Xảy ra cháy, phải có người chịu trách nhiệm

Khi vụ cháy ở Khương Hạ khiến 13 người chết còn chưa lắng xuống, tại Hà Nội lại xảy ra vụ cháy ở Định Công gây hậu quả đau lòng.

Với những vụ cháy xảy ra ở nhà dân, nguyên nhân thường do sự bất cẩn của con người. Nguyên nhân thứ hai do mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh, bên dưới cho thuê để sản xuất kinh doanh, nhất là những mặt hàng dễ xảy ra cháy, còn bên trên để ở.

Hiện trường vụ cháy ở Khương Hạ khiến 13 người chết.

Khi cho thuê để kinh doanh, hết ngày, người thuê vắng mặt nhưng chủ nhà không kiểm tra bởi vì không thuộc quyền quản lý của mình nữa. Và nếu xảy ra cháy, hậu quả rất thương tâm. Cháy ở tầng một, lửa sẽ bốc lên, những người sinh sống ở tầng trên gần như không có chỗ thoát thân.

Do đó, theo tôi, cần rà soát, bổ sung tiêu chí về phòng cháy, chữa cháy, bắt buộc phải có tập huấn cho cả chủ nhà lẫn người thuê. Bởi nếu không, khi xảy ra cháy sẽ không phát hiện được ngay. Khi cháy to thì gần như vô phương cứu chữa.

Sau khi xảy ra vụ cháy chung cư mini, Hà Nội rất tích cực trong khâu rà soát và bây giờ vẫn đang rà soát. Nhưng những vụ cháy chết nhiều người vẫn cứ xảy ra.

Như đã nói, cháy có rất nhiều nguyên nhân. Nhưng có thể chính quyền địa phương còn đang buông lỏng. Bởi địa phương chịu trách nhiệm rất nhiều khâu, trong đó có cả việc giám sát. Vậy thì vì sao vẫn còn hàng nghìn cơ sở, hộ dân không đảm bảo điều kiện vẫn hoạt động như vậy? Chẳng lẽ chúng ta chỉ rà soát rồi không làm gì?

Đã đến lúc không thể quy trách nhiệm chung chung, kiểu như "do chính quyền địa phương còn buông lỏng quản lý", mà cần phải có địa chỉ cụ thể, con người cụ thể và trách nhiệm cụ thể. Nếu cứ chung chung mãi, sẽ chẳng giải quyết được gì và chắc chắn những vụ cháy gây hậu quả đau lòng vẫn sẽ xảy ra.

Cháy là điều không ai mong muốn, và cháy cũng có rất nhiều nguyên nhân. Nhưng để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn, chẳng lẽ người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương lại vô can?

Tất nhiên lỗi do ai, nguyên nhân vì đâu, còn chờ cơ quan điều tra kết luận. Song nếu việc lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát được thực hiện đầy đủ, biết đâu những vụ cháy gây hậu quả thảm khốc đã không xảy ra?

Bên cạnh tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ cho người dân, việc hoàn thiện các quy định phòng ngừa, ngăn chặn là rất quan trọng.

Thực tế, các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, nhất là nhà ở có nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà cho thuê, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh… hiện nay vẫn thiếu những quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn. Đó cũng là một trong những lý do khó xác định được trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị liên quan nếu không may xảy ra cháy nổ.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/xay-ra-chay-phai-co-nguoi-chiu-trach-nhiem-192240618003424273.htm