Xây kè chống sạt lở bờ sông theo kiểu trông cậy vào… cỏ mọc
Đó là việc chi 4,3 tỷ đồng để xây kè chống sạt lở bờ hữu sông Sê Păng Hiêng đoạn qua thôn Cù Bai, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa nhưng chỉ 888,04m và bằng phương thức… múc, đắp cát, cuội sỏi tại chỗ (!). Kết quả, công trình vừa hoàn thành đã xảy ra sạt lở tại nhiều điểm và có nguy cơ trôi sông vào mùa mưa lũ sắp tới.
Ông Lê Đình Hoan, một người dân ở đây nhìn công trình xót xa, nói: “Tiền thuế của dân chứ đâu phải lá mít!”.
Theo phản ánh của người dân, PV Báo CAND ghi nhận hiện trường gồm 2 điểm với đoạn dài 550,84m và 337,2m. Trong đó, đoạn 550,84m được múc, đắp cát, cuội sỏi tại chỗ theo hình vòng cung lấn sâu vào phía bờ, tạo thành hồ lớn phía sông thông với dòng chảy chính. Nhìn vào, không ai nghĩ đây là công trình kè chống sạt lở bờ sông.
Bởi lẽ, quá trình hình thành khối cát, cuội sỏi này đơn giản chỉ là sự di chuyển chúng từ điểm này đến tập kết ở điểm kia mà không được lu lèn chắc chắn hay tạo sự kết dính, gia cố bằng các vật liệu thông thường đi kèm như bê tông, rọ đá. Vì vậy, các dấu vết múc, đắp còn mới nhưng cái được gọi là công trình kè chống sạt lở này đã nhanh chóng xảy ra… sạt lở tại nhiều điểm với khối lượng lớn cát, cuội sỏi bị cuốn trôi trở lại ra phía sông (!).
Qua trao đổi, ông Lê Quang Lam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Trị thông tin, dự án kể trên có mức kinh phí 4,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương. Công trình được giao cho đơn vị làm chủ đầu tư, Công ty CP Trường Danh Quảng Trị (trụ sở tại thôn Hà Thanh, xã Gio Châu, huyện Gio Linh, Quảng Trị) trúng thầu thi công, Xí nghiệp Tư vấn đầu tư và Xây dựng thuộc Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị (trụ sở tại khu phố 1, phường Đông Lễ, TP Đông Hà, Quảng Trị) khảo sát, thiết kế và giám sát công trình. Hiện tại, công trình đã được xây dựng hoàn thành cách đây 2 tháng nhưng chưa được nghiệm thu kỹ thuật, bàn giao đưa vào sử dụng.
“Thời gian qua, đơn vị có nhận được phản ánh của người dân Cù Bai về quá trình xây dựng công trình và xảy ra sạt lở. Theo đó, chúng tôi đã cho kiểm tra, yêu cầu đơn vị thi công khắc phục mới nghiệm thu. Sau đó có 12 tháng bảo hành để yêu cầu đơn vị này sửa chữa nếu tiếp tục xảy ra sạt lở”.
Khi được hỏi: Việc đầu tư 4,3 tỷ đồng nhưng phương thức xây dựng không giống với tên gọi của dự án?, ông Lam cho rằng, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên chỉ có thể múc, đắp các vật liệu cát, cuội sỏi tại chỗ thành kè và chỉnh trị dòng chảy nhằm hạn chế sạt lở bờ sông(?!). Về hiệu quả dự án sẽ mang lại, ông Lam cho biết, ở bờ sông khu vực Cù Bai thường có cỏ mọc trên cát, cuội sỏi nên dự án đó sau này cỏ cũng sẽ… mọc lên góp phần gia cố sự chắc chắn (?!).
Trở lại việc thi công công trình, ông Lê Đình Hoan, sinh sống ở thôn Cù Bai tố Công ty CP Trường Danh làm ăn gian dối. “Trong giải pháp kỹ thuật thi công, công ty phải lu lèn, đầm chặt cát, cuội sỏi đáp ứng độ cứng kè K>=90. Nhưng suốt quá trình này, Công ty Trường Danh chỉ thực hiện 3 lần. Tôi sẵn sàng đứng ra làm chứng điều này vì ngày nào tôi cũng có mặt ở đó. Lần thứ nhất là vào ngày 8/2/2023, lần thứ 2 là vào 15/2/2023. Cả 2 lần này đều do có đoàn kiểm tra đến nên họ thực hiện. Nhưng sau khi đoàn kiểm tra vừa đi khỏi thì họ nghỉ. Còn lần thứ 3 là lúc họ vừa đắp xong, chạy lu vài đường cho có dấu rồi dừng. Khi đoàn lên kiểm tra, tôi đã gặp trực tiếp ông Lê Quang Lam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh để phản ánh nhưng sự việc sau đó vẫn không được xử lý”. Ông Hoan bức xúc và cho biết thêm: “Cũng sau khi tôi phản ánh với ông Lam thì ông Bắc là người của Công ty Trường Danh nói muốn “thăm” tôi nhưng tôi không đồng ý”.
Không chỉ người dân Cù Bai, những ai chứng kiến cái gọi là kè chống sạt lở bờ hữu sông Sê Păng Hiêng cùng với lời thuyết minh nghe “có cánh” của Sở NN&PTNT Quảng Trị khi lập, trình dự án này để UBND tỉnh phê duyệt, đều rất chua xót: “Việc đầu tư xây dựng công trình nhằm kịp thời bảo vệ diện tích sản xuất lúa, hoa màu, các công trình thủy lợi, giao thông và nhà cửa, tài sản của nhân dân trong khu vực. Đảm bảo lưu thông, tiêu thoát lũ, đưa dòng chảy ra xa bờ; chủ động phòng chống, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; ổn định đời sống dân cư, góp phần phát triển KT-XH, đảm bảo ANQP vùng biên giới”. “Tiền thuế của dân chứ đâu phải lá mít!”, - càng ngẫm, càng thấy thấm thía người dân nói mà càng cảm thấy lo, nhất là khi mùa mưa lũ tại miền Trung đã bắt đầu…