Xây trung tâm logistics quy mô lớn cạnh tranh hàng nhập giá rẻ

Việt Nam xây dựng được những trung tâm logistics quy mô lớn, hiện đại, nhiều chức năng sẽ góp phần cắt giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa nội địa.

Nhiều giải pháp cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của logistics Việt Nam được các chuyên gia, cơ quan quản lý đưa ra tại "Hội nghị Logistics Việt Nam lần thứ 2 - năm 2024", do Báo Đầu tư tổ chức ngày 31-10.

Cần những trung tâm logistics kết nối

Thời gian gần đây, sự đổ bộ của sàn thương mại điện tử lớn như Temu, Shein, Taobao… nói riêng và các mặt hàng được nhập vào Việt Nam, đặc biệt là từ Trung Quốc nói chung được vận chuyển thời gian ngắn, giá rẻ gây áp lực rất lớn với hàng nội địa Việt Nam.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hàng nhập về Việt Nam có giá rẻ hơn rất nhiều nhờ chi phí logistics thấp. Như vậy, câu chuyện làm thế nào để doanh nghiệp Việt thu hẹp khoảng cách này được đặt lên hàng đầu, bởi nếu không làm được, sớm thì muộn, các ngành sản xuất trong nước sẽ khó tồn tại được nữa.

 Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng Việt Nam cần xây dựng những trung tâm logistics quy mô lớn mới giúp hàng nội địa cạnh tranh được hàng ngoại giá rẻ. Ảnh: QH

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng Việt Nam cần xây dựng những trung tâm logistics quy mô lớn mới giúp hàng nội địa cạnh tranh được hàng ngoại giá rẻ. Ảnh: QH

Theo ông Hải, các trung tâm logistics là một phần quan trọng trong kết cấu hạ tầng logistics nói chung, đóng vai trò kết nối với các hạ tầng giao thông như cảng biển, sân bay, đường cao tốc, đường sắt… Tuy nhiên, sự phát triển của các trung tâm logistics trong thời gian qua ở Việt Nam còn khá manh manh mún và tự phát.

Tốc độ phát triển hàng năm của ngành logistics Việt Nam bình quân đạt 14% - 15%, quy mô 40 - 42 tỉ USD một năm. Doanh nghiệp logistics của Việt Nam tăng nhanh về số lượng, đến nay đã có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước và khoảng 25 tập đoàn logistics hàng đầu thế giới đang hoạt động.

Các trung tâm logistics Việt nam hiện nay đang chủ yếu phục vụ cho thị trường trong nước là chính với hạ tầng khá đơn giản. Chúng ta vẫn thiếu các trung tâm quy mô lớn, chuyên ngành, chuyên dụng, hoạt động hiện đại, có tác động đến thị trường và có sự liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp logistics với nhau như trung tâm logistics nông sản lớn, kho lạnh lớn… phục vụ việc lưu trữ, phân phối hàng hóa để đưa đến các hệ thống siêu thị, bán lẻ. Đồng thời, góp phần tạo nên giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu.

 Cần chính sách tạo thuận lợi về thủ tục đầu tư xây dựng trung tâm logistics. Ảnh: QH

Cần chính sách tạo thuận lợi về thủ tục đầu tư xây dựng trung tâm logistics. Ảnh: QH

“Doanh nghiệp nội địa chưa đủ sức và gần đây, chúng tôi nhìn thấy một số mô hình mới của các nhà đầu tư nước ngoài, giúp cho các trung tâm logistics tại Việt Nam được hiện đại hóa. Vì vậy, chúng tôi mong muốn trong thời gian tới sẽ có các trung tâm logistics quy mô lớn, hiện đại, nhiều chức năng, qua đó doanh nghiệp Việt sẽ tăng khả năng học hỏi, vận dụng”, ông Hải nói.

Phát triển mạnh hạ tầng để cắt giảm chi phí logistics

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, thủ tục để có thể bắt tay vào xây dựng một trung tâm logistics hay cảng cạn là quá trình rất mất thời gian, mà thời gian chính là chi phí, thêm vào đó lại mất 2 - 3 năm hoặc lâu hơn nữa. Điều này sẽ làm giảm nhiệt huyết của doanh nghiệp, khiến họ không theo đuổi được dự án.

“Bộ Công thương đang nghiên cứu những vấn đề này để đưa vào Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam, nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh”- ông Hải thông tin.

Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết trước đây, chi phí logistics chiếm khoảng trên 20% GDP và hiện nay chiếm khoảng 16,8-17% GDP. Lý do là nhờ hạ tầng ngày càng phát triển, chi phí logistics ngày càng giảm, đây là sự đóng góp rất lớn của hạ tầng giao thông vận tải với nền kinh tế, dù chưa được như kỳ vọng.

Trong đó, hệ thống đường thủy nội địa hoạt động ngày càng hiệu quả, giúp giảm được khoảng 20% chi phí logistics. Dù vậy, đầu tư công cho đường thủy nội địa hiện nay chỉ mới ở mức 2%. Hiện nay với đầu tư công thấp như vậy cũng phần nào hạn chế sự phát triển đối đường thủy nội địa.

 Quang cảnh hội nghị Logistics Việt Nam 2024. Ảnh: NGỌC HÂN

Quang cảnh hội nghị Logistics Việt Nam 2024. Ảnh: NGỌC HÂN

Do đó, ông Thu cho rằng đầu tư công đồng bộ, tương xứng hơn cho đường thủy nội địa, gia tăng sự kết nối của các cảng biển sẽ đem lại hiệu quả lớn cho logistics. Đầu tư công sẽ là tiền đề, vốn mồi của đầu tư tư nhân, hay nói cách khác “đầu tư công sẽ dẫn dắt cho đầu tư .

“Để đẩy mạnh phát triển các trung tâm logistics cần có sự liên kết ngành, liên kết vùng, có “nhạc trưởng” để đẩy mạnh chuyển đổi từ tư duy, nhận thức, hành động đối với ngành logistics”- ông Thu chia sẻ.

Tiến sĩ Yap Kwong Weng, CEO, Việt Nam SuperPort cũng cho rằng, Việt Nam cần hạ tầng logistics nhiều hơn. Doanh nghiệp Việt Nam cần phải trỗi dậy củng cố năng lực của mình trong việc triển khai vận hành theo chuỗi cung ứng quốc tế. Đặc biệt cần phải xem xét vấn đề chuyển giao công nghệ như robot, AI cho thị trường Việt Nam.

4 giải pháp phát triển logistics Việt Nam

Thứ nhất, về cơ chế chính sách, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics, các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp logistics, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Thứ hai, về phát triển kết cấu hạ tầng, cần tiếp tục tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics bao gồm hạ tầng giao thông vận tải và hạ tầng logistics.

Thứ ba, về phát triển nguồn nhân lực, cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan ở Trung ương, các địa phương, các trường đại học, dạy nghề và các doanh nghiệp trong việc xác định các nhu cầu về lao động, giáo dục đào tạo. Bên cạnh đó, nhà nước cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn về nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất trang thiết bị trong lĩnh vực này.

Thứ tư, về phía các doanh nghiệp logistics cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chuyển đổi số, đầu tư vào công nghệ, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao biết sử dụng các công nghệ mới. Thực hiện liên kết, liên doanh, mua bán sáp nhập doanh nghiệp để tạo ra các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh hơn.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung

QUANG HUY - NGỌC HÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/xay-trung-tam-logistics-quy-mo-lon-canh-tranh-hang-nhap-gia-re-post817617.html