Xây 'nền móng' cho văn hóa từ chức

Từ sau Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) tới nay đang có một chuyển động tích cực trong xây dựng văn hóa từ chức.

Ngay tại Hội nghị Trung ương 6, lần đầu tiên, 3 ông gồm Nguyễn Thành Phong, Bùi Nhật Quang, Huỳnh Tuấn Việt đã được cho thôi chức Ủy viên Trung ương Đảng theo Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3.11.2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo số 20-TB/TW của Bộ Chính trị ngày 8.9.2022 về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật.

Quy định số 41-QĐ/TW, Thông báo số 20-TB/TW đã tạo dựng cơ chế và quyết định cho 3 Ủy viên Trung ương Đảng thôi chức nêu trên đã đặt tiền đề quan trọng để xây dựng nền móng cho văn hóa từ chức trong hệ thống chính trị, thể hiện quan điểm “có lên, có xuống, có vào, có ra” trong công tác cán bộ của Đảng. Trung ương Đảng đã thể hiện quyết tâm, sự nêu gương để các cấp, ngành, địa phương thực hiện.

Tư duy cố hữu của hầu hết cán bộ là không muốn từ chức, bởi điều đó có nghĩa phải chấm dứt sự nghiệp chính trị, mất đi quyền lợi, danh vọng… Nhiều cán bộ bị kỷ luật, uy tín giảm sút, năng lực hạn chế cũng không muốn tự nguyện từ chức. Họ cố níu giữ chức vụ, hoặc nếu bị cấp có thẩm quyền yêu cầu xử lý thì lại muốn chuyển sang chức vụ khác, ở một cơ quan khác. Thậm chí có người bị kỷ luật, bị điều động “sang ngang” ở một vị trí khác, rồi không lâu sau đó lại được lên chức, gây bức xúc dư luận. Ở Việt Nam, từ chức chưa trở thành một nét văn hóa như ở nhiều nước phát triển. Trong hệ thống chính trị vẫn còn nhiều cán bộ năng lực hạn chế, đạo đức kém nhưng vẫn giữ những chức vị quan trọng thì hệ thống sẽ trì trệ, không có chỗ cho những người tài đức.

Trung ương đã thể hiện quyết tâm khắc phục tình trạng nêu trên thông qua Quy định số 41-QĐ/TW, Thông báo số 20-TB/TW. Quy định số 41-QĐ/TW nêu các căn cứ xem xét từ chức gồm: Do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; vì lý do chính đáng khác của cá nhân.

Tại nhiều nước phát triển, thậm chí một số nước phương Đông như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã xây dựng được văn hóa từ chức tiến bộ. Từ chức đã trở thành một điều bình thường trong cuộc sống. Nhiều cán bộ, công chức khi mắc sai lầm nghiêm trọng, hoặc ngành, cơ quan, đơn vị xảy ra sự cố lớn, họ thường chủ động xin lỗi nhân dân và từ chức. Thậm chí, sau khi từ chức một thời gian, họ tiếp tục được cấp có thẩm quyền, nhân dân giới thiệu trở lại chức vị cũ.

Từ chức không có nghĩa là chấm dứt sự nghiệp chính trị. Điểm đáng chú ý trong quy định về miễn nhiệm, từ chức là Bộ Chính trị đã đề ra một cơ chế mở để những người sau khi từ chức muốn tiếp tục cống hiến, phấn đấu tốt vẫn có thể tiếp tục được quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử. Cán bộ đã từ chức và bố trí công tác khác, nếu được cấp có thẩm quyền đánh giá tốt, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và khắc phục được những yếu kém, vi phạm, khuyết điểm thì có thể được xem xét để quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định.

Để xây dựng được văn hóa từ chức ở Việt Nam còn cả một chặng đường dài và rất gian khó. Song, những chủ trương của Trung ương thời gian gần đây cho thấy quyết tâm vượt khó, đặt những viên gạch đầu tiên để xây nền móng. Sự quyết liệt ấy được đông đảo cán bộ, đảng viên, người dân đồng tình, ủng hộ.

NINH TUÂN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/goc-nhin/xay-nen-mong-cho-van-hoa-tu-chuc-220636