Xây lại Nhà thờ Đức Bà với 'trái tim' của gỗ
Những thợ mộc giỏi nhất của Pháp đang làm việc ngày đêm cho sứ mệnh khôi phục mái nhà thờ Paris trở lại vẻ huy hoàng ngày xưa của nó. Đó là một dự án yêu cầu thời gian và kiên nhẫn.
Trong một khu rừng ở phía bắc Burgundy, Pháp, lịch sử đang được tái hiện khi các nghệ nhân thế kỷ 21 học lại các kỹ năng thời Trung cổ đã bị lãng quên từ lâu.
25 năm trước, dự án Gúedelon được tạo ra để làm một “thí nghiệm khảo cổ học”. Thay vì đào xuống đất, họ đã quyết định xây dựng một công trình lên trời – một lâu đài, nhưng chỉ sử dụng các công cụ và phương pháp từ thời Trung cổ và vật liệu địa phương. Bây giờ là năm 2022, nhưng với lâu đài này, đó là năm 1253. Và công trình này được coi là thuộc về một nhà quý tộc nhỏ (không có thật). Đó là ông Gilbert Courtenay, người đã lên đường chiến đấu trong các cuộc Thập tự chinh, để lại người vợ của mình phụ trách đội ngũ xây dựng ngôi nhà mới của gia đình.
Giờ đây, dự án Gúedelon đang đóng một vai trò quan trọng trong việc khôi phục cấu trúc và linh hồn của nhà thờ Đức Bà. Nhà thờ thế kỷ 13 hoành tráng của Paris, một di sản thế giới, đã bị hỏa hoạn thiêu rụi vào tháng 4 năm 2019. Mái của nó đã bị phá hủy, và nhiều người nghĩ rằng nó không thể khôi phục như cũ.
“Cấu trúc mái vốn cực kỳ tinh xảo, sử dụng các kỹ thuật rất cao so với chính thế kỷ 12 và 13”, ông Frédéric Épaud, một chuyên gia về gỗ thời Trung cổ, cho biết. “Sau vụ cháy, có rất nhiều người nói rằng quá trình tái xây dựng sẽ yêu cầu hàng nghìn cây gỗ, và chúng tôi không có đủ cây phù hợp, và gỗ sẽ phải được sấy khô trong nhiều năm. Họ nói rằng đó là điều không thể, vì không ai biết gì về cách tạo ra thanh xà như thời Trung cổ đã làm”.
“Nhưng chúng tôi biết nó có thể được thực hiện bởi vì dự án Gúedelon đã làm điều đó trong nhiều năm”, ông nói thêm.
Một số công ty đấu thầu công trình dựng lại Nhà thờ Đức Bà đã thuê thợ mộc được đào tạo tại Gúedelon, và nhiều công ty khác dự kiến tìm người ở vùng Burgundy cách thủ đô Paris 200 km.
Tạo các thanh xà bằng gỗ trong xưởng cưa hiện đại có thể là phương án nhanh và rẻ hơn - đặc biệt là khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết sẽ mở cửa lại nhà thờ vào năm 2024 - nhưng không một ai ở Gúedelon tin rằng đó là cách phù hợp nhất.
Ông Stéphane Boudy thuộc một nhóm nhỏ các thợ mộc tại công trình thời Trung cổ, nơi ông đã làm việc từ năm 1999. Ông Boudy, 51 tuổi, được đào tạo thành thợ làm bánh, sau đó là thợ điện, cho đến khi phát hiện ra khả năng của mình tại Gúedelon. Ông giải thích việc làm và đóng từng thanh gỗ bằng tay là hành động tôn trọng “trái tim” của nó, giúp nó có sức mạnh và khả năng chống chịu.
“Chúng tôi có 25 năm kinh nghiệm cắt và đẽo gỗ bằng tay”, ông Boudy nói. “Đó là những gì chúng tôi đã làm hàng ngày trong suốt 25 năm. Nếu dự án này không tồn tại, có lẽ các chuyên gia sẽ nói rằng việc tái tạo mái nhà của Nhà thờ Đức Bà là không thể. Chúng tôi chứng minh được rằng đó là điều hoàn toàn khả thi”.
“Đây không chỉ là sự hoài cổ. Nếu mái nhà thờ Đức Bà tồn tại được 800 năm, đó là nhờ điều này. Không có trái tim trong gỗ công nghiệp”, ông nói.
Bà Maryline Martin là đồng sáng lập của dự án Gúedelon, công trình thu hút khoảng 300.000 du khách mỗi năm và đã được giới thiệu trong loạt phim tài liệu năm 2014 của BBC mang tên “Bí mật của Lâu đài”. Bà cho biết thợ rèn của lâu đài đã được thuê để làm những chiếc rìu xẻ gỗ cho Nhà thờ Đức Bà, và những thợ mộc của nó sẽ đào tạo đội công nhân xây dựng nhà thờ.
“Nhà thờ Đức Bà được khôi phục bởi nhiều người đã học nghề tại Gúedelon là một vinh dự của chúng tôi. Cho dù chúng tôi làm việc với nhiều cơ quan nghiên cứu của nhà nước, trước đây một số người vẫn coi chúng tôi là những người phục vụ cho một công viên giải trí”, bà cho biết. “Bây giờ, sau 25 năm, họ đã hiểu ra chúng tôi là những người duy nhất biết phải làm gì với một công trình như Nhà thờ Đức Bà”.
Ông Épaud nằm trong ủy ban khoa học tại Gúedelon, giờ là ủy ban giám sát dự án tái thiết Nhà thờ Đức Bà, đồng thời là thành viên của cơ quan nghiên cứu quốc gia Pháp (CNRS). Theo ông, quay lại quá khứ để xây dựng tương lai không chỉ để hoài niệm.
“Tôi đã nghiên cứu kỹ thuật của thế kỷ 13 trong nhiều năm, và nếu chúng ta tôn trọng trái tim của cây gỗ, thì các thanh xà sẽ tiếp tục tồn tại trong 800 năm. Gúedelon là nơi duy nhất ở Pháp nghiên cứu và làm điều này. Tôi tin ở châu Âu, nơi họ xây dựng loại cấu trúc mái nhà bằng gỗ với công trình cổ, sẽ phải suy nghĩ. Tất cả những người nghĩ đó là điều bất khả thi đều chưa biết về Gúedelon".
“Nhưng chúng ta không nên vội vàng. Việc ông Macron khẳng định rằng nhà thờ sẽ mở cửa vào năm 2024 là không hợp lý”, ông nói thêm. “Chúng ta đang nói về một nhà thờ lớn, chúng ta có đủ ngân sách và thời gian để tái xây dựng nó một cách đúng đắn. Nếu vội vàng, sẽ có nguy cơ chúng ta bỏ sót điều gì đó”.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/xay-lai-nha-tho-duc-ba-voi-trai-tim-cua-go-post1465093.tpo