Xây nhà cho Mẹ

Trăn trở khi thấy nơi thờ tự một số Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng có lúc nguội lạnh khói hương, nhiều tổ chức, cá nhân đã phát tâm tình nguyện, góp sức xây dựng một khu tưởng niệm cho các Mẹ. Việc làm ấy làm ấm lòng cả người đang sống lẫn người đã khuất.

 Ông Lê Hữu Thăng và ông Lê Văn Dăng trò chuyện với Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đào Thị Vui. Ảnh: Q.H

Ông Lê Hữu Thăng và ông Lê Văn Dăng trò chuyện với Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đào Thị Vui. Ảnh: Q.H

Tiếng lòng người đang sống

Chúng tôi ghé thăm xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng khi trời còn mờ sương. Đồng hành với chúng tôi là ông Lê Hữu Thăng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị và ông Lê Văn Dăng, nguyên Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH. Hai ông đều là người con của quê hương Hải Thượng nên thuộc nằm lòng những trang sử bi tráng của mảnh đất này. Trang sử ấy in hình ảnh những người mẹ và giọt máu của mình. “Trong chiến tranh, gần 1 nghìn thanh niên xã Hải Thượng đã lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. 438 người đã mãi mãi nằm xuống vì độc lập, tự do. Toàn xã Hải Thượng có 92 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đông nhất so với các địa phương trong tỉnh”, ông Lê Hữu Thăng chia sẻ.

Ở cái tuổi người đời thường chỉ “vui thú điền viên” nhưng ông Lê Hữu Thăng vẫn dồn nhiều thời gian, công sức để góp phần xây dựng quê hương Hải Thượng. Đặc biệt, từ ngày Khu tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam anh hùng được triển khai xây dựng, ông Thăng vào quê như cơm bữa. Dường như toàn bộ tâm huyết của ông đặt cả vào công trình này. Yêu quê hương, từ lâu, ông Lê Hữu Thăng cũng như nhiều người tâm huyết với mảnh đất Hải Thượng rất trăn trở khi thấy một số Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn không còn chồng, con để lo việc thờ tự, hương khói. Thực tế ấy thôi thúc ông Thăng cùng những tấm lòng khác quyết tâm xây dựng một khu tưởng niệm cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn.

Tiếp chúng tôi trong căn phòng làm việc gọn gàng, Bí thư Đảng ủy xã Hải Thượng Phan Khắc Sứ xúc động nhớ lại câu chuyện về những ngày khởi thủy ý tưởng, đặt nền móng Khu tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ông Sứ là con trai của liệt sĩ Phan Khắc Cứ, đang yên nghĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Thượng. Bản thân ông cũng từng là người lính. Hiểu sâu sắc những hi sinh, mất mát của các anh hùng, liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng nên ông Sứ luôn quan tâm đến những hoạt động uống nước nhớ nguồn. Cũng như ông Lê Hữu Thăng và Lê Văn Dăng, việc xây dựng khu tưởng niệm cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng là tâm nguyện bấy lâu của ông Sứ. Tuy nhiên, Bí thư Đảng ủy xã Hải Thượng biết để làm nên một công trình quy mô, bề thế, xứng tầm với công lao to lớn của các Mẹ không hề đơn giản, cần sự tiếp sức của rất nhiều người. “Tôi tự nhủ, đây là công trình của sức dân. Để thành công, trước tiên phải tin có thể làm được. Mình có lòng tin thì mới thuyết phục được mọi người ủng hộ”, ông Sứ bộc bạch.

 Khu tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam anh hùng đẹp như tranh vẽ. Ảnh: Q.H

Khu tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam anh hùng đẹp như tranh vẽ. Ảnh: Q.H

Quyết tâm đã lên, lại được sự động viên của những người tâm huyết với quê hương nên ông Phan Khắc Sứ cùng lãnh đạo xã Hải Thượng sớm thành lập ban chỉ đạo, ban vận động, ban quản lí, tổ giúp việc…để xây dựng Khu tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Lãnh đạo xã mời ông Lê Hữu Thăng làm cố vấn ban chỉ đạo, thành viên ban vận động. Từ tháng 9/2018, những hoạt động đầu tiên được triển khai. Ban vận động tổ chức cuộc gặp mặt với con em Hải Thượng sinh sống tại một số địa phương trong tỉnh; gõ cửa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; gửi thư ngỏ cho các cá nhân… Ai cũng mừng khi danh sách hỗ trợ xây dựng Khu tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam anh hùng ngày một dài thêm. Tháng 11/2018, lãnh đạo UBND xã Hải Thượng tổ chức lễ khởi công. Trong điều kiện khó khăn, những người đầu tàu xác định tinh thần “vừa làm, vừa vận động”. Trên cả sự kì vọng, lãnh đạo xã Hải Thượng và những người dồn tâm sức vào công trình tri ân rất vui mừng khi vận động được gần 1,7 tỉ đồng tiền mặt. Nhờ thế, sau hơn 1 năm, Khu tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam anh hùng xã Hải Thượng đã hoàn thành.

