Xe biển số nước ngoài có bị phạt nguội ở Việt Nam?

Bạn đọc tên Ngọc hỏi: 'Xe biển số nước ngoài có bị phạt nguội ở Việt Nam không? Nếu có thì họ nộp phạt bằng cách nào?'

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Đoàn Thị Hồng Linh, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết đối với xe mang biển số nước ngoài được quy định như sau:

Tại khoản 6 Điều 37 Thông tư 79/2024 của Bộ Công an (quy định về cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng có hiệu lực từ 1-1-2025) có quy định về màu sắc, sêri biển số xe của cơ quan, tổ chức và cá nhân nước ngoài như sau:

 Thông tư 79/2024 của Bộ Công an quy định về cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng có hiệu lực từ 1-1-2025. Ảnh: TN

Thông tư 79/2024 của Bộ Công an quy định về cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng có hiệu lực từ 1-1-2025. Ảnh: TN

Quy định về biển số xe

...

6. Màu sắc, ký hiệu biển số xe của cơ quan, tổ chức và cá nhân nước ngoài

a) Biển số xe nền màu trắng, chữ màu đỏ, số màu đen, có ký hiệu “NG” màu đỏ cấp cho xe của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và nhân viên nước ngoài mang chứng minh thư ngoại giao của cơ quan đó. Riêng biển số xe của Đại sứ và Tổng Lãnh sự có thứ tự đăng ký là số 01 và thêm gạch màu đỏ đè ngang lên giữa các nhóm số chỉ quốc tịch và thứ tự đăng ký (biển số 01 được cấp lại khi đăng ký cho xe mới);

b) Biển số xe nền màu trắng, chữ màu đỏ, số màu đen, có ký hiệu “QT” màu đỏ cấp cho xe của cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và nhân viên nước ngoài mang chứng minh thư ngoại giao của tổ chức đó. Riêng biển số xe của người đứng đầu cơ quan đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc có thêm gạch màu đỏ đè ngang lên giữa các chữ số chỉ quốc tịch và thứ tự đăng ký;

c) Biển số xe nền màu trắng, chữ và số màu đen, có ký hiệu “CV” cấp cho xe của các nhân viên hành chính kỹ thuật mang chứng minh thư công vụ của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, tổ chức quốc tế;

d) Biển số xe nền màu trắng, chữ và số màu đen, có ký hiệu “NN” cấp cho xe của tổ chức, văn phòng đại diện, cá nhân nước ngoài, trừ các đối tượng quy định tại các điểm a, điểm b, điểm c khoản này.

"Căn cứ Công ước Viên 1961 mà Việt Nam tham gia quy định trụ sở của cơ quan đại diện ngoại giao, đồ đạc và tài sản khác ở trong đó cũng như các phương tiện đi lại của cơ quan đại diện không thể bị lục soát, trưng dụng, tịch thu hoặc đem xử lý"- Luật sư Hồng Linh cho hay.

Cũng theo Luật sư Hồng Linh, theo Thông tư liên bộ số 01-TTLN năm 1988 hướng dẫn điều tra, xử lý các vụ vi phạm luật lệ giao thông đường bộ do người, phương tiện giao thông nước ngoài gây ra, trong trường hợp xe biển ngoại giao gây tai nạn thì tùy vào phương tiện và người điều khiển phương tiện đó mà cách xử lý sẽ là khác nhau.

Cụ thể, các xe mang biển số NG được hưởng quyền miễn trừ không bị khám xét, trưng dụng, bắt giữ, không bị áp dụng các biện pháp xử lý.

Riêng trường hợp xe này do người mang quốc tịch Việt Nam điều khiển mà gây tai nạn thì vẫn tiến hành điều tra, xử lý miễn sao cho không gây trở ngại quá đáng cho hoạt động của các cơ quan đại diện và các tổ chức quốc tế.

Các xe không mang biển số NG thì tùy tính chất, mức độ vi phạm luật lệ giao thông đường bộ, có thể bị khám xét, bắt giữ, xử lý như các phương tiện tương tự của Việt Nam.

Như vậy, ngoại trừ biển số “NG” thì các xe mang biển số nước ngoài khác nếu vi phạm khi tham gia giao thông có thể bị phạt nguội tương tự như các phương tiện giao thông khác của Việt Nam.

Việc nộp phạt cũng được thực hiện theo thủ tục thông thường là nộp trực tiếp tại Kho bạc nhà nước (sau khi nhận Quyết định xử phạt vi phạm hành chính) hoặc nộp trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Luật sư Đoàn Thị Hồng Linh, Đoàn Luật sư TP.HCM

THY NHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/xe-bien-so-nuoc-ngoai-co-bi-phat-nguoi-o-viet-nam-post833012.html