Xây trung tâm tài chính quốc tế: Việt Nam bước vào 'cuộc chơi lớn'

Phát triển trung tâm tài chính quốc tế là bước đi chiến lược đưa Việt Nam hội nhập sâu hơn vào dòng chảy tài chính toàn cầu.

Niềm tin, năng lực và nền tảng cho hội nhập

Việc phát triển một trung tâm tài chính quốc tế (IFC) không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Thay vào đó, quá trình này đòi hỏi một chiến lược hành động bền bỉ, sự điều phối chính sách xuyên suốt và hợp tác thể chế chặt chẽ nhằm xây dựng một hệ thống tài chính tin cậy, minh bạch và phù hợp với chuẩn mực toàn cầu.

Tại hội thảo với chủ đề “Vai trò, chức năng và quản trị của Trung tâm tài chính quốc tế” do Trường Đại học Việt - Đức tổ chức, các chuyên gia đề xuất một kế hoạch hành động nhằm hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa nghị quyết về phát triển IFC. Kế hoạch này nhấn mạnh một loạt giả thuyết nền tảng, đóng vai trò như kim chỉ nam trong quá trình hiện thực hóa tham vọng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.

Việc phát triển một trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam cần lộ trình dài hạn, bền vững. Ảnh minh họa

Việc phát triển một trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam cần lộ trình dài hạn, bền vững. Ảnh minh họa

Một trong những giả thuyết cốt lõi là "giả thuyết về niềm tin" trong lĩnh vực ngân hàng. Hệ thống ngân hàng không thể hoạt động hiệu quả nếu thiếu đi sự tin tưởng của người dân và nhà đầu tư quốc tế. Môi trường chính sách ổn định, quản trị tài chính công hiệu quả, mức độ tham nhũng thấp và quản lý tiền tệ minh bạch sẽ củng cố niềm tin này. Cùng với đó, việc nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia thông qua cải thiện minh bạch và kỷ luật chính sách là một bước đi quan trọng nhằm thu hút dòng vốn dài hạn.

Trong lĩnh vực pháp lý, Việt Nam được khuyến nghị nghiên cứu tích hợp các nguyên tắc luật thông lệ (common law) vào khung pháp lý hiện hành để đảm bảo khả năng dự báo và bảo vệ nhà đầu tư quốc tế. Những yếu tố như thực thi hợp đồng, giải quyết tranh chấp và minh bạch trong thông tin công bố sẽ là then chốt để định vị IFC của Việt Nam như một điểm đến đáng tin cậy trên bản đồ tài chính toàn cầu.

Hệ thống ngân hàng không chỉ là nơi cung cấp tín dụng mà còn là đầu mối phát triển các công cụ tài chính sáng tạo, chẳng hạn như chứng khoán hóa tài sản (ABS). Tuy nhiên, sự đổi mới này cần đi kèm với các yêu cầu quản trị rủi ro chặt chẽ, minh bạch trong kế toán và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như Basel III và IFRS 9.

Sự thành công của ngân hàng thương mại trong vai trò này phụ thuộc vào khả năng duy trì niềm tin của nhà đầu tư thông qua quản trị rủi ro có kỷ luật.

Đối với thị trường vốn, giả thuyết về niềm tin được kết nối chặt chẽ với sự phát triển của các quỹ hưu trí theo mô hình tích lũy. Việc chuyển đổi từng bước sang hệ thống hưu trí có đầu tư, bên cạnh mô hình "trả theo lương" hiện hành, được xem là chìa khóa để tạo ra nhu cầu vốn dài hạn, qua đó thúc đẩy niêm yết cổ phiếu, phát hành trái phiếu và cải thiện quản trị doanh nghiệp. Trong dài hạn, các quỹ hưu trí sẽ đóng vai trò trụ cột trong việc hình thành một thị trường vốn sâu rộng và bền vững.

Đối với thị trường nợ, sự phát triển của các công ty xếp hạng tín nhiệm độc lập đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn quyết định đầu tư và thu hút vốn tổ chức. Thay vì tự thành lập một cơ quan xếp hạng trong nước, Việt Nam có thể cân nhắc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với các tổ chức quốc tế uy tín để nhanh chóng tiếp cận phương pháp đánh giá chuẩn mực và đào tạo chuyên gia trong nước. Giải pháp này sẽ thúc đẩy hội nhập, đồng thời hỗ trợ định hướng dòng vốn theo tiêu chí minh bạch và hiệu quả.

