và khả năng thu hút đầu tư chưa đủ mạnh là những rào cản chính. Giao thông chưa đồng bộ khiến chi phí logistics cao, doanh nghiệp khó mở rộng sản xuất, dẫn đến dòng vốn đầu tư bị hạn chế. Khi thiếu tài chính để nâng cấp hạ tầng, đô thị hóa lại càng chậm, kéo theo hệ lụy về chất lượng sống và kinh tế. Ngoài ra, tình trạng xây dựng tự phát, quy hoạch chắp vá khiến nhiều khu vực bị bỏ hoang, trong khi trung tâm lại quá tải. Quỹ đất chưa khai thác hiệu quả, “quy hoạch treo” kéo dài làm cản trở đầu tư.
Dù đã có chuyển biến tích cực từ Chương trình số 27-CT/TU và nhận thức về phát triển đô thị theo Nghị quyết 06-NQ/TW ngày càng nâng cao, tiến độ triển khai các giải pháp vẫn chậm, chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồ Hải, các chỉ tiêu quan trọng như: GRDP khu vực đô thị, tỷ lệ cây xanh hay đất giao thông... chưa đạt mục tiêu đề ra. Một phần do tác động của Covid-19, biến đổi khí hậu, nhưng quan trọng hơn là bộ máy quản lý đô thị còn cồng kềnh, phối hợp giữa các sở, ngành lỏng lẻo, thủ tục hành chính phức tạp khiến doanh nghiệp e ngại đầu tư.
Năm Căn được xác định là đô thị trọng điểm nhờ lợi thế cảng biển và khu kinh tế. Tuy nhiên, hơn một thập kỷ sau quy hoạch, khu kinh tế này vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư lớn. Ông Ngô Quốc Nam, Phó giám đốc Phụ trách Cảng Năm Căn, cho biết: “Cảng Năm Căn gặp khó khăn do luồng cửa Bồ Ðề cạn, khiến tàu lớn khó cập cảng. Ðặc biệt, tại khu vực gần phao số 0, nơi cao độ luồng thấp nhất chỉ khoảng 1,8 m. Khi thủy triều đạt mức cao nhất 3 m, độ sâu tối đa của luồng chỉ khoảng 5 m, gây hạn chế đáng kể trong việc tiếp nhận tàu có tải trọng trên 5.000 tấn vào cảng. Hệ thống giao thông kết nối chưa hoàn thiện càng làm giảm sức hút đầu tư”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hiển kiểm tra khu kinh tế huyện Năm Căn.
Thông tin từ Sở Tài chính tỉnh, từ đầu năm 2025, tỉnh thu hút 3 dự án mới, với tổng vốn 209,6 tỷ đồng, tăng so với năm trước nhưng quy mô chưa lớn. Nhiều dự án chậm triển khai do vướng mắc về mặt bằng và thủ tục pháp lý. Các nhà đầu tư vẫn dè dặt do chi phí logistics cao và chính sách ưu đãi chưa đủ hấp dẫn.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Ðức Hiển nhấn mạnh: “Tiềm năng của Năm Căn rất lớn, nhưng hạ tầng giao thông, quỹ đất sạch và chính sách ưu đãi chưa đủ sức hút. Muốn thu hút đầu tư, phải giải quyết đồng bộ những vấn đề này”.
Tỉnh đang tập trung phát triển 2 đô thị tiềm năng, là Sông Ðốc và Năm Căn, đặt mục tiêu lên đô thị loại III. Tổng vốn đầu tư dự kiến đến năm 2030 lên tới 24.481 tỷ đồng, đòi hỏi tỉnh phải huy động vốn Trung ương, hợp tác công tư (PPP) và nguồn vay ưu đãi (ODA). Tuy nhiên, hệ thống giao thông hiện tại chưa đáp ứng nhu cầu. Toàn tỉnh có hơn 1.200 km đường bộ, nhưng chỉ 30% đạt chuẩn. Cầu, cống yếu kém tiếp tục là điểm nghẽn lớn làm tăng chi phí vận chuyển. Bên cạnh đó, tỷ lệ đất giao thông, công trình công cộng còn thấp, trong khi tiêu chí đô thị xanh và đô thị thông minh mới chỉ ở giai đoạn đầu.
Ðể đô thị hóa bứt phá, Cà Mau cần tập trung vào 4 giải pháp trọng tâm, đó là nâng cấp hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư chiến lược, đổi mới quản lý đô thị và xây dựng chính sách ưu đãi đột phá. Khi các điểm nghẽn này được tháo gỡ, Cà Mau mới có thể trở thành đô thị phát triển bền vững, hiện đại và xứng tầm tiềm năng vốn có.
Cần bước đột phá đồng bộ
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi khẳng định, quy hoạch đô thị đồng bộ, kết hợp đầu tư hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo Chương trình số 27-CT/TU là nền tảng quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng. Ðể hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư công vào các công trình hạ tầng trọng điểm, đồng thời thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách thông qua cơ chế ưu đãi, khai thác hiệu quả quỹ đất nhằm phục vụ phát triển đô thị.
