Cách thức biến những khối tài sản 'bẩn' thành tài sản 'sạch' của tội phạm tham nhũng
Tội phạm tham nhũng hiện có xu hướng rửa tiền bằng hình thức tẩu tán tiền ra nước ngoài, đầu tư vào các tài sản có giá trị lớn hoặc biến những khối tài sản 'bẩn' thành tài sản 'sạch'...
Bộ Tư pháp vừa công bố “Báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xử lý hình sự đối với tội phạm rửa tiền có nguồn gốc từ tham nhũng".
Theo đó, qua các vụ án được xét xử thời gian qua, nhóm nghiên cứu thấy rằng các khoản tiền bị chiếm đoạt là rất lớn, có những vụ án số tiền này lên đến hàng trăm tỉ đồng. Các khoản tiền bị chiếm đoạt thường được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như chi tiêu cá nhân, mua sắm bất động sản, tài sản có giá trị, đầu tư kinh doanh... Hay thậm chí các khoản tiền này được dùng vào các hoạt động từ thiện để nâng cao uy tín, vị thế.
“Đây đều là những hành vi được gọi là ‘rửa tiền’” – nhóm nghiên cứu nêu.
Những vụ án nổi cộm về rửa tiền
Quá trình xác minh, điều tra, cơ quan điều tra luôn quán triệt phương châm thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng nói chung; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, chính quyền địa phương xác minh, làm rõ nguồn gốc hình thành tài sản từ nguồn tiền phạm tội để phục vụ thu hồi, kê biên, phong tỏa.
Báo cáo nghiên cứu của Bộ Tư pháp đã dẫn chứng vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) là vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng.
Đối với hành vi “tham ô tài sản”, các bị cáo mà đứng đầu là Trịnh Xuân Thanh, người đại diện vốn góp của PVN tại PVC đã cấu kết với nhau và với doanh nghiệp bên ngoài lập hồ sơ, quyết toán để chiếm đoạt số tiền rất lớn của PVC. Ngoài số tiền thiệt hại hơn 119 tỉ đồng và hơn 13 tỉ đồng tham ô thì việc làm trên của các bị cáo đã làm chậm tiến độ dự án, làm đội vốn đầu tư gần chục ngàn tỉ đồng.
Báo cáo cũng đề cập đến nhiều vụ án lớn khác như vụ án Hà Văn Thắm cùng đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương; vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, liên quan vụ Chuyến bay giải cứu; truy tố 36 bị can tại vụ án Bệnh viện đa khoa Đồng Nai; vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á; vụ án Phan Văn Anh Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79; vụ án Trần Phương Bình, cựu tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á…
Xu hướng tẩu tán tiền ra nước ngoài
Theo nhóm nghiên cứu, các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý với số lượng ngày càng lớn. Công tác thu hồi tài sản trong các vụ án nói chung, vụ án tham nhũng nói riêng luôn được đặc biệt quan tâm.
Với đặc thù của loại tội phạm này là người phạm tội đều là người có chức vụ, quyền hạn, là các quan chức chính phủ được đào tạo về pháp luật, quản lý nhà nước cũng như kinh nghiệm trong công tác thực tiễn. Do đó, tội phạm tham nhũng có xu hướng là tội phạm trí thức, không chỉ am hiểu các quy định pháp luật mà còn nắm được những sơ hở của các quy định để làm phương tiện, công cụ phạm tội tham nhũng, đồng thời thực hiện luôn hành vi rửa tiền.
“Hành vi của tội tham nhũng rất tinh vi nên hầu như khi cơ quan thực thi pháp luật phát hiện ra hành vi phạm tội thì đối tượng đã kịp tẩu tán tiền, tài sản” – nhóm nghiên cứu chỉ rõ và cho hay tội phạm tham nhũng có xu hướng tẩu tán tiền ra nước ngoài hoặc rửa tiền bằng cách mua những tài sản có giá trị lớn, đầu tư vào bất động sản trong nước đứng tên những người thân trong gia đình, đầu tư vào các dự án, doanh nghiệp...
Ngoại trừ các quan chức cấp cao có khả năng rửa tiền xuyên biên giới, hầu hết tội phạm tham nhũng thực hiện các phương pháp rửa tiền truyền thống như mua các tài sản có giá trị trong nước như mua xe hơi đắt tiền, bất động sản, du lịch...