Tầng nổi của tảng băng và điều kiện để hiện thực hóa

Trung tâm tài chính quốc tế được ví như phần nổi của một tảng băng, biểu tượng cho sự thịnh vượng và năng lực kết nối toàn cầu của một nền kinh tế. Tuy nhiên, để phần nổi ấy ổn định và phát triển, cần có một kết cấu hạ tầng tài chính vững chắc phía dưới, bao gồm một hệ thống ngân hàng hiệu quả, thị trường vốn sâu rộng, chính sách tiền tệ linh hoạt và lực lượng lao động chất lượng cao.

Một bước đi chiến lược nhằm thu hút vốn đầu tư quốc tế là từng bước chuyển đổi sang cơ chế chuyển đổi ngoại tệ đầy đủ có kiểm soát. Việc cho phép giao dịch ngoại tệ trong các khu vực IFC với quy định rõ ràng và các công cụ phòng vệ rủi ro là cách tiếp cận thận trọng nhưng cần thiết. Nếu được thực hiện theo từng giai đoạn, cơ chế này sẽ giúp tăng tính thanh khoản, thúc đẩy niềm tin và đưa Việt Nam tiến gần hơn tới chuẩn mực quốc tế.

Một đề xuất nổi bật khác là thành lập ngân hàng cấp hai theo mô hình ngân hàng tái thiết KfW của Đức. Tổ chức này không cho vay trực tiếp doanh nghiệp hay người tiêu dùng, mà hỗ trợ các ngân hàng thương mại trong nước thông qua tái cấp vốn dài hạn và các chương trình cho vay có điều kiện. Mô hình này giúp mở rộng năng lực tín dụng cho các lĩnh vực chiến lược như công nghiệp bán dẫn, năng lượng sạch và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi phối hợp cùng các định chế tài chính quốc tế, ngân hàng cấp hai sẽ góp phần tạo dựng uy tín cho hệ thống tài chính Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

Việc phát triển một hệ sinh thái dịch vụ tài chính đa dạng cũng là một yêu cầu cấp thiết. Việt Nam cần mở rộng loại hình sản phẩm như quỹ đầu tư mạo hiểm, công cụ tài chính liên quan tới hưu trí, trao đổi hàng hóa, tín chỉ carbon, stablecoin và tài sản số. Cùng với đó là phát triển hạ tầng pháp lý, công nghệ và dịch vụ hỗ trợ đạt chuẩn quốc tế. Những sáng kiến trong lĩnh vực công nghệ tài chính, trí tuệ nhân tạo, blockchain nên được thử nghiệm theo quy định để vừa thúc đẩy đổi mới, vừa kiểm soát rủi ro hiệu quả.

Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự thành công lâu dài của IFC. Việc xây dựng một hệ thống giáo dục tài chính chất lượng cao, hợp tác với các tổ chức quốc tế trong đào tạo và nâng cao năng lực, ban hành chính sách thị thực ưu đãi cho chuyên gia nước ngoài sẽ tạo nên lực đẩy cho sự phát triển bền vững. Đồng thời, cần có cơ chế quản lý nhân sự minh bạch, khuyến khích đổi mới và tạo môi trường làm việc linh hoạt, tích cực.

Hạ tầng vật lý và kỹ thuật cũng cần được chú trọng. Một IFC hiệu quả đòi hỏi quy hoạch không gian hợp lý, giao thông thuận tiện kết nối với các trung tâm kinh tế, hệ thống điện và dữ liệu an toàn, cùng với nền tảng thanh toán hiện đại, hỗ trợ giao dịch xuyên biên giới theo thời gian thực.

Cuối cùng, ba cơ quan điều phối cần được thành lập để đảm bảo hoạt động hiệu quả của IFC: cơ quan điều hành, cơ quan giám sát và trung tâm trọng tài quốc tế. Mỗi cơ quan đóng vai trò trong việc duy trì tính minh bạch, công bằng và năng lực giải quyết tranh chấp đạt chuẩn toàn cầu, những yếu tố làm nên danh tiếng và niềm tin cho bất kỳ trung tâm tài chính quốc tế nào.

Trung tâm tài chính quốc tế không thể chỉ được định hình bởi các điều khoản pháp lý hay hạ tầng vật chất. Nó cần một nền tảng tri thức lâu dài, nơi các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và giới nghiên cứu có thể cùng nhau thiết kế các bước đi có trật tự. Việc thành lập Ngôi nhà Tài chính Việt Nam (V-HoF) đặt tại Trường Đại học Việt - Đức sẽ là bước đi quan trọng. Đây sẽ là nơi quy tụ trí tuệ, thúc đẩy đối thoại chính sách và là điểm tựa cho tầm nhìn chiến lược tài chính dài hạn của Việt Nam trong tiến trình hội nhập.

Trần Đình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xay-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-viet-nam-buoc-vao-cuoc-choi-lon-411611.html