'Xây ước mơ' bằng xe mô hình
Lê Tấn Phát (sinh năm 2004, ngụ ấp Mỹ Giang, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn) đã chứng minh rằng khiếm khuyết không phải là rào cản để đạt đến ước mơ.
Sinh ra với căn bệnh câm, điếc bẩm sinh, Phát đã tìm thấy niềm vui và sự tự tin trong công việc bằng cách chế tạo ra những chiếc xe mô hình tinh xảo.
Qua đôi bàn tay khéo léo của mình, Phát đã biến những mảnh gỗ vụn, ống nhựa cứng trở thành tác phẩm nghệ thuật sống động, mang đến niềm vui cho bản thân và những người xung quanh.
Bà Nguyễn Thị Lệ Hoa (sinh năm 1957, bà nội Phát) cho biết: "Từ khi sinh ra, Phát đã có những biểu hiện lạ, không nghe và không nói được. Khám tại Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh, bác sĩ cho biết, cháu bị bệnh câm, điếc bẩm sinh, không thể chữa trị. Tuổi thơ có biến cố và bệnh tật nhưng Phát vẫn rất lạc quan, chăm chỉ làm những việc trong khả năng của mình. Có lẽ nhờ xem hình ảnh trên mạng xã hội mà Phát bắt đầu có hứng thú, đam mê và chế tạo xe mô hình".
4 năm nay, Phát say mê với việc chế tạo xe mô hình. Mỗi chiếc xe mô hình của Phát đều mang một dấu ấn riêng. Có những chiếc “Cup 50”, “Cup 70” nhỏ nhắn, năng động hay những chiếc xe “Dream” mang vẻ đẹp hoài cổ. Ban đầu, nhiều người nghĩ đó chỉ là thú vui, sớm qua mau nhưng không ngờ càng làm Phát càng say mê và càng sáng tạo.
Nhiều xe mô hình do đôi bàn tay Phát chế tạo đã "tìm được chủ nhân" nhờ người quen biết giới thiệu. Từ sự tò mò đến tập trung tìm tòi, sáng tạo, tác phẩm xe mô hình của Phát đã được nhiều người đón nhận, đó là niềm vui, hạnh phúc của chàng trai khiếm khuyết quyết không đầu hàng số phận.
Phát khó nhọc ra dấu và thông tin từ người thân cho tôi biết, phải mất khoảng 4 ngày để hoàn thành một chiếc xe, thậm chí cả tuần miệt mài sáng tạo mới hoàn thành sản phẩm. Thói quen của Phát là làm một loạt nhiều chiếc xe cùng chủng loại. Sau khi tạo khung, làm sườn sẽ gắn yên xe và bổ sung các chi tiết nhỏ khác, sau cùng là sơn màu theo ý thích và gắn biển số xe… tạo thành chiếc xe với đầy đủ các bộ phận.
Dù không thể giao tiếp bằng lời nói, nhưng Phát đã tìm cách khẳng định bản thân thông qua những tác phẩm nghệ thuật của mình. Xe mô hình của Phát có giá bán từ 300.000 - 500.000 đồng/chiếc. Ngoài ra, Phát còn làm xe mô hình theo yêu cầu khách hàng, chỉ cần nhìn thấy mẫu là Phát sẽ làm được.
Để kiếm thêm thu nhập phụ gia đình trang trải cuộc sống, Phát còn mày mò học cách sửa xe đạp. Nhờ chịu khó, chăm chỉ và thông minh, Phát được bà con lối xóm quý mến và ủng hộ rất nhiều. Chủ yếu là lấy công làm lời nên hầu như ngày nào, Phát cũng có việc để làm.
Mạnh dạn tham gia Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang lần thứ VIII/2024, dự án chế tạo xe mô hình từ vật liệu tái chế của Lê Tấn Phát đạt giải khuyến khích. Đó là động lực để chàng trai khiếm khuyết ấy tiếp tục cố gắng, vươn lên không ngừng để khẳng định bản thân.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/xay-uoc-mo-bang-xe-mo-hinh-a409161.html