Tỉnh đang huy động đa dạng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, hợp tác công tư (PPP) đến vốn ODA để phát triển hạ tầng hiện đại, bền vững. Ðặc biệt, việc mở rộng giao thông liên vùng, cải tạo cầu cống, nâng cấp cảng nước sâu là những giải pháp quan trọng để kết nối Cà Mau với các trung tâm kinh tế khác trong khu vực. Song song đó, tỉnh cũng chú trọng đầu tư vào giáo dục, y tế, nhà ở xã hội nhằm nâng cao chất lượng sống, giữ chân lao động và tạo động lực phát triển dài hạn.
Theo đó, hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế đang được đẩy mạnh hoàn thiện để thu hút đầu tư, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Theo ông Trần Lĩnh Trang, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, bên cạnh chính sách ưu đãi, việc sẵn sàng quỹ đất sạch và hạ tầng đồng bộ là yếu tố then chốt để doanh nghiệp quyết định đầu tư. Hiện tỉnh đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế theo định hướng 2030-2050, đồng thời đẩy nhanh tiến độ lập các phân khu chức năng làm cơ sở thu hút đầu tư.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh: “Hạ tầng đồng bộ là chìa khóa thu hút doanh nghiệp. Chúng ta sẽ triển khai Nghị quyết 03-NQ/TU, huy động vốn từ Trung ương, địa phương và hợp tác công tư để tập trung đầu tư các dự án trọng điểm, đặc biệt là giao thông kết nối”.
Về quỹ đất phục vụ đầu tư, ông Trần Lĩnh Trang cho biết: “Tỉnh đang đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo hướng minh bạch, tránh ách tắc cho doanh nghiệp. Ðồng thời, tập trung phát triển hạ tầng logistics, mở rộng giao thông thủy nhằm giảm chi phí vận chuyển, tăng sức hấp dẫn môi trường đầu tư”.
Nhằm phát triển đô thị một cách bài bản, Cà Mau đã tổ chức nhiều đoàn công tác học hỏi kinh nghiệm từ các tỉnh có đô thị hóa mạnh, như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai, Ðà Nẵng. Ông Dư Minh Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau, cho biết: “Chúng tôi thực sự ấn tượng với cách các địa phương này phát triển đô thị vệ tinh. Tất cả đều có quy hoạch rõ ràng, khu công nghiệp kết nối thuận tiện, hệ thống giao thông được tính toán kỹ lưỡng để tránh ùn tắc, nâng cao hiệu suất vận chuyển hàng hóa”.
Không chỉ học hỏi về quy hoạch, Cà Mau cũng nghiên cứu mô hình đô thị thông minh tại các tỉnh tiên phong trong ứng dụng công nghệ vào quản lý đô thị, giao thông, môi trường. Các giải pháp, như hệ thống cảnh báo ngập lụt thông minh, trung tâm điều hành đô thị số... đang được tỉnh xem xét áp dụng để nâng cao chất lượng sống.

TP Cà Mau đang tìm giải pháp chống ngập nước đô thị mùa mưa. (Ảnh chụp tại Phường 2, ngày 31/3/2025).
Song song với phát triển đô thị thông minh, Cà Mau đang chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng đô thị xanh, ứng dụng công nghệ vào quản lý tài nguyên và giảm thiểu tác động môi trường. Một trong những dự án tiêu biểu là mô hình “thành phố bọt biển” (Sponge City), hợp tác giữa Sở Xây dựng và Tổ chức Hợp tác Phát triển Ðức (GIZ). Dự án được thí điểm tại Phường 8 và xã Lý Văn Lâm (TP Cà Mau) với quy mô 933 ha (dự kiến mở rộng lên 1.530 ha), áp dụng giải pháp tăng khả năng thấm nước tự nhiên, giảm bề mặt bê tông hóa, nâng cao hiệu quả thoát nước.
Bà Cao Hồng Cẩm, Chủ tịch UBND xã Lý Văn Lâm, cho biết: “Mô hình thành phố bọt biển, với thiết kế vỉa hè nền rỗng thay vì bê tông hóa như trước đây giúp thoát nước mưa nhanh chóng, hạn chế tình trạng ngập úng đô thị. Bên cạnh đó, xã đang tập trung xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu với các ấp thông minh, hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản và không gian làng quê xanh, thoáng đãng. Cùng với Phường 8, xã Lý Văn Lâm đã được tập huấn về mô hình này".
Bên cạnh đó, tỉnh cũng nghiên cứu mô hình “thành phố vệ tinh”, phát triển các khu đô thị mới theo hướng trọng điểm với hệ thống hạ tầng và dịch vụ đồng bộ. Ðặc biệt, quy hoạch các khu thương mại - dịch vụ ven sông đang được xem là giải pháp tiềm năng, giúp tận dụng lợi thế cảnh quan, đồng thời thúc đẩy du lịch và bất động sản.
Quá trình đô thị hóa của Cà Mau không chỉ dừng lại ở việc mở rộng quy mô, mà quan trọng hơn là chất lượng phát triển và tính bền vững. Với chiến lược phát triển đồng bộ, có trọng tâm và định hướng rõ ràng, Cà Mau đang đứng trước cơ hội bứt phá, vươn lên trở thành một trong những đô thị phát triển nhanh và bền vững của vùng Tây Nam Bộ.