Xe buýt kế cận: Vẫn chưa phát huy hết tiềm năng

Xe buýt kế cận có nhiều lợi thế để phát triển thành một loại hình vận tải hành khách liên tỉnh ưu việt trong cự ly khoảng dưới 100km. Song, Hà Nội hiện chỉ có 13 tuyến xe buýt kế cận, kết nối đến 7 tỉnh.

Xe buýt kế cận cần tập trung đầu tư mở rộng vùng phục vụ

Hà Nội hiện chỉ có 13 tuyến xe buýt kế cận, kết nối đến 7 tỉnh, TP với 157 phương tiện do 18 doanh nghiệp vận hành, khai thác. Đặc biệt, trong đó chỉ có 3 doanh nghiệp vận tải của Hà Nội, còn lại 15 doanh nghiệp là của địa phương khác.

Con số này chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong mạng lưới vận tải hành khách (VTHK) nói chung và VTHK công cộng nói riêng của Thủ đô cũng như một số địa phương lân cận.

Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Tuyển cho hay, xe buýt kế cận có nhiều lợi thế để phát triển thành một loại hình VTHK liên tỉnh ưu việt trong cự ly khoảng dưới 100km.

"Khác với xe khách liên tỉnh chỉ gói gọn hành trình trong hai đầu bến, xe buýt kế cận được đón trả khách tại nhiều điểm dừng, thuận tiện hơn hẳn. Mặt khác giá vé của xe buýt kế cận, dù không được trợ giá cũng rẻ hơn xe khách rất nhiều, phù hợp với mọi tầng lớp Nhân dân", ông Tuyển phân tích.

Tuyến buýt kế cận 215 chạy từ Hà Nội đến Nam Định.

Tuyến buýt kế cận 215 chạy từ Hà Nội đến Nam Định.

Nhưng thực tế, xe buýt kế cận tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương trên cả nước chưa phát triển đúng với tiềm năng và vai trò, chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân.

Anh Nguyễn Văn Cường (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) cho biết, "Đôi lần tôi đã chọn đi tuyến buýt kế cận số 206 để về quê Hà Nam. Xe khá thuận tiện, trả khách tại điểm dừng gần nhà, nhưng chất lượng dịch vụ thì tôi chưa hoàn toàn hài lòng".

Theo anh Cường, một số hạn chế của xe buýt kế cận như: thời gian đi lại lâu; chất lượng phương tiện chưa cao…

Đó cũng là thực trạng chung của một số tuyến buýt kế cận tại Hà Nội hiện nay. Phần lớn dàn phương tiện cũ, xấu; nhiều đơn vị chưa chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ; dù đi xa nhưng có lúc hành khách vẫn phải đứng, dẫn đến mất an toàn và gây mệt mỏi.

Trong khi đó, nhiều loại hình xe tự phát đang ngày càng nở rộ, cạnh tranh khốc liệt với cả VTHK liên tỉnh lẫn xe buýt kế cận. Đáng kể nhất là xe ghép, xe tiện chuyến, xe khách trá hình với phương tiện tốt hơn hẳn, đưa đón tận cửa… nên dù giá vé cao gấp nhiều lần, vẫn được không ít người dân ưu tiên lựa chọn.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan chia sẻ, xe buýt kế cận đã trở thành một trong những phương tiện VTHK chính ở nhiều đô thị phát triển trên thế giới.

"Nó đã thay thế hoàn toàn xe khách liên tỉnh, độc chiếm thị trường VTHK liên tỉnh bằng đường bộ với nguồn lợi thu được không nhỏ cả về kinh tế và giao thông", thạc sĩ Đỗ Cao Phan nói.

Vị chuyên gia này đánh giá, xe buýt kế cận là một phương tiện VTHK văn minh, phù hợp với những đô thị lớn, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại liên tỉnh cho người dân trong cự ly không quá dài.

Cần cơ chế khuyến khích đầu tư tuyến buýt kế cận

Phó Giám đốc Công ty CP Xe khách Hà Nội Dương Minh Thắng cho biết, đơn vị này đang tham gia khai thác nhiều tuyến buýt kế cận của Hà Nội như tuyến số: 202, 204, 205, 210, 21, 215...

"Chúng tôi luôn cố gắng nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, chúng tôi sẵn sàng đầu tư, phát triển loại hình buýt kế cận, nhưng cũng rất cần cơ quan chức năng hỗ trợ giải quyết những khó khăn, rào cản trong kinh doanh", ông Dương Minh Thắng nói.

Theo ông Dương Minh Thắng, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là sự cạnh tranh không lành mạnh của xe khách trá hình, xe tiện chuyến hoạt động dày đặc trên nhiều tuyến đường mà buýt kế cận phục vụ. Các doanh nghiệp vận tải khai thác xe buýt kế cận đều mong muốn lực lượng chức năng xử lý nghiêm minh, triệt để vi phạm nhằm bảo đảm hiệu quả kinh doanh, làm trong sạch môi trường cạnh tranh.

Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Tuyển trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết.

Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Tuyển trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết.

Bên cạnh đó, ông Dương Minh Thắng cũng mong đợi Hà Nội sẽ có thêm những cơ chế chính sách khuyến khích hơn nữa đối với xe buýt kế cận. Ví dụ như cho các doanh nghiệp vận tải tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phương tiện như với xe buýt có trợ giá. Khoản đầu tư mua sắm phương tiện đang là khó khăn rất lớn với doanh nghiệp vận tải, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.

Ông Dương Minh Thắng cho biết thêm, xe buýt kế cận có một lợi thế lớn so với xe khách liên tỉnh được dừng đỗ, đón trả khách tại nhiều điểm trên hành trình, thuận tiện cho người dân sử dụng.

Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Tuyển cho rằng, xe buýt kế cận còn nhiều dư địa để phát triển, hơn nữa rất phù hợp với các tuyến ngắn, đủ sức cạnh tranh với xe ghép, xe khách trá hình.

"Hà Nội đã xác định các tuyến VTHK liên tỉnh dưới 100km sẽ được chuyển đổi thành xe buýt kế cận. Với tính cơ động và thuận tiện, xe buýt kế cận sẽ đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân", ông Nguyễn Tuyển nói.

Lê Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/xe-buyt-ke-can-van-chua-phat-huy-het-tiem-nang-10294228.html