“Mặc dù số vụ điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền có nguồn gốc từ các tội phạm này còn thấp so với các loại tội phạm nguồn khác, tuy nhiên, đối với các vụ án xảy ra, tiền, tài sản có nguồn gốc từ hoạt động tham nhũng có giá trị đặc biệt lớn và tiềm ẩn nguy cơ cao về rửa tiền” – nhóm nghiên cứu nhận định.
Rửa tiền có nguồn gốc từ tham nhũng là hành vi che giấu để hợp pháp tiền, tài sản được hình thành từ các hoạt động tham nhũng thông qua các giao dịch, các chuyển nhượng, qua đó nhằm tạo ra vỏ bọc hợp pháp cho các tài sản tham nhũng.
Sau khi có được tài sản từ các hoạt động tham nhũng, cá nhân sẽ thực hiện các thủ đoạn rửa tiền thông qua bất kỳ giao dịch dân sự, tài chính, ngân hàng... để che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản, biến tài sản đó thành tài sản hợp pháp, hay còn gọi là tài sản “sạch”.
Số vụ bị xử lý về tội rửa tiền tăng
Đáng chú ý, thời gian qua, việc điều tra tội rửa tiền trong quá trình điều tra tội phạm nguồn của tội rửa tiền đã được đẩy mạnh. Các vụ án điều tra tội rửa tiền thể hiện sự tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị cơ quan điều tra, VKSND các cấp và TAND các cấp trong công tác điều tra/truy tố/xét xử tội rửa tiền.
Năm 2023, VKSND các cấp đã phối hợp cơ quan điều tra cùng cấp điều tra, khởi tố 12 vụ án/51 bị can về tội rửa tiền (gấp 6 lần so với năm 2022). TAND các cấp đã xét xử 9 vụ về tội rửa tiền (gấp 4,5 lần so với năm 2022).
Bên cạnh việc chịu trách nhiệm hình sự và bị phạt tù vì tội rửa tiền, các bị cáo còn chịu các hình phạt bổ sung như phạt tiền, tịch thu một phần tài sản... Vật chứng được tịch thu/tiêu hủy, tịch thu sung công quỹ, tạm giữ tiền và tài sản của bị cáo để bồi thường cho người bị hại. Chỉ tính trong giai đoạn từ 1-6-2024 đến ngày 17-10-2024, TAND các cấp đã xét xử 4 vụ/15 bị cáo về tội rửa tiền.
Trong số các vụ án xét xử tội rửa tiền trong thời gian nêu trên, vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm (giai đoạn 2) do TAND TP.HCM kết án về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới và tội rửa tiền là vụ án điển hình, nổi cộm về hành vi rửa tiền. Trương Mỹ Lan đã thực hiện hành vi rửa tiền với hơn 445.748 tỉ đồng. Vụ án có chín bị cáo bị kết án về tội rửa tiền với mức hình phạt 2-12 năm.
Kiểm soát kê khai tài sản, thanh toán không dùng tiền mặt
Để phòng, chống rửa tiền có nguồn gốc từ tham nhũng một cách hiệu lực, hiệu quả thì trước hết theo nhóm nghiên cứu Bộ Tư pháp là cần có những giải pháp để phòng ngừa tội phạm nguồn, trong đó có các tội phạm tham nhũng, không để xảy ra tham nhũng.
Nhóm chuyên gia cũng cho rằng quy định pháp luật của Việt Nam về tội phạm rửa tiền cơ bản đầy đủ, bao quát và phù hợp với yêu cầu của chuẩn mực quốc tế và cũng tương thích, phù hợp với pháp luật của các quốc gia.
Để kiểm soát được nguồn gốc tài sản, nhóm nghiên cứu của Bộ Tư pháp cho rằng vấn đề kiểm soát tài sản, thu nhập không chỉ đặt ra đối với cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị mà kiểm soát tài sản, thu nhập cần được thực hiện đối với mọi người dân. Những biện pháp có thể thực hiện như cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt, vấn đề thu nộp và quản lý thuế, cơ chế đăng ký tài sản có giá trị..., trong đó kê khai tài sản, thu nhập chỉ là một trong các giải pháp để kiểm soát được tài sản, thu nhập.