“Đưa Mẹ về bên các anh”

Sau khi nên dáng dấp, hình hài, Khu tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam anh hùng xã Hải Thượng đã trở thành điểm nhấn giữa bức tranh quê yên ả. Ít ai biết, hơn 1 năm trước, lãnh đạo xã Hải Thượng và những người tâm huyết với địa phương đã mất nhiều thời gian trao đổi, thảo luận để chọn nơi làm nhà cho các Mẹ. Cuối cùng, ai cũng thống nhất xây dựng công trình sát Nghĩa trang liệt sĩ xã để “đưa Mẹ về bên các anh”. Trên diện tích hơn 500 m2 , khu tưởng niệm hình thành với nhiều hạng mục như: Nhà tưởng niệm, tháp chuông, phù điêu, đài vọng cảnh, bia ghi danh…

Không chỉ hỗ trợ tiền của, con em xã Hải Thượng còn dồn tâm huyết, trí tuệ để xây dựng Khu tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nhờ thế, mọi thứ ở ngôi nhà chung của các Mẹ đều được sắp xếp một cách hài hòa, hợp lí, giàu ý nghĩa. Nhà tưởng niệm được xây dựng kiên cố, trên nóc có bức hoành phi với dòng chữ “Tổ quốc mãi vinh danh”. Bên trong nhà tưởng niệm lập 3 bàn thờ. Gian giữa thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn hai gian trái và phải thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Di ảnh của các mẹ được tráng men, ghi đầy đủ họ tên, năm sinh, năm mất. Hai bên trụ phía trước bàn thờ có đôi câu đối của Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Tự: “Mãi mãi ghi lòng, ơn sâu các liệt sĩ - Đời đời tạc dạ, công đức Mẹ anh hùng”. Trong khuôn viên khu tưởng niệm, hai cây Sala, một loài cây linh thiêng gắn liền với truyền thuyết về Đức Phật được một người con Hải Thượng kì công đưa về vun trồng. Ngoài Sala, nhiều cặp cây mang ý nghĩa nghĩa tượng trưng sâu sắc khác như: vú sữa, đại, vạn tuế… cũng đã đâm chồi, nảy lộc sau tháng ngày được chăm chút.

Thấy công trình khang trang, bề thế, được chăm chút đến từng chi tiết, những người yêu quê hương Hải Thượng, đặc biệt là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và thân nhân của họ đều ấm lòng. Hôm lễ khánh thành được tổ chức, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đào Thị Vui (sinh năm 1923), trú tại làng An Thái, xã Hải Thượng khoác tấm áo đẹp nhất để đến dự. Chồng bà Vui bị giặc Pháp chôn sống vào năm 1947. 24 năm sau, người con trai duy nhất của bà cũng hiến dâng xương máu cho cách mạng. Nhìn Khu tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam anh hùng đẹp hơn nhiều lần so với trí tưởng tượng của mình, bà Vui chia sẻ: “Nghe tin xã nhà xây dựng Khu tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tôi vui lắm. Cũng như tôi, có rất nhiều mẹ không còn chồng, con để lo hương khói sau ngày nhắm mắt xuôi tay. Giờ đây, tôi và những người Mẹ khác đều có thể yên lòng”. Cũng chung tâm trạng với bà Đào Thị bà Vui, ông Đào Xuân Thành (sinh năm 1946), con trai của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Xoan rưng rưng khi nhìn thấy tên người cho mình hình hài, tiếng nói trong Khu tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam anh hùng xã Hải Thượng. “Tôi vui vì biết mẹ mình và các Bà mẹ Việt Nam anh hùng khác sẽ mãi mãi được nhớ đến, đời đời được tri ân”, ông Thành rưng rưng nói.

Buổi lễ khánh thành Khu tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam anh hùng xã Hải Thượng được tổ chức đúng vào dịp kỉ niệm 50 năm ngày xã Hải Thượng nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng. Sáng diễn ra buổi lễ, ai cũng mừng vì thấy trời quang mây tạnh. Vậy mà, một cơn mưa rào bất ngờ đổ xuống khi tiếng hát tri ân dặt dìu vang lên: “Cho con xin chia sớt nỗi buồn, cho con xin xẻ đôi bát cơm, cho con hôn đôi mắt mỏi mòn, cho con soi lại bóng hình con/Mẹ Việt Nam ơi! Mẹ Việt Nam ơi! Xin cảm ơn người, người mẹ của tôi”. Điều đặc biệt là chỉ ít phút sau đó, trời lại ửng nắng để các đại biểu và người dân cắt băng khánh thành, tham quan, hương khói… Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đào Thị Vui nở nụ cười hồn hậu nói: “Phải chăng trời cũng xúc động như lòng người đang sống và đã khuất?”.

Trương Quang Hiệp

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=145336