Việc không có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi người dân, đặc biệt là việc kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thân trong gia đình của người có chức vụ, quyền hạn thì sẽ dẫn tới nguy cơ thất thoát một khối lượng lớn tiền, tài sản.
Đối với số tài sản, thu nhập đã bị phát hiện là kê khai không trung thực hoặc có nguồn gốc không rõ ràng thì pháp luật phòng, chống tham nhũng lại chưa có quy định để xử lý. Đây cũng chính là nguy cơ dẫn đến thất thoát một khối lượng lớn tài sản tham nhũng hoặc tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp, biến những khối tài sản “bẩn” thành tài sản “sạch” thông qua các hoạt động rửa tiền.
Giám sát, phân loại tiền ảo, tiền mã hóa
Cạnh đó, với sự phát triển của công nghệ 4.0 với sự xuất hiện phổ biến của một số loại tiền mã hóa hay còn gọi là tiền ảo (Bitcoin, Ethereum, Tether, Binance Coin, ripple, Cardano...) nhưng chưa có quy định cụ thể và chưa có cách hiểu thống nhất những loại tiền này có được coi là tài sản theo pháp luật dân sự của Việt Nam hay không. Đây chính là kẽ hở để những đối tượng phạm tội lợi dụng thực hiện các hoạt động rửa tiền thông qua những giao dịch tiền mã hóa, tài sản mã hóa. Do vậy, cần có cơ chế quản lý, giám sát, đồng thời phân loại các tài sản mã hóa và cơ chế hoạt động của những đối tượng này.
Liên quan đến hành vi rửa tiền, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định hai tội danh, đó là tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 323) và tội rửa tiền (Điều 324).
Trong khi đó, việc chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có về bản chất cũng là một trong những quy trình nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản do phạm tội mà có, nhằm chuyển hóa tài sản do phạm tội mà có thành tài sản hợp pháp.
Vì thế, hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có cũng được coi là một dạng thức của hành vi rửa tiền theo chuẩn mực quốc tế. Việc quy định hai tội danh độc lập nêu trên sẽ dẫn tới cách hiểu hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản có được từ việc phạm tội không phải là hành vi rửa tiền. Do vậy, cần nghiên cứu để hợp nhất hai tội danh này thành một tội danh về rửa tiền để đảm bảo phản ánh đúng bản chất, tính chất của hành vi phạm tội cũng như sự thống nhất về chế tài xử lý.
Đề xuất hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp
Một trong những điểm lưu ý khác mà báo cáo nghiên cứu đã chỉ ra là về hành vi bất hợp pháp. Theo Điều 20 Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) thì hành vi làm giàu bất hợp pháp là việc tài sản của một công chức tăng đáng kể so với thu nhập hợp pháp của công chức mà công chức này không giải thích được một cách hợp lý về lý do tăng đáng kể như vậy.
Thực tiễn chống tội phạm trên thế giới cho thấy làm giàu bất hợp pháp chủ yếu bắt nguồn từ việc thực hiện tội phạm có tổ chức và tội phạm tham nhũng.
Chính vì vậy, bên cạnh việc đặt ra nghĩa vụ hình sự hóa các hành vi tham nhũng truyền thống như tham ô, biển thủ hoặc các dạng chiếm đoạt tài sản khác, hối lộ, lợi dụng ảnh hưởng để trục lợi... UNCAC coi hành vi làm giàu bất hợp pháp là một loại hành vi có bản chất tham nhũng và khuyến nghị các quốc gia thành viên hình sự hóa hành vi này.
Hiện nay trên thế giới, nhiều quốc gia đã quy định về hành vi làm giàu bất chính, như Argentina, Zambia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Brunei, Singapore...
Chính vì vậy, nhóm chuyên gia của Bộ Tư pháp nhìn nhận để phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm nguy cơ xảy ra tội rửa tiền có nguồn gốc từ tham nhũng thì cần có giải pháp căn cơ, mang tính đột phá. “Việc nghiên cứu để hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp trong thời gian là hết sức cần thiết” – báo cáo nêu rõ,
Tuy nhiên, để có quy định về hành vi làm giàu bất hợp pháp thì cần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật để bảo đảm sự đồng bộ về thể chế, cơ chế trong việc đăng ký tài sản, giao dịch; kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập; đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất cho các giao dịch thanh toán chuyển khoản, thanh toán không dùng tiền mặt.